Nguy cơ mất Tết vì gà “đặc sản” rớt giá

Do giá tụt mạnh, nhiều hộ nuôi gà đồi Yên Thế lo mất Tết. Ảnh: Nguyễn Trường
Do giá tụt mạnh, nhiều hộ nuôi gà đồi Yên Thế lo mất Tết. Ảnh: Nguyễn Trường
TP - Năm nay người chăn nuôi gà Yên Thế có nguy cơ mất Tết do giá rớt mạnh. Vấn đề không chỉ ngon mà phải phù hợp với thị trường, là bài học không riêng với loại gà này.

Méo mặt

Thời điểm này năm ngoái, người nuôi gà đồi Yên Thế trúng đậm khi thương lái đến tận chuồng lùng mua, giá trung bình 70.000-80.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tới 100.000-110.000 đồng/kg. Nhiều hộ còn bán cả gà tơ, vì thấy hời. 

Tuy nhiên, năm nay giá gà giảm mạnh, chỉ còn 40.000-47.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn. Người nuôi gà đồi Yên Thế đứng trước nguy cơ một năm thất thu.

Gia đình nhà ông Nguyễn Văn Long, thôn Lò Than (xã Canh Nậu, Yên Thế) nuôi hơn 2.000 con gà đồi “xịn”, chuẩn bị xuất chuồng. Ông Long cho hay, thấy năm ngoái bán tốt năm nay nhiều người đầu tư, tăng đàn để chờ dịp cao điểm mua sắm Tết. “Ai ngờ, giá gà đặc sản lại thê thảm như vậy. 

Cứ giá như hiện nay, người nuôi gà lỗ nặng. Năm nay, hàng đẹp như của gia đình tôi giá cũng chỉ khoảng 40.000-45.000 đồng/kg. Tôi lỗ nặng. Gà xấu hơn, giá thấp hơn là cái chắc. Nhiều hộ nuôi quanh nhà tôi cũng đang kêu trời”- ông Long nói.

Theo tính toán của một số người nuôi gà đồi Yên Thế, năm nay các chi phí nuôi gà đều tăng như: Giá cám tăng khoảng 25.000-40.000 đồng/bao, tùy loại tương đương khoảng 5-7%; giá nhân công, nguyên vật liệu xây dựng chuồng trại, điện, thuốc thú y đều tăng mạnh. Giá gà năm nay ít nhất phải 55.000 đồng/kg mới hòa vốn, người nuôi càng nhiều càng lỗ nặng.

Bà Nguyễn Thị Lợi (thôn Trại Quân, xã Đồng Kỳ, Yên Thế), một lái buôn gà đồi Yên Thế bán tại chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội), cho biết: Giá gà tụt mạnh, khiến người nuôi hoang mang. Theo bà, một lượng gà có nguồn gốc không rõ ràng, chủ yếu là gà Trung Quốc vẫn về Hà Nội, khiến gà Yên Thế khó cạnh tranh.

Ông Phạm Công Vân, Phó Chủ tịch Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế cho biết, giá gà bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 11/2013. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm nhiều hộ nuôi vào đàn để chuẩn bị dịp Tết. Hiện, tổng đàn gia cầm của Yên Thế khoảng 4 triệu con.

Trong đó dự kiến sẽ cung ứng khoảng 1,7 triệu con cho thị trường trước Tết Nguyên đán, khoảng 1 triệu con sau Tết. “Theo tính toán là hợp lý, bởi trước Tết năm ngoái, Yên Thế đã tiêu thụ được 1,2 triệu con gà với giá cao. Việc giá gà giảm mạnh như thời điểm hiện nay, khiến người nuôi chán nản”- ông Vân nói.

Bài học

Trong khi hàng triệu con gà đồi Yên Thế đã sẵn sàng, thị trường chính của loại gà này năm ngoái là Hà Nội lại không mặn mà. Ông Nguyễn Như Giang, Phó GĐ Cty CP Giang Sơn, đơn vị phân phối gà đồi Yên Thế thị trường Hà Nội cho biết, dịp Tết năm ngoái bán được 20 tấn. 

Tuy nhiên, năm nay, dù lượng hàng nhiều, số đơn vị phân phối cũng tăng lên, nhưng lượng tiêu thụ khá chậm. Hiện, sản phẩm gà đồi Yên Thế đóng gói vẫn được bán tại siêu thị Metro, Hapro, Saigon Co.op Mart, Hiway... với giá từ 120.000-140.000 đồng tùy từng loại.

Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng giám đốc Cty CP Sàn giao dịch Rau quả và Thực phẩm an toàn Hà Nội, hiện sản phẩm gà đồi Yên Thế vẫn được đưa lên giao dịch, nhưng số lượng rất ít. Theo ông, dịp này năm ngoái, có ngày đơn đặt hàng lên khoảng 200 kg/ngày, nay chỉ lèo tèo vài ba đơn đặt hàng nhỏ. 

“Vấn đề do giống gà đồi Yên Thế là gà lai giữa gà ri hoặc gà mía với gà lương phượng. Gà lai nuôi 6 tháng hơi dai, 4 tháng lại hơi bở. Trong khi, người dân Hà Nội lại thích ăn loại gà ta; năm nay nhiều loại gà đồi ở vùng Ba Vì, Sóc Sơn... cung cấp với số lượng lớn”- ông Lưu nói.

Cũng theo ông Lưu, trong khâu dịch vụ, nhất là khâu giết mổ cung cấp loại gà đồi Yên Thế còn chưa hoàn thiện, khả năng đáp ứng cũng hạn chế. Do người tiêu dùng ít mua, nên một số siêu thị cũng lấy hàng không nhiều. Hiện, gà đồi Yên Thế sống bán tại chợ gia cầm Hà Vỹ khoảng 4-5 tấn/ngày, giá khoảng 60.000 đồng/kg.

“Năm ngoái, Hà Nội tiêu thụ khoảng 4 triệu con gà đồi Yên Thế. Năm nay, may chăng lượng tiêu thụ chỉ còn một nửa”

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó giám đốc Cơ sở giết mổ công nghiệp Minh Hiền cũng cho biết, năm ngoái, cơ sở của bà cũng nằm trong các đơn vị giết mổ và phân phối gà đồi Yên Thế theo chỉ đạo của Thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, năm nay công ty bà không lấy loại gà này do thị trường ảm đạm. “Dịp Tết, người dân Hà Nội ăn nhiều gà ri, gà ta, chứ không ăn gà Yên Thế nên tôi không làm”- Bà Hiền nói.

Còn theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội, năm nay, nhu cầu gà đồi Yên Thế không như trước đây. Theo ông, năm nay, nhiều trang trại ở ngoại thành nuôi gà công nghiệp thua lỗ, nên họ chuyển hướng nuôi gà ta thả vườn, nhất là dân nuôi gà đồi ở vùng Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây... Loại gà này ngon, nguồn cung tại chỗ lớn, nên gà đồi Yên Thế khó cạnh tranh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.