Nguy cơ MERS-CoV vào Việt Nam: Khẩn cấp ngăn chặn

Giống SARS, MERS dễ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần nên nhân viên y tế, người nghi nhiễm phải mặc đồ bảo hộ kín mít như ninja. Ảnh: Getty Images.
Giống SARS, MERS dễ lây từ người sang người qua tiếp xúc gần nên nhân viên y tế, người nghi nhiễm phải mặc đồ bảo hộ kín mít như ninja. Ảnh: Getty Images.
TP - Ngày 2/6, Bộ Y tế đã họp lên kế hoạch khẩn cấp nhằm ngăn chặn Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virus Corona (MERS-CoV) xâm nhập vào Việt Nam.

Nguy cơ khách về từ vùng dịch

Mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh MERS-CoV nào nhưng trước tình hình hội chứng này đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc khi chỉ trong 10 ngày đã có 25 người nhiễm bệnh, 2 ca tử vong cộng với nguy cơ lây lan cao của virus, Bộ Y tế đã quyết định chủ động các biện pháp đáp ứng không để dịch xâm nhập vào Việt Nam.

Tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế nhằm đánh giá tình hình, giám sát nguy cơ và đề xuất các biện pháp phòng chống lây lan dịch MERS-CoV tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nguy cơ dịch MERS-CoV có thể xâm nhập vào nước ta từ hành khách đi về từ vùng dịch, trong bối cảnh gia tăng giao lưu đi lại giữa các nước là khá cao. Trong khi đó, thời gian ủ bệnh bệnh nhân không có triệu chứng nên khó phát hiện. Vì vậy, Bộ Y tế quyết định tăng cường các hoạt động giám sát, truyền thông và sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh xâm nhập.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, tổng số người nhập cảnh từ đầu năm 2015 đến nay từ 9 quốc gia và vùng có dịch là trên 23.000 người, gần 5.000 người/tháng qua 2 cửa khẩu Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện Việt Nam có trên 20.000 lao động đang làm việc tại vùng Trung Đông. Bộ Y tế nhận định, đây là nguy cơ lây lan dịch bệnh nếu không được kiểm soát tốt.

TS Trần Đắc Phu khẳng định: “Dịch bệnh đang lưu hành tại các quốc gia vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại quốc gia khác. Tuy nhiên, các chùm ca bệnh chủ yếu tập trung trong cơ sở y tế, chưa ghi nhận có sự lây lan trong cộng đồng. Dịch có khả năng lan truyền quốc tế, nếu không nỗ lực kiểm soát, phòng chống thì tình hình sẽ tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, nhiều sinh mạng sẽ bị cướp đi, kinh tế xã hội sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng”.

Đại diện của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho hay, bệnh đang lây truyền trong gia đình, chưa có bằng chứng về sự biến đổi của chủng virus hay lây lan dịch trong cộng đồng. Tuy nhiên, điều lo ngại là virus Corona tồn tại trong lạc đà lâu hơn virus Eloba. Virus Ebola có thể biến mất nhưng lạc đà là con vật gắn liền với đời sống người dân nên khả năng virus Corona tồn tại lâu dài.

Nguy cơ MERS-CoV vào Việt Nam: Khẩn cấp ngăn chặn ảnh 1

Bộ Y tế họp khẩn phòng chống MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

Giám sát chặt từ cửa khẩu

Rút kinh nghiệm từ các trường hợp nhiễm MERS-CoV tại Hàn Quốc, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, sẽ tập trung tăng cường giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảng tại cửa khẩu quốc tế ở Hà Nội và TPHCM để có thể phát hiện sớm ngay các trường hợp xâm nhập đầu tiên. Các cơ sở khám chữa bệnh chú ý khai thác các yếu tố dịch tễ để phát hiện các trường hợp bệnh nhân đi từ vùng dịch lưu hành về. Ngoài ra tăng cường các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện để tránh lây lan cho cộng đồng và nhân viên y tế trong trường hợp phát hiện dịch bệnh.

Trong thời gian tới, Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) sẽ tham mưu cho Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong các hoạt động phòng chống dịch, tiếp tục cập nhật tình hình dịch bệnh, giám sát chặt chẽ trên cả 4 nội dung: Giám sát tại cửa khẩu, tại cơ sở y tế, tại cộng đồng, phòng thí nghiệm. Văn phòng EOC sẽ thường xuyên cập nhật thông tin và tham khảo ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế, đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường khả năng giám sát cửa khẩu biên giới, kiên quyết ngăn chặn dịch MERS-CoV xâm nhập vào Việt Nam.

Hạn chế tới các quốc gia đang có dịch

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khuyến cáo người dân: Hạn chế đi tới các quốc gia đang có dịch bệnh tại khu vực Trung Đông khi không cần thiết. Trước khi đi du lịch cần tìm hiểu các thông tin tình hình dịch bệnh tại nơi đến để chủ động có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân. Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc. Tránh tiếp xúc với động vật, vật nuôi, nếu đã tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng. Những người trở về từ khu vực Trung Đông, trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp như sốt trên 38°C, ho, khó thở hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm MERS-CoV. 

PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, MERS-CoV là một bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Trong đó, virus Corona là một chủng mới tương tự virus gây SARS năm 2003. Bệnh xảy ra lần đầu tiên tại Ảrập Xêút từ năm 2012. Tới nay, virus này đã lây lan ra 26 quốc gia với 1.154 người mắc, trong đó có 434 ca tử vong đã được ghi nhận (tỷ lệ tử vong trên tổng số người mắc bệnh là 38%).

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.