Nguy cơ “móc ngoặc” công -tư!

Ông Nguyễn Đình Quyền.
Ông Nguyễn Đình Quyền.
TP - “Tại sao BOT hầu hết là chỉ định thầu, tại sao một doanh nghiệp dược mới thành lập lại liên tiếp trúng thầu thuốc ở bệnh viện? Cái đó có bất thường, có sự “móc ngoặc” giữa công và tư không…”, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói và cho rằng, đã đến lúc cần mở rộng phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực tư.

“Bóng dáng” tham nhũng trong lĩnh vực tư

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư đang gây ra nhiều ý kiến băn khoăn trong dư luận. Quan điểm của ông thế nào về việc này (?)

Ông Nguyễn Đình Quyền: Việc mở rộng PCTN sang cả lĩnh vực tư ở thời điểm này theo tôi là phù hợp. Bởi bây giờ giữa công và tư hiện nay rất đan xen. Ví dụ như việc thực hiện các dự án theo hình thức BOT, BT đan xen công - tư rất nhiều. Nếu không chú ý, không có cơ chế để ngăn ngừa thì nguy cơ xảy ra tham nhũng là rất lớn.

Hơn nữa, qua tổng kết thực tiễn công tác PCTN cho thấy, không có lĩnh vực công nào liên quan đến tham nhũng lại không có bóng dáng của tư. Đưa tiền, rồi hối lộ toàn tư đó chứ. Nên việc mở rộng ra là cần thiết. Đặc biệt, sự phát triển kinh tế thị trường đặt ra yêu cầu khách quan phải mở rộng sang lĩnh vực tư. Đây là lĩnh vực khó nên khi mở rộng phải thận trọng, có bước đi thích hợp để đem lại hiệu quả nhưng không tràn lan, để không khéo tập trung lĩnh vực tư lại xao lãng lĩnh vực công.

Nói đến BOT, BT, nhiều ý kiến nhận xét đây là những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng rất cao nhưng lại rất thiếu và yếu về sự công khai, minh bạch. Nếu mở rộng quy định PCTN sang lĩnh vực tư thì có ngăn ngừa hạn chế tiêu cực trong lĩnh vực này?

Đúng là đang có rất nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ tham nhũng trong hình thức đầu tư BOT, BT. Như tôi đã nói việc mở rộng PCTN trong lĩnh vực tư ở thời điểm này là hết sức cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo việc thực hiện các dự án BOT, BT trên trở nên công khai, minh bạch, rõ ràng, có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân và dư luận.

Theo kết quả thanh tra, kiểm toán, hầu hết các dự án BOT là chỉ định thầu. Đây rõ ràng là có dấu hiệu bất thường. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại không đấu thầu công khai, minh bạch mà lại chỉ định thầu? Có dấu hiệu tham nhũng, lợi ích nhóm không (?) Nếu chúng ta mở rộng PCTN sang lĩnh vực tư thì khi đó cơ quan chức năng hoàn toàn có thể căn cứ vào việc “100% chỉ định thầu” đó để xử lý trách nhiệm, chứ không phải đợi phát hiện có hành vi “bỏ tiền vào túi”. “Việc bỏ tiền vào túi” có hay không thì cơ quan chức năng sẽ chứng minh sau.

Hay vừa qua, dư luận phản ánh, tại sao có một doanh nghiệp dược mới thành lập mà liên tiếp trúng thầu các dự án đấu thầu thuốc ở bệnh viện. Cái đó có bất thường không? Có sự móc ngoặc, tham nhũng giữa công và tư không? Tất cả những hành vi, dấu hiệu đó sẽ “lọt” vào tầm ngắm của cơ quan PCTN, nếu chúng ta đưa quy định chống tham nhũng trong lĩnh vực tư vào luật.

PCTN khu vực công hiện nay còn chưa hiệu quả, bây giờ mở sang khu vực tư liệu có khả thi?

Năm 2005, Chính phủ trình Luật PCTN có đưa nội dung PCTN ở cả lĩnh vực công lẫn lĩnh vực tư. Khi đó chúng tôi ở Vụ Pháp luật có tham mưu cho Ủy ban Pháp luật là nên tập trung PCTN trong lĩnh vực công trước, khi có kinh nghiệm chúng ta sẽ mở rộng sang lĩnh vực tư. Sau hơn 10 năm thực hiện và với thực tế như hiện nay, tôi cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để chúng ta mở rộng và thực hiện việc này.

Phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn chống tham nhũng, phải ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản, phải kiểm soát tài sản của toàn xã hội?

Đúng là các quy định trong Dự thảo luật PCTN hiện nay mới nặng về kê khai, chứ chưa có cách thức xử lý, kiểm soát được tài sản. Do đó, nếu có vi phạm thì cũng chỉ là vi phạm ở mức “kê khai không trung thực”, chứ chưa có chế tài, cơ chế để xử lý những tài sản kê khai không trung thực đó. Điều quan trọng nhất trong công tác PCTN là phải kiểm soát được tài sản, có thế mới ngăn chặn được sự dịch chuyển bất hợp pháp của những dòng tiền. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, kiểm soát tài sản có ý nghĩa quyết định, quan trọng đến công cuộc PCTN.

Trong đề án đó phải hoàn thiện rất nhiều thể chế pháp luật về sử dụng tiền mặt, kê khai thuế, thanh toán qua ngân hàng, xử lý tài sản bất minh. Có như thế mới tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong công tác PCTN.

MỚI - NÓNG