Nguy cơ trôi mất nhiều bãi biển đẹp

Biển nuốt nhiều ha rừng ngập ở mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau (ảnh lớn), ống cát dùng để chống sạt lở ở bãi Đồi Dương, Phan Thiết khi bị vỡ (ảnh nhỏ).
Biển nuốt nhiều ha rừng ngập ở mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau (ảnh lớn), ống cát dùng để chống sạt lở ở bãi Đồi Dương, Phan Thiết khi bị vỡ (ảnh nhỏ).
TP - Bờ biển Cửa Đại - một trong những bãi tắm đẹp nhất Việt Nam đang có nguy cơ bị biển nuốt trọn, nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Nhiều bờ biển đẹp khác của Việt Nam cũng sắp trôi xuống biển nếu như không có biện pháp kịp thời.

Các chuyên gia tố cáo thủy điện cùng nạn khai thác cát chính là thủ phạm gây ra sự sạt lở bất thường này.

Biển lấn vào sâu cả km

Đồi Dương là một bãi tắm đẹp của thành phố biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Mấy năm qua, sạt lở bờ biển ở đây diễn ra rất mạnh. Biển lấn sâu vào đất liền. Từ một bãi tắm thoai thoải với triền cát trắng, sau biển lấn sâu, bãi tắm dốc đứng. Để cứu bãi tắm, phương án sử dụng các ống cát đặt ở nơi sạt lở được sử dụng để tạo bờ. Một thời gian ống cát bục ra, cảnh quan bãi biển trở nên rất xấu và người dân không thể xuống biển. Chỉ sau khi phương án kè lát mái được áp dụng, xói lở bờ biển mới tạm dừng và bãi tắm lại được phục hồi để phục vụ người dân.

Khu vực bờ biển huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, chỉ trong vòng mấy chục năm, có nơi biển lấn sâu vào tới hơn 800 m. Những khu rừng mắm, cao tới hơn 10m để giữ bờ nay cũng trôi xuống biển. Tình trạng sạt lở bờ biển đang diễn ra nghiêm trọng trên khắp cả nước, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo.

Ở miền Bắc, khu vực Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định) ảnh hưởng nhiều nhất. Ở miền Trung, xói lở đang diễn ra ở hầu hết các kiểu cấu tạo bờ, Thanh Hóa có 18,1 km xói lở, mỗi năm xói lở trung bình 15-30 m. Nghệ An có 45km, Hà Tĩnh có 60km, Quảng Bình là 50 km bờ biển xói lở. Bờ biển thuộc huyện Bình Đại và Ba Tri (Bến Tre), mỗi năm biển tiến vào đất liền 20 m, đoạn từ Đầm Dơi đến Rạch Gốc của tỉnh Cà Mau, dài 40 km, những năm qua biển lấn vào 1,4km.

Ngoài những vùng bồi tụ và cấu tạo đá cứng, hầu hết dải ven biển ở Việt Nam bị xói lở, ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Trung tâm Hải văn, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho biết.

Khai thác cát diễn ra khắp nơi

Theo TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, nói đến sạt lở bờ biển, nhiều người đổ lỗi cho biến đổi khí hậu nhưng đây không phải là nguyên nhân chính.

Theo TS Ca, sạt lở bờ biển là hiện tượng tự nhiên nhưng sự gia tăng bất thường thời gian gần đây liên quan đến các hoạt động của con người. “Cách đây ít hôm tôi vào miền Tây thì thấy nước sông Hậu rất trong dù đang là mùa lũ”, TS Ca nói. Sở dĩ như vậy vì thủy điện chặn dòng ở thượng nguồn sông Mê Kông làm lượng phù sa về hạ lưu giảm đáng kể.

TS Ca cho hay, bờ biển có hai mùa, mùa bồi và mùa xói. Khi mùa xói mạnh hơn mùa bồi sẽ dẫn đến tình trạng biển xâm thực. Có nhiều yếu tố dẫn đến xói, bồi bờ biển. Bên cạnh các yếu tố tự nhiên thì nguyên nhân chính là do các đập thủy điện, thủy lợi được xây dựng trên thượng nguồn và nạn khai thác cát tại lòng sông và các khu vực cửa sông, ven biển.

Các đập thủy điện, thủy lợi chặn dòng làm phù sa lắng đọng chủ yếu trong lòng hồ và giảm rất nhiều lượng phù sa ra biển. Thêm vào đó tình trạng khai thác cát diễn ra ở khắp nơi càng làm cho lượng cát đổ ra biển ít đi. Vào mùa xói, luôn có một lượng cát mất đi do bị vận chuyển ra vùng nước sâu. Trước đây, sông mang cát ra biển để bù lấp lượng cát mất đi vào mùa xói; nay thiếu cát nữa nên biển tiến vào bờ. Đấy là xu thế chung.

“Hiện nay, rất nhiều địa phương đang hút cát bán cho nước ngoài. Thực tế là lượng cát bị hút đi sẽ làm gia tăng thiếu hụt cát và hậu quả là gia tăng xói lở”, TS Ca nói.

Liên quan đến phương án cứu bãi tắm Cửa Đại đang được thực hiện, TS Ca cho hay, phương án khả thi hơn hiện nay là kè lát mái một thời gian. Nếu kè lát mái không tồn tại được thì làm kè ra biển. “Kinh nghiệm bãi Đồi Dương, Phan Thiết đã sử dụng ống cát, sau đó nó vỡ ra, phá toàn bộ cảnh quan bãi biển, phải làm lại bằng kè lát mái”, TS Ca nói.

MỚI - NÓNG