Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng QH Vũ Mão: Trên dưới còn nể nang nhau lắm

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
TP - Lâu nay đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của các bộ, ngành, nếu không làm được  thì phải kiểm điểm, phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế, trên dưới còn nể nang nhau lắm, “dễ anh dễ tôi” mà! Thậm chí còn có quan điểm nếu kỷ luật thì lấy ai mà làm, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chia sẻ với Tiền Phong.

Nói nhiều làm ít càng khiến dân bức xúc

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, đề cập vấn đề trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn: “Trước nay chúng ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc”. Phải chăng, quy trách nhiệm cụ thể, bắn có địa chỉ là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Lâu nay, chúng ta xem xét, xử lý nhiều vấn đề, xử lý các sai phạm như “bắn chỉ thiên”, không có địa chỉ? Thực ra dư luận đều biết thực tế đó. Nhưng với một người đứng đầu Chính phủ mà thẳng thắn nhìn nhận như vậy, đó là một điều rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề vẫn chính là Chính phủ hành động, vẫn là nói đi đôi với làm. Tôi lại nhớ đến câu nói của Bác Hồ: “Chủ trương, chính sách là 1, kế hoạch triển khai là 5, tổ chức thực hiện - tức hành động phải là 10”. Nghĩa là lời nói chỉ là một thôi và hành động phải là mười. Nhưng trước nay chúng ta nói chỉ là một, giải pháp cũng chỉ một, rồi hành động cũng chỉ một, thậm chí còn thấp hơn một rất nhiều. Điều này cũng trở thành nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề nhân dân rất bức xúc.

Vậy theo ông làm thế nào để biến những tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ thành hiện thực và đi vào cuộc sống?

“Xây dựng một chính phủ liêm khiết, một chính phủ hành động thì phải thông qua các nội dung cụ thể và phải được thông qua Chính phủ bằng một nghị quyết. Điều này phải được thực hiện từ trên xuống dưới và bắt buộc các bộ ngành, cơ quan, chính quyền các cấp đưa ra một phương án cụ thể”. 

Ông Vũ Mão - nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Muốn làm được như những gì Thủ tướng Chính phủ tuyên bố thì từng câu nói, từng phương châm hành động phải có một chương trình, một kế hoạch cụ thể, nếu không lại vẫn “bắn chỉ thiên” hay “chém vào không khí”. Tôi lấy ví dụ về việc xây dựng một Chính phủ liêm khiết. Vậy bây giờ định nghĩa một Chính phủ liêm khiết là gì? Theo tôi, hãy đưa ra 5, hoặc 10 nội dung cụ thể của vấn đề. Chính phủ phải có một chương trình hành động cụ thể ngay từ nay tới cuối năm, rồi của năm 2017 là gì? Các bộ, ngành cũng phải làm như Chính phủ; rồi chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cũng phải có chương trình Chính quyền liêm khiết rất cụ thể. Những chương trình nóng bỏng ấy phải được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân giám sát và hơn thế nữa, nhân dân cùng sát cánh thực hiện.

Tôi kiến nghị với Thủ tướng là cần đưa nội dung này ra bàn ở Chính phủ và phải có một nghị quyết của Chính phủ về chính phủ liêm khiết. Điều này cần làm ngay và được thực hiện từ trên xuống dưới.

Tương tự, muốn có một chính phủ kiến tạo cũng phải xây dựng nội dung cụ thể. Phải có một chương trình rà soát lại các nội dung quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ, rồi  việc tổ chức bộ máy của Chính phủ có những điểm nào chưa hợp lý. Tôi phân tích như thế để thấy rằng, lời nói phải đi đôi với việc làm cụ thể không dễ dàng một chút nào.

Giải quyết ngay những vấn đề nóng

Một giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đề cập là phải thành lập ngay một tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các phó thủ tướng thực hiện đến đâu. Theo ông, điều này có cần thiết?

Tôi cho rằng cần cân nhắc. Bộ máy của chúng ta hiện không thiếu và mỗi bộ phận theo sự phân công phải làm theo chức năng, nhiệm vụ. Những kết luận, ý kiến chỉ đạo đã được thống nhất, Văn phòng Chính phủ phải soạn thảo và đưa ra Chính phủ thông qua và bắt buộc các bộ, ngành và các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉnh.   

Nhưng một thực tế ở đâu đó vẫn còn tồn tại là mặc dù Thủ tướng có chỉ đạo nhưng cấp dưới lại không thực hiện, hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn?

Nếu có điều đó thì phải thay đổi lề lối và cách thức làm việc. Nếu trước đây không giao rõ, thì giờ giao rõ đi. Bây giờ giao Văn phòng Chính phủ, hay bộ này, bộ kia làm việc này, nếu chưa hiệu quả thì truy trách nhiệm, đưa ra kiểm điểm các vị ấy một cách minh bạch, công khai, kể cả công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lâu nay chúng ta chưa làm như thế, cứ “bắn chỉ thiên” thôi, như thế  thì làm sao quy trách nhiệm được. Chúng ta cũng lập ra tổ chức này, tổ chức khác nhưng phải nói là hiệu quả không cao.

Nghĩa là phải trao quyền và gắn trách nhiệm cụ thể đến từng người đứng đầu thì bộ máy mới làm việc hiệu quả?

Lâu nay chúng ta vẫn nói thế, cũng đề cập đến nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, của các bộ, ngành. Nếu không làm được  thì phải kiểm điểm, phải chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế, trên dưới còn nể nang nhau lắm, “dễ anh dễ tôi” mà! Thậm chí còn có quan điểm, nếu kỷ luật thì lấy ai mà làm.

Bây giờ, theo chỉ đạo của Thủ tướng, mà cũng là mệnh lệnh của nhân dân: Ưu điểm cần đánh giá cao và phải được phát huy, còn khuyết điểm thì phải kiểm điểm sâu sắc để rút kinh nghiệm, nếu nghiêm trọng thì phải kỷ luật. Quy trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu rất cần thiết, đó cũng là cốt lõi của vấn đề nói đi đôi với làm.

Nói đến hành động cụ thể, nhân dân chắc hẳn rất mong muốn Chính phủ bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề nóng, gây bức xúc như chặt phá rừng, vụ việc nhà 8B Lê Trực, rồi Formosa… Ông có cùng suy nghĩ về điều này? 

Như tôi vừa nói, từ giờ đến cuối năm 2016 chỉ còn hơn 4 tháng nữa. Trong thời gian này, Chính phủ hãy đưa ra 5 hay 7 việc nóng, trọng điểm đang gây bức xúc nhất trong dư luận và hãy chỉ đạo từng vụ việc đến cùng. Đồng thời phải thường xuyên công bố lên các phương tiện thông tin đại chúng để dân biết.

Như vụ ở 8B Lê Trực là việc cấp bách rồi. Vậy hằng tuần phải công bố tiến độ thực hiện đến đâu. Nếu tiến độ chậm thì ai chịu trách nhiệm. Tóm lại, nói và làm phải đi vào những việc rất cụ thể, có như vậy mới xây dựng được niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.