Nhà đất công: Người trả, người giữ gây bức xúc

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải.
TP - Thực tiễn giám sát cho thấy, việc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý nhà đất ở một số địa phương không thống nhất, có trường hợp trả lại nhà công, có trường hợp không trả lại dẫn đến khiếu nại bức xúc của công dân.

Ngày 5/10, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, có 4 kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND Tối cao và đến nay đã được giải quyết. Trong đó, kiến nghị về bồi thường oan sai cho ông Lương Ngọc Phi đã được xem xét, giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường. 

Kết án tử hình Hồ Duy Hải “có căn cứ”

Đối với kiến nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về tội giết người và cướp tài sản ở tỉnh Long An, bà Nguyễn Thanh Hải cho biết, vụ án đã được lãnh đạo liên ngành Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao xem xét, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, toàn diện các chứng cứ buộc tội, cũng như gỡ tội, những vi phạm, thiếu sót trong quá trình giải quyết vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng. “Những vi phạm, thiếu sót không làm thay đổi bản chất vụ án. Vì vậy, việc tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải là có căn cứ pháp luật”, bà Hải nêu.

Đối với các kiến nghị còn lại, cử tri kiến nghị việc giải quyết các trường hợp oan, sai trong tố tụng hình sự thì trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra oan, sai như thế nào? Bà Hải cho biết, tiếp thu kiến nghị của cử tri, TAND Tối cao đã xây dựng nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, hạn chế các trường hợp oan, sai, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của một số cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bộ Xây dựng chưa đồng tình

Liên quan đến kết quả giám sát Bộ Xây dựng, theo Trưởng ban Dân nguyện, khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của bộ này chủ yếu liên quan đến việc thực hiện chính sách quản lý nhà đất của Nhà nước được thực hiện trước ngày 1/7/1991. Số lượng khiếu nại trong lĩnh vực này diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp công dân rất bức xúc, đặc biệt ở các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Thực tiễn giám sát cho thấy, việc thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý nhà đất ở một số địa phương không thống nhất, có trường hợp trả lại nhà, có trường hợp không trả lại dẫn đến khiếu nại bức xúc của công dân. Đoàn giám sát ví dụ, vụ việc của các bà Bùi Thị Oanh, Bùi Thị Tuyết ở 63 Bùi Thị Xuân, Hà Nội khiếu nại việc năm 1999, UBND thành phố Hà Nội trả lại nhà do Nhà nước quản lý mà không xem xét đến quyền lợi của các hộ dân đã và đang được Nhà nước phân nhà, cho thuê nhà từ năm 1956.

Không đồng tình với cách nhìn nhận của đoàn giám sát, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, vụ việc ở 63 Bùi Thị Xuân thực chất là quan hệ dân sự về nhà ở. Cho rằng những nhận xét của đoàn giám sát là phiến diện, đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị không nên đưa vụ việc cụ thể khi báo cáo ra Quốc hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị hai bên cần trao đổi để có sự thống nhất.

Ở khía cạnh khác, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cho biết, vấn đề nóng hiện nay cử tri rất quan tâm, bức xúc là vụ việc Formosa Hà Tĩnh. Theo ông Hạnh, tại kỳ họp tới, các đại biểu sẽ nêu vấn đề này ra Quốc hội. Điều người dân bốn tỉnh quan tâm lúc này là khi nào thì các ngành nghề kinh doanh, từ du lịch đến nghề cá đi vào hoạt động, lúc nào môi trường biển được cải thiện, đặc biệt việc hỗ trợ cho bà con ở bốn tỉnh miền Trung ra sao? “Tôi đề nghị cần quan tâm đến kiến nghị này của cử tri”, ông Hạnh nhấn mạnh.

Nợ đọng xây dựng nông thôn mới hơn 15 nghìn tỷ đồng

Ngày 5/10, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010 - 2015) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng 15.277 tỷ đồng. 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc. Ủy ban giám sát kiến nghị rà soát nợ đọng xây dựng cơ bản, có hướng giải quyết dứt điểm nợ đọng này trong năm 2017 và không để tái diễn tình trạng huy động vốn đầu tư vượt quá khả năng thanh toán dẫn đến nợ đọng. Đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản.            

Thành Nam

MỚI - NÓNG