Nhật ký một “tử tù” và những bi kịch từ máu

Nhật ký một “tử tù” và những bi kịch từ máu
 Một ông già tự nhận là “tử tù” mà không phạm bất cứ tội gì, một gia đình có 20 người chết vì bệnh, ba người còn lại đang cố sức để sống sót, một đứa trẻ bất hạnh khao khát được cười trước vong linh bố mẹ...

Người đàn ông đen đúa, gầy nhẳng này chẳng hiểu đã tự trào hay cay đắng mà lại gọi quãng thời gian nằm viện của mình  bằng 2  hai từ “ đi tù”.  Cụ thể và cực kỳ chi tiết , ông Tấn đã ghi lại những ngày nằm chữa bệnh tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương  trong cuốn sổ có một không hai được đặt tên “Nhật ký đi tù”.  Kẻ “kết án” ông phải chung thân với bệnh viện chính là căn bệnh xơ tủy quái ác.

Lão nông Đặng Đình Tấn ở xã Thanh Liệt – Thanh Trì - Hà Nội khi phát hiện lá lách to như quả xoài, người cứ teo tóp dần, mới đi khám, bác sỹ bảo tủy đã mất chức  năng sản sinh ra máu. Muốn sống nốt quãng đời còn lại, ông phải đi tiếp máu thường xuyên.  Đối với lão nông tri điền nghèo khổ này, lần đầu tiên nghe tin đó, chẳng khác nào một bản án tử hình... Ngay lập tức, một phép tính lướt qua trong đầu: một bịch máu gần 300 nghìn, mỗi tháng mấy chục bịch, tiền đâu ra? Đành chịu chết.

May thay, mặc dù là nông dân, nhưng lại là “nông dân Hà Nội”  nên ông Tấn cũng biết mua bảo hiểm y tế từ trước. Chính tấm thẻ bảo hiểm này đã làm ông được tái sinh, nó đảm bảo rằng những bịch máu mà ông nhận hoàn toàn miễn phí. Máu thì miễn phí nhưng dây nhựa để truyền máu lại phải trả tiền và chỉ riêng cái khoản tiền rất nhỏ đó cũng khiến ông lao đao. “Truyền ba bịch máu phải tốn 3 sợi dây, Nhà nước đã cho tôi “con trâu”, nhưng lại tiếc cái “dây thừng”, nếu mình giàu thì đó là chuyện vặt, nhưng đằng này nhà tôi nghèo đến nỗi  sợi “dây thừng” đó cũng khó mua. Anh tính gia đình 6 miệng ăn trông vào 2 sào ruộng khoán, vụ vừa rồi bị chuột và sâu bệnh phá nát, thu hoạch chỉ được 20 cân thóc. 20 cân thóc cho 6 tháng, cầm hơi cũng không đủ! Nói vậy thôi chứ tôi coi tấm thẻ BHYT là  bùa hộ mệnh, nếu chết có khi phải đưa lên thờ”.

Nhật ký một “tử tù” và những bi kịch từ máu ảnh 1
“Nhật ký đi tù” của ông Đặng Đình Tấn

Ngồi trên giường bệnh trong căn phòng chật chội của Viện Huyết học và  truyền máu TW, ánh mắt thiếu sinh khí của lão nông dừng lại ở cuốn “Nhật ký đi tù”: “Tôi gọi là “nhật ký đi tù” vì mắc căn bệnh này chẳng khác nào tử tù, hôm nay còn nhìn thấy mọi người, nhưng tối đến có khi  thần chết đến  “bịt mắt, dựa cột” mang đi. 2 tuần  lại “đi tù” một lần, tôi chỉ ước giá như hai tuần đổi thành 2 tháng thì đỡ cho thân già này lắm. Cứ hơn 10 ngày vào viện, lại phải đi làm thủ tục từ đầu, chạy xuống Bệnh viện Thanh Trì lấy giấy giới thiệu xuống Bệnh viện Thanh Nhàn, rồi từ Thanh Nhàn lên đây. Một việc làm vô nghĩa và vô lý, nhưng tôi đã phải đi như thế 14 lần rồi. Rồi người ta thấy tội hay sao mà tha cho. Nhưng đầy bệnh nhân vẫn bị cái thủ tục phức tạp kia nó hành cho”.

Cuốn nhật ký bằng 2 bàn tay, ghi chép cẩn thận như sổ nghiệp vụ của một  thủ quỹ. “Ngày 10/2/04 tiếp máu 3 bịch = 0,75 lít ”; “Ngày 13/ 4/04 tiếp máu 10 bịch = 2,70 lít”...  Lão nông tỷ mẩn như vậy vì một lý do nghe có vẻ rất lẩn thẩn: để  ghi nhớ mình nhận được từ  thiên hạ bao nhiêu lít máu nhân đạo giúp  ông duy trì  mạng sống. Thì đây, tính đến thời điểm này, cứ nhìn vào cuốn nhật ký sẽ thấy ông đã tiếp 130 bịch máu, mỗi bịch 260 nghìn. Từ đó mà nhân lên, mà quy ra thóc sẽ thấy cái sự miễn phí lớn biết chừng nào. Ông Tấn bỗng ngộ ra một điều gì đó lớn lao lắm. Ông ứa nước mắt, nói một câu khiến tôi thấy gai người: “Tôi là tử tù  nhưng được những giọt máu nhân đạo ân xá. Các  bác sỹ – những công an áo trắng luôn muốn tha bổng tử tù”.

ý nghĩa của sự ân xá đó càng sâu khi ông nhớ lại cái ngày biết tin mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông đã phải triệu tập cuộc họp đại gia đình để trả lời cho được câu hỏi: “Chữa hay không chữa?”. Cuối cùng anh em, bà con mỗi người góp một ít tiền cho ông đi bệnh viện. Ông tính năm nay mình đã 68 tuổi, cố cho đến 70, lúc đó  muốn tiếp tục sống phải bán nhà, bán đất. Như thế e tham quá, thôi thì  có lẽ làm ngụm thuốc trừ sâu cho xong. Có lẽ ông sẽ thực hiện  cái dự định “thuốc trừ sâu” ấy nếu như không được hưởng chút tình nghĩa nhân gian từ những giọt máu nhân đạo. Kẻ tử tù cảm thấy hàm ơn cuộc đời nhiều quá. Lão nông  ở tuổi cổ lai hy này  đã bày tỏ với tôi một ước mơ lãng mạn làm sao: Trở về tuổi 20 đầy sinh lực, để hàng tuần được đến bệnh viện hiến máu cứu người.

Nhật ký một “tử tù” và những bi kịch từ máu ảnh 2
Anh Biên phải đi lại bằng nạng gỗ

Máu -  nhiên liệu cho sự sống - ở bệnh viện này luôn là của hiếm, phải dè xẻn, co kéo từng li từng tí, nó như một tấm chăn quá hẹp, người này ấm thì kẻ kia lạnh. Thế nên bác sỹ Bạch Quốc Khánh – Trưởng khoa lâm sàng bệnh máu – Viện Huyết học truyền máu TW luôn lo thon thót thiếu máu điều trị cho người bệnh. Nếu ngày nào viện chỉ thu gom được 30 - 40 đơn vị máu thì nhiều bệnh nhân sẽ “đói”  bởi trung bình 1 ngày phải sử dụng 60 đơn vị máu (tương đương 15 lít). Cái cảnh “chạy ăn từng bữa”  vẫn diễn ra hàng ngày... Trong khi 80% bệnh nhân đang điều trị tại đây là nông dân nghèo không có BHYT, đối với họ, trong bịch máu kia có hoà lẫn những giọt nước mắt mặn chát.

Một gia đình có 20 người chết vì Hemophilia

38 tuổi, Nguyễn Thành Biên ở xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang đã bị căn bệnh Hemophilia cầm tù  khi mới lọt lòng mẹ được 6 tháng. Mắc căn bệnh này Biên rất hay bị chảy máu, máu chảy bất cứ lúc nào, bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Máu  cứ chảy mãi và nếu như không được can thiệp kịp thời sẽ tử vong ngay. Căn bệnh ưa chảy máu này được xác định do thiếu hoặc không có các  yếu tố làm đông máu, hầu hết rơi vào nam giới trong khi  chính người mẹ mang gen bệnh.

Biên chống nạng bước lên cầu thang, mệt nhọc ngồi xuống giường bệnh, tâm sự với đôi mắt buồn vời vợi: “Tôi bị chảy máu đến liệt cả một chân, chảy máu khánh kiệt cả gia sản. Bây giờ mất khả năng lao động, ăn bám vào vợ con. Thật khủng khiếp quá, đại gia đình tôi đã có 20 người chết vì Hemophilia. Bây giờ chỉ còn tôi và hai đứa cháu này”. Biên chỉ vào 2 người thanh niên, đang nằm trên giường, da xanh như tàu lá chuối. Kiều Công Tuấn sinh năm 1982, Nguyễn Thế Cường sinh năm 1980, cả hai đều đã lập gia đình, đều là nông dân và đều mất khả năng lao động, trong khi để duy trì mạng sống họ phải tiêu tốn một khoản tiền rất lớn.  Theo bác sỹ Nguyễn Thị Mai, phụ trách khoa Hemophilia thì ở nước ngoài điều trị căn bệnh này mỗi năm tốn khoảng 30 nghìn đô la, còn con số 3 cậu cháu Biên đưa ra đáng giật mình hơn: “Cứ mỗi lần chảy máu đi đứt vài chục triệu. Mà muốn sống có lẽ phải nhập hộ khẩu vào  Bạch Mai ”. 

Cả ba cậu cháu đều trở thành con nợ khổng lồ, số nợ cứ tăng sau những lần chảy máu,  và rồi  sẽ có lúc chẳng thể nào vay được nữa. Lúc đó sẽ ra sao? Họ đã mường tượng thấy hình ảnh 20 ngôi mộ của những người trong gia đình chết vì căn bệnh quái ác này. Thêm ngôi thứ 21, 22, rồi 23 chăng? Tuấn ứa nước mắt  và tự nhiên thấy thương vợ vô cùng khi nhớ lại câu nói của cô ấy: “Lấy anh, em đã sai lầm”.

Điều đáng buồn cho cả 3 cậu cháu không được quyền chữa bệnh bằng thẻ BHTY vì Hemophilia là căn bệnh di truyền. Quy định rõ rành rành ra đấy. Vì thế anh Biên giọng rưng rưng kể thật với tôi rằng nhiều lúc nằm mơ thấy tấm thẻ BHYT bay lượn  mà không sao nắm lấy được. Hôm nay, cả ba cậu cháu đến đây là vì  bệnh viện vừa được một công ty dược tài trợ thuốc miễn phí cho bệnh nhân Hemophilia. Không thể đi bộ ra bến xe, họ đành  “nghiến răng” thuê một chiếc ôtô  lên Hà Nội để được tiêm thuốc miễn phí. Sau bữa thuốc hiếm hoi không phải trả tiền, sau “một bữa no” ấy cả ba cậu cháu nằm dài trên giường, mắt lại vời vợi buồn nghĩ về ngày mai. Có thể đây là lần đi viện cuối cùng nếu như sau lần chảy máu tiếp theo họ không vay được tiền...

Muốn được cười trước bàn thờ bố mẹ

Sáng hôm đó,  có một cậu bé đến tiêm thuốc miễn phí. Chẳng thể ngờ được  mới 16 tuổi  đầu nhưng dường như tất cả những bất hạnh trên đời đều trút lên em. Phạm Tuấn Anh, học lớp 9 trường Nguyễn Trãi – thị xã Hà Đông, mắc bệnh Hemophilia từ bé, bố vừa chết vì  ung thư gan, mẹ cũng mới mất do bệnh ung thư tử cung. Nỗi bất hạnh lại “bồi” thêm cho Tuấn Anh bệnh sứt môi hở hàm ếch. Tôi hỏi: “Em lấy tiền đâu mà đi chữa bệnh?”. “Em đang sống nhờ vào số tiền bố em để lại, nhưng cùng lắm chỉ đựơc 2 năm nữa là hết” “Lúc đó, em sống bằng gì?”. “Em cũng không biết nữa”. Cậu bé mồ côi này  đang ở một mình, những lúc chảy máu vẫn phải tự xoay xở  lấy, đau quá mới  gọi người cô ruột đến chăm sóc. Ước mơ bấy lâu nay được phẫu thuật cho mất đi dị tật sứt, môi hở hàm ếch của Tuấn Anh vẫn chưa thể thực hiện được bởi nếu như động dao kéo vào, căn bệnh ưa chảy máu Hemophilia sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm. Chẳng ngờ cậu bé nói với tôi: “ Hè này, em sẽ tiếp máu nhiều vào để phẫu thuật. Em muốn đứng trước bàn thờ của bố mẹ, bố mẹ sẽ thấy em cười. Cái hàm ếch này khiến cho em khóc hay cười chẳng ai biết được”.

Tôi cũng hy vọng một ngày đẹp trời nào đó sẽ thấy Tuấn Anh cười, thấy anh Biên, Tuấn Cường cầm trong tay tấm thẻ BHYT và thấy bác Tấn được ra tù. Tất cả những điều đó phụ thuộc nhiều lắm vào những giọt máu nhân đạo mà nhờ đó, những người bệnh kia còn sống trên đời...Sau khi gặp họ, với tôi khái niệm hiến máu nhân đạo đã trở nên vô cùng cụ thể. Mỗi một ai sẵn sàng chìa cánh tay ra có nghĩa  bác Tấn, anh Biên, em Tuấn Anh đang có quyền tin ngày mai là một ngày mới...

MỚI - NÓNG