Nhiệt điện than gây ô nhiễm: Vẫn đầu tư phát triển?

Ô nhiễm bụi từ nhiệt điện than khiến người dân bức xúc.
Ô nhiễm bụi từ nhiệt điện than khiến người dân bức xúc.
TP - Hội thảo “Bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay” cuối chiều qua, Bộ TN&MT cho biết, nhiệt điện than được khoanh vùng là một trong những ngành công nghiệp gây ô nhiễm. Tuy nhiên, đây vẫn là xu hướng phát triển chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Nhiều sự cố môi trường

Theo Tổng cục Môi trường, thời gian qua đơn vị này thanh tra công tác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với 19 nhà máy nhiệt điện và kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường với 4 nhà máy nhiệt điện. Kết quả, nhiều nhà máy nhiệt điện còn những tồn tại, vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có nhà máy đã xảy ra các sự cố và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Cụ thể, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, thời gian đầu mới đưa vào vận hành thử  nghiệm  đã gây ra tình trạng ô nhiễm bụi dọc tuyến đường lưu thông. Bụi cũng phát tán trực tiếp ra môi trường tại khu vực bãi thải xỉ khô, gây bức xúc trong nhân dân. Tại Nhà máy nhiệt điện Phả Lại (Quảng Ninh) cũng từng xảy ra sự cố bụi phát tán ra môi trường do quá trình khai thác tro, xỉ, thạch cao từ bãi thải và các khu vực lưu giữ tạm thời. Sự cố tràn nước từ bãi xỉ ra môi trường do mưa kéo dài từng xảy ra tại nhà máy nhiệt điện Uông Bí và Phả Lại.

Theo thống kê, Việt Nam có 20 dự án nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động với tổng công suất 14.675 MW, tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm. Nhiều vấn đề môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy nhiệt điện than như bụi, khí thải (CO, NO­x, SOx…), nước làm mát có nhiệt độ đầu ra cao hơn đầu vào khoảng 7 độ C, có thể ảnh hưởng đáng kể tới hệ sinh thái.

Mặc dù là ngành gây ô nhiễm nhưng theo ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT, trong thời gian tới phát triển nhiệt điện than là xu hướng chiếm ưu thế vì là xu hướng hiệu quả. Nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 35% tổng sản lượng điện của Việt Nam và có chiều hướng tăng nhanh. Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 53,2% sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030.

Thay đổi công nghệ và giám sát chặt?

Ông Trần Hồng Hà cho biết,  hai Bộ Công Thương, Bộ TN&MT đã thống nhất xem xét lựa chọn thế hệ công nghệ mới. Công nghệ mới sẽ quyết định toàn bộ vấn đề sử dụng hiệu quả nhiên liệu cũng như đảm bảo về môi trường.

Ông Hà cho biết, với các nhà máy hiện tại, Bộ TN&MT đang xem xét các giải pháp môi trường, trong đó xỉ than là vấn đề lớn nhất. Tuy nhiên, đây là nguồn vật liệu thay thế cho vật liệu san lấp, xây dựng, Bộ Xây dựng đang xây dựng quy chuẩn để sử dụng xỉ than này. “Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung chỉ đạo, có thể yên tâm về vấn đề môi trường, đặc biệt là khí thải, nước làm mát, hoặc vấn đề xử lý các chất thải rắn như là xỉ than, tro bay”, ông Hà nói.

Với các nhà máy sắp đi vào hoạt động như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, ông Hà cho biết sẽ làm hết sức nghiêm chỉnh, chặt chẽ các vấn đề môi trường, đặc biệt là tăng cường giám sát, vận hành các nhà máy đó. “Tôi với Bộ trưởng Bộ Công Thương thống nhất xem xét từng công đoạn để đảm bảo, giám sát, xử lý môi trường theo hướng lựa chọn công nghệ mới, đảm bảo sử dụng nguyên liệu và thân thiện với môi trường đồng thời chất thải tính toán đến phương án tái chế, tái sử dụng”, ông Hà cho biết.

Với các nhà máy dự kiến xây dựng, theo ông Hà, hai  Bộ Công Thương và Bộ TN&MT sẽ đánh giá tổng hợp. Trên cơ sở đó mới đi đến kết luận việc đầu tư quy mô như nào và sẽ có sự tham gia của địa phương trong quá trình này, ông Hà cho hay.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.