Nhiều điểm mới trong Dự luật phòng, chống HIV/AIDS

Nhiều điểm mới trong Dự luật phòng, chống HIV/AIDS
Sáng 20/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phòng, chống HIV/AIDS.

Ngày làm việc thứ 5, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI:

Nhiều điểm mới trong Dự luật phòng, chống HIV/AIDS

Nhiều điểm mới trong Dự luật phòng, chống HIV/AIDS ảnh 1
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) phát biểu về Dự luật phòng, chống HIV/AIDS

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết, Dự thảo Luật sau được chỉnh lý gồm 51 điều, tăng 1 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, trong đó, bỏ một điều qui định về mạng lưới điều trị HIV/AIDS và thêm 2 điều mới qui định về bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, về hướng dẫn thi hành.

Qua thảo luận, hai vấn đề được các đại biểu quan tâm là chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV được thể hiện qua các điều, khoản cụ thể và thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV với cách nhìn nhận mới.

Chống kỳ thị người nhiễm HIV/AIDS

Đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) nêu những con số đáng quan tâm về sự lan truyền của HIV/AIDS: 93% số quận, huyện, 51% trong số 50% số xã, phường đã có người nhiễm HIV.

 Coi HIV/AIDS là bệnh mãn tính chứ không phải là tệ nạn xã hội, cần đối xử bình đẳng với người nhiễm bệnh là điều cần thiết, phải tạo điều kiện lao động, cuộc sống bình thường cho họ, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em có HIV bởi hiện có nhiều trẻ em hầu như bị bỏ rơi vì HIV/AIDS.

Các điều khoản trong Luật cần thể hiện rõ quan điểm này. Các đại biểu Huỳnh Thành Lập (thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Đoàn Văn Hồng (Đồng Tháp)... thống nhất ý kiến về bảo đảm quyền học tập của trẻ em nhiễm HIV ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, không nên quy định việc tổ chức trường, lớp riêng cho đối tượng này bởi việc tổ chức trường, lớp riêng là không hiệu quả và không có tính khả thi, đồng thời làm tăng thêm sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong xã hội.

Đại biểu Đoàn Văn Hồng đề nghị, Dự luật cần có thêm một điều qui định về phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em không nơi nương tựa.

Cũng với quan điểm chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhiều đại biểu nhất trí việc bổ sung quy định về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV.

 Đại biểu Huỳnh Thành Lập (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng phương án 1 nêu trong Dự luật là: Người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh, Bộ Y tế qui định danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS do bảo hiểm y tế chi trả là phù hợp.

Hiện giá thuốc điều trị cho người nhiễm HIV đã giảm nhiều so với trước đây, trong tương lai chi phí điều trị một ngày là 1 USD.

Thống nhất với phương án 1 nêu trên, đại biểu Trần Thị Mai Phương (Long An) cho rằng người nhiễm HIV mong khi Luật được thông qua và có hiệu lực thi hành thì qui định này được áp dụng ngay vì đối với người nhiễm, chi phí khám, chữa bệnh hiện còn tốn kém, cần được bảo hiểm y tế giúp đỡ.

Cũng có ý kiến khác. Đại biểu Đoàn Văn Hồng (Đồng Tháp) cho rằng qui định như phương án 1 thì rất tốn kém trong chi trả bảo hiểm y tế, còn phương án 2: Người đang tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh theo qui định của pháp luật về bảo hiểm y tế là thất sách vì đối với bảo hiểm y tế hiện nay khả năng đóng và chi cho đối tượng này là rất khó.

Ông Hồng nêu ý kiến: Đối với người tham gia bảo hiểm y tế bị nhiễm HIV, việc chi trả chi phí khám chữa bệnh cần huy động từ Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ quốc gia phòng, chống AIDS và các quỹ khác (từ thiện, nhân đạo...).

Khuyến khích sử dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại

Về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, đại biểu Đỗ Nguyên Phương (Bình Phước) cho rằng có 3 vấn đề quan tâm là sử dụng bơm kim tiêm sạch, bao cao su và dùng thuốc thay thế.

Dự luật đề cập tới các biện pháp trên là điểm mới, thể hiện sự tiến bộ khi xây dựng luật. Đại biểu Trần Văn Nam (Bình Dương) cũng nhất trí đây là sự tiến bộ trong nhận thức, qui định trong luật là phù hợp, có tính khả thi vì triển khai trong nhóm có nguy cơ cao, trong điều kiện cho phép.

Theo đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Đồng Nai) những biện pháp trên là cần thiết, cần được triển khai song hành với các biện pháp chủ yếu là thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi của người nhiễm HIV.

Đại biểu Huỳnh Thành Lập (thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV là rất quan trọng nhưng cũng rất nhạy cảm, luật chỉ nên qui định những biện pháp chung làm cơ sở, còn biện pháp cụ thể sẽ được qui định bằng văn bản khác.

Từ thực tế ở Quảng Ninh, đại biểu Ngô Thị Minh đề nghị luật cần quy định cụ thể về các biện pháp can thiệp để dễ triển khai ở cộng đồng, giúp cho việc kiểm soát được thuận lợi hơn. Không nên qui định giao cho Chính phủ qui định việc tổ chức triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bằng văn bản dưới luật.

Theo Mai An
TTXVN

MỚI - NÓNG