Nhiều động lực phát triển còn tiềm ẩn

Diễu hành trên đường phố Hà Nội ngày 2/9/2015. Ảnh: Hồng Vĩnh
Diễu hành trên đường phố Hà Nội ngày 2/9/2015. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhìn lại lịch sử Việt Nam 70 năm qua đặt trong chiều dài lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, suy ngẫm, kiến giải về di sản quá khứ cũng như một số vấn đề hiện tại.

Cội nguồn sức mạnh: khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Nhìn lại 70 năm qua, từ mốc 2/9/1945 đến nay, trong thời đại Hồ Chí Minh, tôi thấy có những vấn đề nổi bật. Đầu tiên, đó là thực hiện khát vọng độc lập, tự do. Khát vọng này thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập với ý nghĩa rất đặc biệt. Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp nói đến quyền con người nhưng sau khi trích dẫn, Bác Hồ  khái quát thành quyền dân tộc: Tất cả dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Suốt từ năm 1945 đến sau này, Việt Nam tiến hành hai cuộc kháng chiến để bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình cũng là  thể hiện khát vọng độc lập, tự do. Sau này, Bác Hồ  khái quát thành chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.  Giờ đây, các dân tộc  rất chú ý đến chân lý này vì những nước nhỏ dễ bị bắt nạt luôn hướng tới khát vọng tự do. Chính vì vậy, tượng đài Bác Hồ ở thành phố Mátxcơva, dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được khắc bằng tiếng Nga.

“Bây giờ còn có một động lực khác nữa, phải làm sao cho xã hội phải thực sự dân chủ, cởi mở, mọi người tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước”.

GS Nguyễn Trọng Phúc,  nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Vấn đề lớn thứ hai, đó là nhân dân của mình được làm chủ đất nước, làm chủ cuộc sống của chính mình, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa từ Cách mạng tháng Tám. Đó là nhà nước hoàn toàn mới, gánh việc chung cho dân chứ không phải đè đầu dân. Từ vai trò của dân, sự nghiệp cách mạng của dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân nên Bác Hồ chọn chính thể đó - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến bây giờ vẫn tiếp tục thực hiện bản chất ấy...

Theo ông, cội nguồn sức mạnh làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua là gì?

Theo tôi, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, từ Cách mạng tháng Tám, qua  hai cuộc kháng chiến và công cuộc đổi mới hiện nay, có cội nguồn sức mạnh ở khối đại đoàn kết dân tộc. Nhờ khối đại đoàn kết ấy mà cả dân tộc vùng dậy để giành độc lập, tự do, sau đó kháng chiến trường kì 30 năm độc lập, thống nhất hoàn toàn. Nếu không có khối đại đoàn kết thì không thể đưa đến thắng lợi, khối đại đoàn kết ấy xuất phát từ quan niệm lấy dân làm gốc. Như đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Bác Hồ bắt đầu là dân, cuối cùng cũng vì dân.

Để khơi dậy điều này, tất nhiên cần sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ, của đội tiên phong dẫn dắt. Bác Hồ từng nói: “Không có nhân dân thì không có lực lượng, không có Đảng thì không có người dẫn đường”. Vì thế, Đảng và nhân dân phải kết thành một khối.

Đương nhiên, thắng lợi của cách mạng Việt Nam 70 năm qua cũng là sản phẩm của nhiều nhân tố, chủ quan và khách quan, ở trong nước, quốc tế, sức mạnh dân tộc, nội lực, ngoại lực, nhưng gốc rễ là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhìn 70 năm qua đặt trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, theo ông, thời đại Hồ Chí Minh có  sự tiếp nối và khác biệt gì?

Hơn 1.000 năm Bắc thuộc nhưng văn hóa dân tộc, sức sống dân tộc Việt Nam  không mất đi. Thời đại Hồ Chí Minh kế thừa giá trị văn hóa của dân tộc. Giành lại độc lập năm 1945 cũng nhờ văn hóa, còn quân sự lúc ấy của mình  rất non trẻ.  70 năm qua, chúng ta kế thừa được truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, hun đúc thành chủ nghĩa yêu nước. Đó là những giá trị rất căn cốt.

Dĩ nhiên, thời đại Hồ Chí Minh  có nhiều khác biệt, nhiều cái mới để chống lại những thế lực ghê gớm hơn mình rất nhiều. Trước đây chống ngoại xâm phương Bắc hay Mông Cổ là những kẻ thù ngang bằng về phương thức sản xuất. Nhưng những kẻ thù của cách mạng Việt Nam 70 năm qua có phương thức sản xuất mạnh hơn nhiều.

Chúng ta đã có khoa học và nghệ thuật quân sự tài tình mới có thể chiến thắng những kẻ thù như thế. Mặt khác, tiếp cận được tư tưởng cách mạng tiên tiến của thời đại, đó là chủ nghĩa Mác - Lê Nin. Điều đó tạo ra phương hướng phát triển đi lên của đất nước. Cho nên Bác Hồ đã khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lí gì”. Cho nên mới có cụm từ: “Độc lập - tự do - hạnh phúc”. Nhưng làm thế nào để hạnh phúc, tự do là một vấn đề lớn. Không chỉ giải phóng dân tộc mà phải giải phóng cả con người. Cho nên, Bác Hồ định nghĩa CNXH rất đơn giản, là dân giàu nước mạnh, ai cũng có cơm ăn áo mặc, được học hành,  có nhà ở, ốm đau có thuốc chữa bệnh, người già được chăm sóc, trẻ con được nuôi dưỡng... Đó là những cái mới mà suốt 70 năm qua, toàn dân tộc phải hy sinh xương máu, đấu tranh gian khổ, nỗ lực không ngừng để đạt tới.

Dân chủ, lợi ích kinh tế cũng là động lực

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong 70 năm qua, theo ông, hiện nay, Việt Nam phải đối mặt những thách thức gì?

Hiện nay, đất nước mình đứng trước một số thách thức. Đó là nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, trong nhận thức và trong hành động, như thiếu niềm tin vào con đường xã hội chủ nghĩa, xây dựng kinh tế, văn hóa không đúng những chuẩn mực đưa ra.
Một thách thức khác cũng rất lớn, đó là nền kinh tế tuy phát triển nhanh, thu nhập quốc dân tăng gấp 20 lần so với năm 1986, trung bình quân đầu người cũng tăng hơn 10 lần, nhưng quy mô, năng suất lao động thấp, chất lượng hiệu quả nền kinh tế càng thấp, giá trị gia tăng nền kinh tế không nhiều, còn tập trung khai thác tài nguyên, kinh tế gia công, nhận nguyên liệu nước ngoài về xuất khẩu, giá trị gia tăng không nhiều, năng lực cạnh tranh thấp, nợ công cao, nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước.

Bên cạnh đó, phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn, dẫn đến bất bình đẳng trong xã hội. Đạo đức và lối sống trong xã hội đang bị tha hóa. Tha hóa về chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên trong hệ thống chính trị. Sự tha hóa, thoái hóa, biến chất đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, tồn vong của chế độ. Cần phải đẩy lùi, chống tham nhũng, tiêu cực. Ngoài ra, các thế lực thù địch chống phá như thực hiện diễn biến hòa bình, thúc đẩy quá trình tự diễn biến. Chủ quyền biển đảo bị đe dọa. Tình hình quốc tế phức tạp, khó lường.

Có ý kiến cho rằng, hiện nay Việt Nam cần  một động lực mới để phát triển. Ông nghĩ gì về nhận định này?

Nhiều động lực phát triển còn tiềm ẩn ảnh 1

GS Nguyễn Trọng Phúc nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Việt Nam phải tiếp tục đổi mới. Theo tôi, có hai mảng lớn, một là phải làm rõ lý luận, làm rõ mô hình, mục tiêu, phương hướng, các bước đi chủ nghĩa xã hội như thế nào. Hai là đi vào những vấn đề cụ thể, cần làm rõ hơn về khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phải tiếp tục làm rõ để đảm bảo quan hệ biện chứng, quan hệ hữu cơ giữa  kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa. Làm rõ cả về lí luận và thực tiễn.

Theo tôi, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải gắn với kinh tế tri thức. Cần làm rõ mối quan hệ giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức như thế nào. Mặt khác, cần đặt trong những vấn đề của thời đại, đổi mới của mình không tách rời thời đại, trong đó có xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, hay cách mạng khoa học công nghệ. Vì dân tộc muốn phát triển không thể tách rời sự phát triển chung của thế giới.

Công cuộc Đổi mới từ năm 1986, động lực chính là lợi ích kinh tế, nhờ đó thúc đẩy kinh tế phát triển từ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… Hiện nay, lợi ích kinh tế cũng là một động lực mà mình phải biết nuôi dưỡng đừng để rơi vào tình trạng trì trệ, triệt tiêu mất  động lực của người lao động.

Bây giờ còn có một động lực khác nữa, phải làm sao cho xã hội phải thực sự dân chủ, cởi mở, mọi người tham gia tích cực vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Theo tôi, về phương diện xã hội, dân chủ cũng là một động lực, vì vậy, phải tập trung hoàn thiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, phải khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng trí tuệ con người Việt Nam. Trí tuệ đó gắn với đào tạo nhân lực, nếu đào tạo tốt thì sẽ tạo ra những động lực mạnh mẽ. Kém trí tuệ, kỹ năng lao động kém, thậm chí kỹ năng sống kém thì làm sao có động lực phát triển. Nhiều động lực còn tiềm ẩn mà mình chưa khơi dậy được.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG