Nhiều kiều bào muốn về nước làm việc

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các kiều bào tiêu biểu thực hiện nghi thức thả cá chép tiễn ông Táo.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các kiều bào tiêu biểu thực hiện nghi thức thả cá chép tiễn ông Táo.
TP - Nhiều trí thức kiều bào bày tỏ mong muốn về nước làm việc, đóng góp chất xám cho sự phát triển quê hương.

Tại buổi gặp mặt thân mật giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các kiều bào tiêu biểu về nước tham dự chương trình “Xuân Quê hương 2017”, nhiều trí thức kiều bào bày tỏ mong muốn về nước làm việc, đóng góp chất xám cho sự phát triển quê hương, đất nước và sẵn sàng làm cầu nối để Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia quá trình toàn cầu hóa.

Ngày 20/1, tại TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đã gặp mặt thân mật hơn 50 kiều bào tiêu biểu, cùng thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và thả cá chép tiễn ông Táo về trời.

Sẵn sàng đầu tư tri thức, chất xám

Bày tỏ với Chủ tịch nước, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Việt kiều Mỹ nói, không chỉ từ 30 năm đổi mới mà phải nói hơn 100 năm qua, bà con kiều bào đã dốc sức vào sự nghiệp phát triển đất nước. Những năm gần đây, làn sóng kiều bào tấp nập về nước sinh sống, đầu tư, kinh doanh; đa số văn nghệ sĩ được cấp phép biểu diễn và đã “đóng đô” tại Việt Nam.

Doanh nhân này cho rằng Việt Nam đang trong công cuộc “đổi mới của đổi mới” và tin tưởng lãnh đạo Đảng, Chính phủ hiện nay sẽ tạo ra đột phá cho đất nước. “Trong hào khí đó, tầng lớp doanh nhân Việt kiều sẵn sàng đầu tư tri thức, chất xám về nước và con cháu họ sau này sẽ lần lượt về “quê cha đất tổ” để làm ăn. Năm nay là năm con gà. Con gà luôn cất tiếng gáy buổi bình minh. Đó là tín hiệu của đổi mới, sự xán lạn cho TPHCM nói riêng và đất nước nói chung”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.

Tại buổi tiếp kiến, thứ trưởng Ngoại giao Vũ Hồng Nam, chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết ông Johnathan Hạnh Nguyễn vừa trình đề án trong năm 2017 sẽ đưa 3 triệu du khách vào Việt Nam để mua sắm.

Ông Lê Vũ Hải (Việt kiều Úc) cho rằng TPHCM thu hút các giáo sư Việt Nam ở nước ngoài trở về đóng góp cho sự phát triển của thành phố là việc rất nên làm, nhưng hiện nay chủ yếu là tạo điều kiện cho các giáo sư kiều bào tham gia xây dựng và đào tạo nhân lực, chưa chú trọng đến việc nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ mới ở Việt Nam.

“Trong hào khí đó, tầng lớp doanh nhân Việt kiều sẵn sàng đầu tư tri thức, chất xám về nước và con cháu họ sau này sẽ lần lượt về “quê cha đất tổ” để làm ăn. Năm nay là năm con gà. Con gà luôn cất tiếng gáy buổi bình minh. Đó là tín hiệu của đổi mới, sự xán lạn cho TPHCM nói riêng và đất nước nói chung”. 

Johnathan Hạnh Nguyễn

“TPHCM nên thu hút giáo sư kiều bào vừa tham gia xây dựng, đào tạo nhân lực vừa làm chuyên viên trong chuyển giao, phát triển công nghệ ở Việt Nam. Đề tài nghiên cứu trong những lĩnh vực khoa học kỹ thuật có sự tham gia của kiều bào, ngoài nghiên cứu cơ bản phải gắn liền với phát triển công nghệ để giải quyết những vấn đề cấp bách của thành phố”, ông Hải đề xuất.

Theo GS - TS Nguyễn Quốc Bình (Việt kiều Canada), Việt Nam có khả năng cạnh tranh dễ dàng nhất là lĩnh vực công nghệ sinh học. Công nghệ sinh học không cần đầu tư nhiều về công nghệ phụ trợ, về cơ khí chính xác, về hạ tầng giao thông. Để sản xuất ra được một chiếc ô tô, một chiếc điện thoại cần hàng nghìn linh kiện Việt Nam chưa thể tự sản xuất mà phải nhập khẩu. Trong khi đó, chỉ cần chất xám, một phòng thí nghiệm vừa phải, một vài con vi khuẩn và một nồi lên men tự chế là có thể sản xuất ra hàng trăm triệu liều vắc-xin trị giá hàng trăm triệu USD.

Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt chào mừng và gửi đến bà con kiều bào những lời chúc tốt đẹp nhất nhân dịp Tết Đinh Dậu 2017.

Chủ tịch nước nêu rõ: Đảng, nhà nước luôn ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng kiều bào vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước và luôn mong muốn với truyền thống con Lạc, cháu Rồng, bà con kiều bào sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho quê hương.

“Đảng, nhà nước và nhân dân luôn xem kiều bào là một phần không thể tách rời, là máu Việt Nam, thịt Việt Nam và luôn dang rộng vòng tay chào đón bà con kiều bào về xây dựng quê hương đất nước. Ai có nhiều đóng góp nhiều, có ít đóng góp ít…”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Trăn trở về kẹt xe, ngập nước

Trao đổi với Tiền Phong, nhiều kiều bào trăn trở về những bất cập trong phát triển hạ tầng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt người dân.

Theo GS Đặng Lương Mô (Việt kiều Nhật), gần đây, nhiều nhà cao tầng, cao ốc mọc lên từ nội đô đến vùng ven với tốc độ chóng mặt. Sự phát triển này phát sinh những vấn đề nghiêm trọng, như tình trạng ùn tắc giao thông. Đáng nói, những cao ốc được xây dựng theo hướng lợi dụng chiều cao để giải phóng mặt bằng.

“Ở các nước, người ta giải phóng mặt bằng trồng cây xanh, làm bãi đỗ xe, mở rộng đường giao thông, nhưng ở mình thì khác. Có những cao ốc xây dựng kín, không có chỗ cho cây xanh, không có đường thoát hiểm bên ngoài, không có bể chứa nước trên nóc nhà phòng khi hỏa hoạn”, ông Mô nói.

Về tình trạng ngập úng tại TPHCM và các đô thị lớn, theo ông Nguyễn Kim Đan (Việt kiều Pháp), cách tiếp cận khôn ngoan nhất là quản lý rủi ro ngập lụt để giảm thiểu tới mức thấp nhất tổn thất. Khi đề xuất các biện pháp kiểm soát ngập, TPHCM nên sử dụng quan điểm quản lý rủi ro theo “nhiều mức” để phân biệt nơi nào có thể không bị ngập lụt, nơi nào có thể tránh được ngập ở một mức độ an toàn nhất định, và nơi nào không thể tránh được ngập, cần có biện pháp để hồi phục nhanh nhất với thiệt hại thấp nhất sau mưa lũ.

“Thành phố cần thông báo rõ về quy hoạch quản lý rủi ro ngập lụt, để người dân hiểu và đồng thuận với chính quyền trong quản lý rủi ro ngập lụt. Công tác dự báo sớm là rất quan trọng, để giảm bớt rủi ro và thiệt hại do lũ. Cần trang bị hệ thống dự báo sớm bao gồm: hệ thống quan trắc mưa và dòng chảy, trung tâm điều khiển được trang bị các phần mềm dự báo ngập lụt, hệ thống thông tin kết nối giữa trung tâm điều khiển chống ngập và cộng đồng để cập nhật các thông tin ngập lụt”, ông Đan đề xuất. 

Ngày 20/1, tại TPHCM, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gặp mặt 100 kiều bào tiêu biểu về tham dự chương trình Xuân quê hương năm 2017. Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, Nhiều đại biểu đề xuất nên thành lập trung tâm văn hoá người Việt ở các nước, để cộng đồng người Việt có địa điểm giao lưu và góp phần quảng bá hình ảnh, nét văn hóa truyền thống của đất nước với bạn bè quốc tế. Ông Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn kiều bào tiếp tục có những hoạt động góp phần gìn giữ và quảng bá truyền thống văn hóa người Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài cũng như đến bạn bè quốc tế; tiếp tục đóng góp tháo gỡ khó khăn, chung tay vì sự phát triển của đất nước, đặc biệt là trong vấn đề khởi nghiệp.     

                A.M (theo TTXVN)

MỚI - NÓNG