Nhiều nơi bão vào nhẹ hơn dự báo

Gần 12 giờ trưa ngày 19/8, cây đổ trên đường Hai Bà Trưng - Hà Nội đè lên một chiếc ô tô đỗ trên vỉa hè. Ảnh: Như Ý
Gần 12 giờ trưa ngày 19/8, cây đổ trên đường Hai Bà Trưng - Hà Nội đè lên một chiếc ô tô đỗ trên vỉa hè. Ảnh: Như Ý
TP - Chiều qua (19/8) bão số 3 đã đi vào khu vực các tỉnh Hải Phòng-Thái Bình, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực Hà Nội. Một số địa phương nằm trong diện dự báo bão “quét” cho rằng bão vào nhẹ hơn dự báo.

Bão tan, lo lũ quét và sạt lở

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư,  sau khi đi sâu vào đất liền, khoảng 23 giờ đêm qua, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc bộ.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, ở đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; ở đảo Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10-11; các tỉnh phía Đông Bắc bộ đã có gió giật mạnh cấp 6-9. Các tỉnh ở Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ đã có mưa 50-150mm, có nơi 200mm.

Ở Vịnh Bắc bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao 3-5m; biển động mạnh.

Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3-3,5m. Riêng khu vực Hà Nội có gió giật mạnh cấp 6-7 và mưa 50-100mm.

Trong khi đó, từ chiều 19/8 đến hết hôm nay (20/8), ở Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng (khoảng 50-100mm), riêng khu vực Tây Bắc có mưa rất to (100-200mm). 

Do đó, theo dự báo nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất các tỉnh bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh và vùng núi Thanh Hóa, Nghệ An; ngập úng ở đồng bằng Bắc bộ và Thanh Hóa.

Thái Bình: “Gió nhẹ, không biết bão vào lúc nào”

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, rút kinh nghiệm bão số 1, sóng to, gió giật mạnh, nên cơn bão này toàn tỉnh rất quyết liệt công tác phòng chống. Toàn bộ 1.293 tàu thuyền của tỉnh đã về nơi trú tránh an toàn. Tỉnh cũng dời trên 13.200 người ở nhà yếu, nguy cơ đổ sụp đến nơi an toàn.

Nhiều nơi bão vào nhẹ hơn dự báo ảnh 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ 3 từ phải sang) trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 3 tại Quảng Ninh.

Tuy nhiên, theo ông Dụng, lúc bão vào ở Thái Bình gió nhẹ, chỉ khoảng cấp 6-7, lượng mưa cũng vừa phải, cộng dồn ngày 18 và 19/8 cũng chỉ khoảng 200 mm, mưa đến đâu tiêu thoát được đến đó. “Vì theo dự báo, bão vào với cấp 9-10, giật cấp 12-14, nhưng ở Thái Bình gió nhẹ nên cũng không biết bão vào lúc nào, và vào đâu”- ông Dụng nói. Ông cũng cho hay, đê biển tại Thái Bình chủ yếu bị hư hại nặng do bão số 1 vừa qua và tập trung ở huyện Tiền Hải; còn bão số 3 chưa ảnh hưởng gì lớn, nhưng phải lưu ý mưa sau bão thế nào.

Tại Nam Định, ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch tỉnh cho biết, việc neo đậu 2.034 tàu thuyền, di dời hơn 11 nghìn dân và các phương án phòng chống đã triển khai rất sớm. Theo ông, thời điểm bão vào khoảng 14 giờ 30 ngày 19/8, gió lúc đó cũng chỉ cấp 7-8, mưa cũng nhỏ nên không ảnh hưởng đến vấn đề ngập úng, tiêu thoát. Hiện địa phương đang theo dõi lượng mưa trong đêm 19, ngày 20 như cảnh báo để chỉ đạo tiếp. “Dự báo bão đúng là khó, nhưng không ảnh hưởng gì lớn là tốt rồi”- ông Hoan nói.

Lo ngại hàng nghìn hecta nhãn đang thời điểm chín và thu hoạch, ông Nguyễn Văn Doanh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng yên cho biết, tỉnh đã chỉ đạo bà con chằng chống, khai rãnh thoát nước. Theo ông Doanh, diện tích nhãn của Hưng Yên khoảng 3.200 ha, bão số 1 vừa gây ảnh hưởng khoảng 1.100 ha. “Đợt này mà mưa gió giật như cơn bão số 1 thì rụng hết vì quả nhãn chín, to. Tuy nhiên, với sức gió bão này nhẹ, chưa ảnh hưởng gì lớn là may rồi”- ông Doanh nói.

Đến khoảng 19 giờ hôm qua, ở Ninh Bình, ông Đinh Văn Điến, Chủ tịch tỉnh cho hay, ảnh hưởng của bão về gió, lượng mưa cũng không lớn lắm, tùy từng nơi, mưa khoảng 100-150 mm. “Đầu giờ chiều, tôi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đi kiểm tra ở ven biển, cũng chỉ giật cấp 9-10”- ông Điến nói.

Theo ông Điến, đến tối qua, ở Ninh Bình vẫn còn mưa, nhưng nếu mưa nhỏ sẽ không sợ, thậm chí tốt cho lúa, vì trước đó đã tháo kiệt nước. Tuy nhiên, ông lo ngại lũ ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, nên tỉnh đã cho di chuyển một số hộ dân nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét.  Ninh Bình có Nho Quan, Gia Viễn nằm trong vùng lũ sông Hoàng Long.“Hiện lũ đang về nhưng mới chỉ báo động 1. Nếu vùng Hoà Bình mưa khoảng 300mm, lũ về Ninh Bình buộc phải xả tràn, có thể ngập 21 xã. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa vấn đề gì lớn”- ông Điến nói.

Liên quan đến thông tin cơn bão, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, cuối cơn bão Trung tâm sẽ thu thập số liệu có báo cáo bằng các thông số cụ thể.  “Việc đánh giá cơn bão, các địa phương về cơn bão có thể phản ánh lên Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, là nơi sử dụng số liệu của chúng tôi để chỉ đạo”- ông Hải nói.

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn cho biết, đến khoảng 18 giờ hôm qua, thống kê ban đầu cho thấy, bão số 3 làm 1 người chết, do lũ cuốn trôi (Sơn La); bị thương 4 người (Hà Nội 3, Vĩnh Phúc 1). Bão cũng làm sập 11 nhà (Quảng Ninh); hư hại tốc mái 33 nhà (Hà Nội 19, Điện Biên 8, Quảng Ninh 6); ngập 36 nhà (Sơn La)… Ở Hà Nội có 11 ô tô, xe máy bị hư hỏng, 14 cột điện, trên 130 cây xanh bị đổ…

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.