Nhớ ông Trần Minh Cả...

Nhớ ông Trần Minh Cả...
Lúc 9 giờ sáng ngày 4/7, tôi nhận được cuộc điện thoại của anh Phạm Công Thắng gọi từ TP Tam Kỳ vào. Anh Thắng nói: “Tôi xin báo với anh một tin rất buồn. Anh Trần Minh Cả - Phó Chủ tịch UBND tỉnh của mình mất rồi anh ơi!”.

 Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam qua đời vì bệnh tim, huyết áp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả trong lần gặp mặt các giáo viên đi B vào năm 2012. Ảnh: NGỌC ÁNH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả trong lần gặp mặt các giáo viên đi B vào năm 2012. Ảnh: NGỌC ÁNH.
 

Tuổi đã già nhưng khi nghe những điều anh Thắng thuật lại qua điện thoại, tôi không cầm được nước mắt. Thôi, vậy là trái tim nhân hậu, trái tim tràn đầy tinh thần trách nhiệm của ông Trần Minh Cả đã ngừng đập.

Tôi còn nhớ lần đầu gặp ông trong hội trường của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Người đàn ông vừa độ trung niên ấy tỏ ra hết sức gần gũi mọi người. Ông mang theo một chiếc laptop, khởi động máy và làm việc một cách chăm chú, ghi nhận những phát biểu của vị lãnh đạo tỉnh về tiềm năng phát triển kinh tế của Quảng Nam và những lời trao đổi của các nhà báo ở phía Nam. Tôi làm quen với ông và sau đó mới biết được tên ông.

Cuộc sống đưa đẩy, tôi có nhiều lần về Quảng Nam tham gia thực hiện những hoạt động sân khấu nghệ thuật và lần nào cũng gặp gỡ ông Trần Minh Cả. Được biết, ông là nhà giáo rồi sau này lên làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo mảng văn hóa xã hội, tôi càng quý ông hơn bởi tôi rất tin vào nhà giáo. Ông có mặt trong đêm ra mắt đĩa nhạc Tiếng Sông Thu số 1 tại Trung tâm Văn hóa Quảng Nam với một lẵng hoa và nụ cười thân ái năm 2003. Ông có mặt trong đêm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc của tôi viết về quê nhà cũng với một bó hoa tươi thắm. Ông gặp gỡ các nhạc sĩ gốc Quảng Nam trong đêm giới thiệu các ca khúc viết về Quảng Nam cùng với một bó hoa thật đẹp. Bao giờ cũng vậy, cái bắt tay của ông thật đầm ấm; ngôn ngữ chào hỏi thật chân tình. Thi thoảng, ông nói đùa theo kiểu lộng ngữ của một nhà giáo, ngắn gọn và ý nhị. Nghe ca sĩ hát “Hoài niệm Trường Giang” của tôi, đến đoạn “Ơi người con gái quê xứ Tam Anh/ Có nhớ thương nhau thì xuôi Trường Giang vô Núi Thành”, ông mỉm cười quay sang nói: “Uổng quá, nếu Tam Anh mà anh viết ra Tam Thanh thì tôi đã mua hai chữ này năm triệu đồng rồi”.

Ông và tôi gặp nhau nhiều lần, phần lớn là trong các dịp lễ hội. Câu chuyện vì vậy cũng không được nhiều, chỉ giới hạn trong những lời chào hỏi, công việc. Chỉ có hai lần, tôi được ngồi riêng với ông. Lần thứ nhất trên biển Tam Thanh, tôi về phụ UBND TP.Tam Kỳ tổ chức đêm nghệ thuật Tam Thanh biển gọi. Ông đến sớm, ngồi nói chuyện với tôi. Tôi hát cho ông nghe bài hát mới “Suy tưởng bên hồ”. Tôi hát mộc, không có cả cây đàn guitare. Ông nói: “Bài hát thật thắm thiết tình nghĩa, giai điệu khá cổ điển, thật đẹp. Chắc bà con mình thích lắm”. Lần thứ hai là đầu năm 2013, ông nghe tôi bệnh nên thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, tìm đến tận nhà tôi ở quận 12 thăm hỏi. Ông nói: “Mong anh mau khỏe để tháng 6 này về quê nhà dự festival”. Tôi hứa với ông là tôi sẽ về. Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh việc làm sao tổ chức một lớp dạy đàn piano cho các em thiếu nhi TP.Tam Kỳ để các em nhanh chóng tiếp cận với tác phẩm âm nhạc piano cổ điển. Ông có vẻ thú vị với ý tưởng này.

Thế nhưng tháng 6 năm nay, tôi không về quê nhà được bởi con trai tôi bị bệnh nặng và chỉ có tôi mới chăm sóc được con. Nhận được cuộc gọi của anh Phạm Công Thắng báo tin ông Trần Minh Cả đã mất, nước mắt của tôi ứa ra đầy cả hai má. Thôi vậy là con người giản dị, hiền hòa, chân tình; con người đã để lại nhiều dấu ấn trong các hoạt động, công trình, thành tựu về giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch, xã hội ấy không còn nữa.

Tôi đã hai lần đột quỵ vì nhồi máu cơ tim, trong đó có một lần liệt hẳn nửa người bên trái. Căn bệnh rất lạ, bốc lên đột ngột, làm chao nghiêng cả trời đất; con người chỉ còn là một chiếc lá trong cơn bão biển dữ dội. Tôi hiểu căn bệnh đó có thể cướp đi sinh mạng của con người bất cứ lúc nào. Ông Trần Minh Cả đã ra đi vì một cơn nhồi máu cơ tim như vậy. Bạo liệt và nhanh chóng nhưng cũng rất thanh thản, ung dung.

Tôi ở xa cả ngàn cây số, không thể về để viếng ông. Anh Phạm Công Thắng nói: “Anh đang có việc lo lắng chữa trị cho con trai, thôi thì sau này về thắp hương sau cho anh Cả cũng được”. Lời anh Thắng nói thật chân tình. Tôi chỉ tiếc có một điều là trong giây phút chia tay vĩnh viễn này, tôi không thể nhìn mặt ông Trần Minh Cả một lần cuối để được gọi nhau một lời thương tiếc “Anh Cả ơi!”.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG