Nhọc nhằn gánh hàng lên núi

Chợ trên núi.
Chợ trên núi.
TP - Mấy chục năm qua, ngôi chợ “lộ thiên” của người Khmer ở độ cao 716 mét so với mực nước biển với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu trong lành, không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn tô thêm vẻ đẹp truyền thống của vùng Thất Sơn kỳ bí, thu hút khách du lịch thập phương.

Chợ nằm ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo (Tịnh Biên, An Giang) nhóm họp hằng ngày từ 8 giờ sáng cho đến 11 giờ trên con đường chạy dài dưới chân chùa Vạn Linh bên cạnh tượng Phật Thích Ca Di Lạc. Đây là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của khách thập phương khi đến xứ Bảy Núi.

Tờ mờ sáng, từ các nẻo dưới chân núi, người ta gánh những gánh hàng nặng trĩu lên núi bán, đa số là rau củ, trái cây, một số ít cá thịt, hột gà hột vịt họp thành chợ, hầu như toàn người Khmer. Thực phẩm đựng trong rổ, thúng bằng tre hoặc thau nhôm gánh bằng hai chiếc gióng. Họ ngồi đối diện nhau, ở giữa là lối đi nhỏ để khách qua lại mua hàng, đòn gánh được gom lại một nơi. Chừng sáu chục cái  đòn gánh đã làm nên cái chợ.

Gọi là chợ nhưng vốn của mỗi gánh hàng chỉ vài trăm nghìn đồng đến hơn một triệu đồng. Họ có những thỏa thuận bất thành văn, không cố định chỗ ngồi, ai đến trước ngồi bán trước, ai đến sau ngồi bán sau. Ai bán hết hàng về trước, đến 11 giờ thì tan chợ. Người còn hàng gánh vào các xóm ấp bán. Bà con đến với chợ không những trao đổi với nhau về hàng hóa, cây trái trồng được mà gặp nhau để giao lưu, thăm hỏi.

“Hai con của tôi học giỏi lắm, năm nào cũng được giấy khen, đi học về là giúp làm rẫy cho gia đình, bằng giá nào tôi cũng cho hai đứa nó học”.

Bà Néang Thim

Mồ hôi nhễ nhại, chân thấp chân cao lê từng bước nặng nhọc lên núi, đi một đoạn, đòn gánh được đổi sang vai, có nhiều chiếc áo sờn bâu. Trung bình mỗi ngày họ gánh từ chân đồi lên núi họp chợ, phải mất 8 - 10 cây số đường núi, hai chân rã rời vì dốc cao, mồ hôi ướt đẫm mà không dám nghỉ, phải tranh thủ cho kịp buổi chợ, trưa quá chợ tan chẳng còn ai mua phải gánh đi bán dạo trong ngõ núi càng vất vả hơn. 


Gương mặt hốc hác, người đàn bà đầu trần mái tóc đã bạc, dường như không đếm xỉa trước cái nắng gay gắt của đất núi. Chị Néang Thon, 40 tuổi nói: “Nhà tôi ở dưới chân núi, gánh bộ từ 4 giờ sáng, gánh hàng củ quả ra đây nhóm chợ bán cũng bốn năm rồi. Ngày nào cũng gánh, gánh mãi hai vai chai lì một lớp da dày, cố gắng đi bán mỗi ngày kiếm 40 – 50 ngàn đồng. Chồng bệnh rồi mất, mình nuôi ba đứa con còn tuổi ăn tuổi học, cuộc sống còn vất vả lắm”.   

Bên gánh rau rừng, Thạch Thị Phi, 16 tuổi, hai tay đầy vết xước. Đôi bàn tay kinh qua nhiều công việc. Em bảo: “Mẹ mất, phải phụ cùng ba nuôi 2 em đi học. Buổi sáng ra chợ bán, buổi chiều vào rừng hái rau, hái rau rừng  lắm nhọc nhằn, những loại rau bà con ưa thích đều phải leo cây lấy câu liêm giật, ngày nào cũng bị gai đâm. Gặp dịp lễ hội thì hết sớm, ngày thường ít khách tham quan thì bán chậm lắm”.

Nhìn đoạn đường họp chợ với hai vai gánh nặng, mới thấy sức lao động của những phụ nữ vùng cao bền bỉ, dẻo dai không thua kém gì nam giới. Bà Néang Thim hai tay mân mê vạt áo đã sờn rách, hai tay chai sần vì lam lũ: “Hai con của tôi học giỏi lắm, năm nào cũng được giấy khen, đi học về là giúp làm rẫy cho gia đình, giá nào tôi cũng cho hai đứa nó học”. Có lẽ đó cũng là ước mơ duy nhất của những người phụ nữ nghèo sơn cước, cũng là động lực để họ vượt qua bao vất vả, nhọc nhằn.


MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.