Những điển hình chống tham nhũng

Ông Lê Đạo
Ông Lê Đạo
TP - Lần đầu tiên có đại biểu là cá nhân có thành tích phòng chống tham nhũng (PCTN) tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Hành động cao đẹp của họ làm phong phú hơn, thiết thực hơn cho phong trào thi đua yêu nước.
Ông Phạm Thanh Bình
Ông Phạm Thanh Bình.

Mất chức vì chống tham nhũng

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (Hà Nội) Phạm Thanh Bình là một trong 5 cá nhân có thành tích PCTN được vinh dự về dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VIII. Người Bí thư của dân này đã trải qua 506 ngày khó khăn trong cuộc đời khi bị cách chức vì dám dũng cảm viết thư lên Bí thư Thành ủy để chống tham nhũng. Thế nhưng, cuối cùng công lý đã chiến thắng và ông đã được phục hồi chức vụ Bí thư Đảng ủy ngày 5-5-2010.

Ông Bình kể, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ phường Nghĩa Đô nhiệm kỳ 2005- 2010 chỉ đạo chính quyền tập trung giải quyết dứt điểm những tồn đọng về quản lý, sử dụng đất đai có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng trên địa bàn. Tuy nhiên, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND, Chủ nhiệm HTX đã cố tình không thực hiện xử lý một số vụ việc theo chỉ đạo này. Bí thư Phạm Thanh Bình thay mặt Đảng ủy báo cáo Quận ủy, UBND quận Cầu Giấy.

Thay vì nhận được sự chỉ đạo giải quyết của lãnh đạo quận Cầu Giấy, ông đã bị phê bình. Lần này, ông Bình đã viết thư báo cáo sự việc lên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Lại thêm một lần ông bị giội gáo nước lạnh khi lãnh đạo quận Cầu Giấy cho rằng, phản ánh của ông không chính xác, viết thư như vậy là sai phạm. Ông Bình bị cho nghỉ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường với lý do... hết tuổi lao động. Trong bối cảnh đó, các đối tượng tiêu cực, tham nhũng thừa cơ chống trả quyết liệt các cán bộ, đảng viên tích cực đấu tranh với các vụ việc sai phạm.

Thế nhưng, quyết nghị của Quận ủy Cầu Giấy cho ông Bình nghỉ công tác đã không nhận được sự đồng thuận của Đảng bộ, nhân dân phường Nghĩa Đô. Các bí thư chi bộ, cán bộ lão thành cách mạng, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi đều có văn bản đề nghị Quận ủy giữ nguyên chức vụ cho ông Bình đến hết nhiệm kỳ 2005- 2010.

Với sự ủng hộ của nhân dân, báo chí, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có trách nhiệm, sau hơn 500 ngày bị cách chức, ông Phạm Thanh Bình đã được phục hồi chức vụ Bí thư. Thành ủy Hà Nội đã kết luận vụ việc xảy ra ở quận Cầu Giấy liên quan đến phường Nghĩa Đô và ông Bình. Cán bộ sai phạm bị thuyên chuyển. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo 2 đoàn thanh tra liên ngành về thanh tra 14 địa điểm quản lý, sử dụng đất đai của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

“Cuộc đấu tranh PCTN ở phường Nghĩa Đô đang có thắng lợi bước đầu. Sau này, dù còn ở cương vị lãnh đạo hay không, tôi vẫn quyết tâm để cuộc đấu tranh đi đến thắng lợi cuối cùng”- Ông Bình chia sẻ.

Ông Lê Đạo
Ông Lê Đạo.

Giúp Nhà nước thu hồi 30 tỷ đồng

Ở tuổi 84, nhưng ông Lê Đạo, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Đức Trọng (Lâm Đồng) vẫn giữ một phong thái quyết liệt khi kể về những năm tháng PCTN của mình. Hơn 10 năm kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ông Đạo cùng các ông Nguyễn Phú Hộ, Nguyễn Ngọc Phán, Trần Bá Tiều đã giúp thu hồi được số tài sản lên tới 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Đạo vẫn trăn trở: “Việc xử lý hai cán bộ thuộc diện quản lý của huyện đã được thi hành, còn hai cán bộ do tỉnh quản lý lại chưa được xử lý mà trái lại còn được đề bạt, cất nhắc”.

Ông Đạo cho rằng, việc xử lý vừa qua ở tỉnh Lâm Đồng là không có tính răn đe, ngăn ngừa, khó tạo thuận lợi cho đấu tranh PCTN. Theo ông Lê Đạo, phải tập hợp sức mạnh để chống tham nhũng. Bởi đối tượng tham nhũng là người có chức, quyền, có lực, được bao che ghê gớm.

Thực tế ở các cơ quan, đơn vị, ông giám đốc, lãnh đạo sai phạm thì cấp dưới không ai dám nói. Ai xấu, tốt trong cơ quan, mọi người biết hết, dân cũng biết. Nhưng không ai dám nói ra vì sợ ảnh hưởng đến “nồi cơm, manh áo”. “Như ở địa phương chúng tôi, chỉ có mấy ông về hưu dám nói thôi. Cái khó trong cuộc chiến này là ở chỗ đó”, ông Đạo chia sẻ. “Ngoài ra, có những vấn đề rõ mười mươi, đáng lẽ cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết, nhưng cứ để kéo dài”.

“Làm sao phải phát huy được tinh thần của người Cộng sản, phát hiện ngay được tham nhũng từ đầu. Cơ quan nhà nước phải sớm vào cuộc và xử lý đúng người, đúng tội. Vấn đề quan trọng là phải làm cho dân tin”- Ông Đạo nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.