Những đứa trẻ mồ côi người Rục

Cao Xuân Dũng trước ngôi nhà trống hoác của mình.
Cao Xuân Dũng trước ngôi nhà trống hoác của mình.
TP - Mồ côi là nỗi bất hạnh của bất cứ đứa trẻ nào sinh ra trên đời, nhưng với những đứa trẻ mồ côi của tộc người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình), nỗi bất hạnh đó còn nhân lên bội phần. Sống giữa một cộng đồng còn quá nghèo nàn, lạc hậu, hầu hết chúng phải tự mưu sinh, nương tựa vào nhau, lay lắt giữa thung lũng Rục Làn.

Bế trẻ kiếm cơm

Theo thống kê của trưởng bản Ón Trần Xuân Tư, cộng đồng người Rục hiện có hơn 10 đứa trẻ từ 5 đến 15 tuổi mất cha, mất mẹ. Tất cả chúng đều sống trong cảnh khó khăn đến cùng cực, phải tự mưu sinh để sống qua ngày. Bởi họ hàng, làng xóm cũng thiếu cơm, thiếu gạo triền miên, nên sự cưu mang cũng chỉ được đôi ba bữa rau, bữa cháo.

Cao Xuân Dũng ở bản Ón, năm nay 15 tuổi, mất mẹ đã hơn 10 năm nay. Ông Cao Thanh Bần, bố của Dũng vì quá khó khăn, phải bỏ nhà vào vùng rừng Ma Ma Cà Chắp làm rẫy, để lại hai chị em Dũng đều bị mù lòa. Ngày trước, thi thoảng ông còn về nhà mang theo ít lương thực làm được cho hai chị em. Để sống qua ngày, hai chị em Dũng ai nhờ gì làm nấy để kiếm bữa rau, bữa cháo. Khoảng 5 năm lại đây, vì tuổi già, bệnh tật, ông Bần ở lại trong rẫy không về bản nữa, bỏ lại hai đứa con tật nguyền. Vì đói rét, ốm đau mà người chị của Dũng qua đời trong trận bão lớn năm 2013.

Còn lại một mình, Dũng sống trong căn nhà trống huơ, trống hoác, đến chiếc giường nằm cũng không có. Đêm đến Dũng kê mấy tấm ván mục để nằm cho đỡ lạnh. Thứ đáng giá nhất trong nhà Dũng là chiếc quan tài dân bản đóng cho bố của Dũng, phòng khi ông nằm xuống. Nhiều đêm lạnh trong ngôi nhà thông thống gió lùa, Dũng phải chui vào chiếc hòm nằm tránh rét, mặc cho nỗi sợ hãi bao trùm tấm thân gầy guộc tật nguyền của em.

Dũng không biết chữ, muốn làm thuê, làm mướn cũng không được vì mắt em không thấy gì. Việc duy nhất làm được là bế em cho nhà hàng xóm để kiếm ăn qua ngày. Tuy nhiên, ở cái xứ cả cộng đồng ai cũng nghèo khó, để tiết kiệm họ địu cả con nhỏ vào rừng, nên “bữa ăn nhờ bế em” của Dũng không phải lúc nào cũng có. Nhiều khi Dũng phải mò mẫm lang thang khắp bản, ở đâu có tiếng trẻ con khóc là vào xin bế kiếm bữa cơm. Dân bản biết hoàn cảnh của Dũng, lúc nào trong nhà còn cái ăn thì họ đồng ý cho bế em, xem như giúp Dũng bữa ăn. Gặp lúc nhà không còn gì để ăn, họ thật thà khuyên Dũng tìm nơi khác.

Mơ ước của Dũng chỉ là một bữa cơm thật ngon, trong đó có cả cơm và thịt. Dũng ước ao ngôi nhà được che vách để mỗi khi em đi vắng trâu bò không vào ỉa đái bậy, mưa gió rét không phải chui vào hòm để ngủ. Dũng cũng mong một lần ai đó dắt em vào thăm bố đau yếu một mình nơi rừng thiêng nước độc…

Mồ côi nhưng vẫn là học sinh tiên tiến

Cũng ở bản Ón, nhà của hai anh em Cao Văn Sỹ và Cao Thị Toàn lạnh lẽo nép mình bên vách núi. Trong chưa đầy 2 năm 2013 - 2014, gia đình của hai em mất 4 người thân trụ cột trong gia đình. Đầu tiên là ông nội Cao Uýnh, đến bác Cao Xuân Tiến, đến bố Cao Xuân Dụng, rồi đến mẹ Cao Thị Chiên... Tất cả qua đời một cách lạ lùng, cứ sau giấc ngủ là họ ra đi không để lại lời trăng trối. 

Từ những đứa trẻ ngây thơ chỉ biết chơi đùa và đến lớp học, sau biến cố của gia đình, mới 12 tuổi, Sỹ đã phải bỏ học để nuôi em. Sỹ làm tất cả những gì mình có thể làm được để anh em rau cháo qua ngày. Thương anh, những ngày hè không phải đến lớp, Toàn nhận chăn bò kiếm thêm cơm để anh bớt vất vả.

Khó khăn là vậy nhưng 7 năm liền Toàn luôn là học sinh tiên tiến, cả bản ai cũng tấm tắc khen hai anh em mồ côi nhưng hiếu học. Nhiều lần Toàn muốn bỏ học để đi làm kiếm cơm. Em nói, đói bụng học không được, nhiều khi ngồi học, không thấy chữ mà chỉ thấy một bát cơm trắng cứ chập chờn trước mặt.

Chúng tôi vào nhà Cao Xuân Ninh ở bản Yên Hợp khi em vừa mò ốc dưới suối lên, người ướt sũng nước. Bố mẹ Ninh mất cách đây 8 năm, để lại 5 chị em quăng quật kiếm ăn trên rừng qua ngày. Hiện, chỉ có mình Ninh ở nhà, chị đầu lấy chồng xa, còn các chị cũng phiêu bạt tứ phương làm thuê, làm mướn. Cuộc sống khó khăn nên các chị cũng không giúp Ninh được nhiều, chỉ thi thoảng vài ba cân gạo.

Mới 14 tuổi Ninh phải bươn bả mưu sinh bằng cách mò cua bắt ốc, hay hái lượm trên rừng để sống qua ngày. Vừa học xong lớp 8, đang nghỉ hè nhưng Ninh cũng không muốn theo đuổi con chữ vì cái bụng thường xuyên đói.

Những đứa trẻ mồ côi người Rục ảnh 1

Bà Hoa kể lại cuộc đời cơ cực của mình và 4 đứa cháu mồ côi.

Cần lắm những tấm lòng

Ở bản Mò o Ồ ồ có 4 chị em mồ côi, nhưng may mắn chúng được bà cô ruột đơn thân là Cao Thị Hoa nuôi nấng. Cha mẹ chúng qua đời lúc đứa út mới lọt lòng, còn khóc ré mỗi khi thiếu sữa mẹ. Ngày đó bà Hoa ở một mình, thương cháu mồ côi, bà đã đưa cả 4 đứa về nuôi với bao khó khăn chồng chất. Bà Hoa cũng có chồng đi bộ đội, hy sinh năm 1981 nhưng bà không được hưởng chế độ gì bởi sự cứng nhắc của lãnh đạo chính quyền. Bà nói, xã bắt trình giấy hôn thú mới được nhận chế độ vợ liệt sỹ. Nhưng ở Rục đến nay vẫn vậy, ưng nhau là về ở với nhau làm gì có giấy chứng nhận kết hôn.

“Gạo 30a hay các khoản hỗ trợ từ thiện, dân bản đều giúp cho các cháu mồ côi khá hơn những hộ khác. Nhưng ở đây nhà ai cũng khó khăn nên không thể nhường mãi được. Chỉ mong sao các nhà hảo tâm vì tình yêu thương con trẻ mà giúp đỡ các cháu vượt qua khó khăn trước mắt của cuộc đời”.

Trưởng bản Trần Xuân Tư

Chồng hy sinh, đứa con trai duy nhất cũng mất khi còn nhỏ, bà thương những đứa cháu mồ côi như con ruột của mình. Một tay bà lam lũ hết cánh rừng này sang con suối khác để hái lượm, mò cua, bắt ốc nuôi các cháu khôn lớn. Cao Xuân Thiện, đứa trẻ khóc ré vì thiếu sữa mẹ ngày ấy nay cũng đã 10 tuổi, Cao Thị Thương 13 tuổi, Cao Thị Thanh 15 tuổi và Cao Thị Giang 17 tuổi... Tất cả chúng đều được đến trường. “Con Giang học lớp 8, con Thương học lớp 7, con Thanh học lớp 5, thằng Thiện học lớp 4 rồi” - bà Hoa tự hào về những đứa cháu mồ côi của mình.

Mặc dù được cô nuôi nấng, cho học hành nhưng cả 4 đứa trẻ đều rất nhút nhát, tự ti về thân phận của mình. Hôm chúng tôi đến, cả 4 chị em ù té chạy như ma đuổi, bà Hoa gọi mãi chúng không vào. Bà Hoa kể: “Cứ thấy người lạ là chúng bỏ trốn biệt tích cả ngày. Cán bộ dưới xuôi lên thăm, chúng cũng sợ, trốn luôn vô rừng tìm không ra, mấy ngày sau mới về”.

Bà Hoa nói, nay mấy cháu đã khôn lớn nên bà bớt cực phần nào, đứa nhặt củi, đứa mò ốc, đứa hái rau. Mấy năm nay còn được Bộ đội biên phòng cấp cho sào ruộng để làm lúa nước, gạo ăn được hai tháng nên cũng đỡ khổ hơn trước đây. Cộng với gạo 30a của Chính phủ, nếu biết tằn tiện thì mấy cô cháu có cơm cháo được gần
nửa năm.

Theo bà Hoa, các cháu của bà vẫn còn may mắn được Nhà nước hỗ trợ tiền mồ côi, nhiều cháu vẫn không có chế độ. Ngay như cháu Dũng, trước đây còn chị gái thì xã cho một suất chính sách, chị mất, bản xin chuyển qua cho Dũng nhưng xã không cho, nên Dũng không có chế độ gì.

Trưởng bản Trần Xuân Tư tâm sự: Được Nhà nước quan tâm đặc biệt, sau 50 năm rời hang đá, người Rục đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng nhưng hiện vẫn còn quá nhiều khó khăn và lạc hậu. Hầu hết dân bản vẫn còn phải trông chờ vào cứu trợ của Nhà nước, nên những đứa trẻ mồ côi sống cơ cực, lay lắt cũng là lẽ thường tình. “Gạo 30a hay các khoản hỗ trợ từ thiện, dân bản đều giúp cho các cháu mồ côi khá hơn những hộ khác. Nhưng ở đây nhà ai cũng khó khăn nên không thể nhường mãi được. Chỉ mong sao các nhà hảo tâm vì tình yêu thương con trẻ mà giúp đỡ các cháu vượt qua khó khăn trước mắt của cuộc đời” - trưởng bản Trần Xuân Tư nói.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.