Những gia đình “bốn không” ở làng tái định cư

Những gia đình “bốn không” ở làng tái định cư
TP - Gần 40 hộ với khoảng hơn 160 nhân khẩu, thuộc xóm Mỹ Lạc, xã Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh phải dời nhà cho Cty VEDAN Đài Loan xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Những gia đình “bốn không” ở làng tái định cư ảnh 1
Gia đình bà Vinh lấy cây chuối rừng về muối làm thức ăn

Sau hơn một năm dồn sức vào chăm lo chỗ ở mới chưa yên, qua mấy trận mưa lớn vừa rồi, họ rơi vào cảnh “4 không”: Không còn thóc gạo để ăn, không ruộng đất để sản xuất, không trâu bò để chăn nuôi và không có việc làm để kiếm sống.

Bà Lê Thị Ân ngoài 80 tuổi là con ông Lê Lộc, một cán bộ hoạt động cách mạng thời kỳ 1930 – 1931. Bản thân bà từng tham gia dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và Thượng Lào nhưng nay không được hưởng chế độ gì. Cơ ngơi cũ của bà Ân có đến hơn 15.000 m2 đất vườn… với hơn 1.000 cây lưu niên các loại cho nguồn thu đủ sống quanh năm.

Khi nhường đất và những tài sản khác cho nhà máy, bà chỉ nhận được 400 triệu đồng, đem chia cho 6 người con, tiền còn lại chỉ đủ làm một túp lều tranh tạm trú. Cuộc sống hiện giờ bấp bênh.

Một loạt gia đình như vợ chồng Trương Văn Bắc – Phạm Thị Bảy; Hồ Xuân Cường -  Nguyễn Thị Lý; Dương Văn Lam – Nguyễn Thị Hương; Lê Văn Tương – Hồ Thị Lựu; Dương Văn Thái – Lê Thị Nhị; Dương Văn Thìn – Dương Thị Thảo… dư thừa sức lao động nhưng không có việc làm.

Nhiều người than từng là nông dân, trước đây mỗi vụ tháng năm cho chí tháng mười, thóc đầy sập, khoai đầy chum. Nay thì mùa màng tốt tươi thuở nào chỉ còn trong dĩ vãng.

Một số phụ nữ như chị Nguyễn Thị Nhung, Lê Thị Thai, Dương Thị Thảo… tìm được việc phụ hồ cho người xây cống rãnh thoát nước tại nhà máy VEDAN đã hàng chục ngày vẫn chưa nhận được tiền công để mua gạo.

Chị Phạm Thị Hương 37 tuổi, than thở: Nhà em có đến 6 con, từ 1 đến 13 tuổi. Toàn bộ khu vườn 500 m2 cộng với nhà cửa, cây cối… Ban GPMB lấy cớ gia đình chưa có bìa đỏ chỉ trả cho 21 triệu đồng, khi dời dọn lên đây, tiền mua đất mới, làm lại nhà cửa chưa đủ. Nhà có 8 miệng ăn, một mình chồng em chạy bữa không lo nổi”.

Ông Trương Vĩnh Chu – Giám đốc nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (quốc tịch Đài Loan) cho biết: Hiện tại nhà máy đã nhận khoảng 30 lao động của huyện Kỳ Anh nhưng tiếc thay nhiều vị trí cần trình độ như kế toán, văn thư biết làm máy vi tính và kỹ thuật phải đưa người ở nơi khác đến. Chỉ có chục lao động (so với 223 gia đình phải dời nhà đi) là người địa phương.

Tháng 12 này nhà máy đi vào sản xuất, có thể tiếp nhận thêm khoảng 40 lao động nhưng đều là người làm thủ công.

Khi nhà máy đi vào hoạt động những người dân có đất sẽ trồng sắn phục vụ cho nhà máy chúng tôi, tính ra mỗi tháng cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/người là cũng tạm được.

Ông Nguyễn Tiến Độ, bà Lê Thị Vinh từ chỗ một gia đình có vườn cây sung túc, cuộc sống ổn định, nhận được 192 triệu đồng lên khu tái định cư làm nhà chưa xong, tiền đã hết. Bốn đứa con lớn lập gia đình, gửi con lại cho bố mẹ, phải phiêu bạt vào Nam làm thuê kiếm sống.

Đến thăm nhiều gia đình ở Khu tái định cư Đập Tráng, thấy hoàn cảnh nhà ai cũng rất túng bấn. Họ đang lâm vào tình thế “4 không”: Không còn thóc gạo để ăn, không có ruộng đất để sản xuất, không có trâu bò để chăn nuôi và không việc làm để kiếm sống.

Trước đây ở làng Mỹ Lạc, gia đình nào cũng có tới 4- 5 con trâu bò cày, nay 40 hộ về đây chỉ vỏn vẹn còn 2 con nghé của hộ bà Nguyễn Thị Xuân và ông Trần Xuân Liễu.

Vùng đất đang xây dựng nhà máy chế biến tinh bột sắn, diện tích 72ha nằm bên bờ sông Rào Cái xưa gọi là làng Mỹ Sơn – Mỹ Lạc trù phú nhất vùng Thượng Kỳ Anh. Khi người dân nhường vườn để xây dựng công nghiệp với lòng mong muốn xã hội phát triển phồn vinh, trong đó có quyền lợi gia đình mình. Do chính sách xây dựng làng tái định cư của địa phương chưa đồng bộ, vậy nên nhiều hộ dân ở đây lâm vào cảnh bế tắc.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn thừa nhận: Hiện tại gần 40 gia đình khu tái định cư chỉ được cấp mỗi hộ 400 m2 đất làm nhà ở, không hề có đất sản xuất. Đời sống bà con hết sức khó khăn.

Tháng 12/2007 xã đã lập tờ trình lên cấp trên xin chuyển đổi một số đất lâm nghiệp sang đất sản xuất. Ngày 24/4/2008, UBND tỉnh đã có quyết định về việc thu hồi 214 ha đất thuộc rừng phòng hộ do Cty Lâm nghiệp Nam Hà Tĩnh quản lý chuyển đổi giao lại cho xã. Mãi đến ngày 2/10/2008, Sở Tài nguyên- Môi trường mới bàn giao nên xã chưa kịp hoàn thành thủ tục để cấp cho dân.

Đề nghị các cấp có thẩm quyền ở Hà Tĩnh tiến hành rà soát lại những chế độ mà Nhà nước đã ban hành đối với làng tái định cư để người dân ở vùng này sớm ổn định đời sống.

MỚI - NÓNG