Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga

TP - Xung quanh dinh thự hoành tráng và nguy nga của con trai ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ ở ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) là không ít những cảnh đời lam lũ, khốn khó và những căn nhà xiêu vẹo, dột nát.

Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga ảnh 1 Quanh dinh thự nguy nga của con trai ông Truyền có rất nhiều cảnh đời khốn khó

Đắp đổi qua ngày
Ngày nào cũng vậy, mở mắt ra là chị Nguyễn Thị Hồng Châu (39 tuổi) và bà thím dâu Nguyễn Thị Hai, ở ấp 3, xã Sơn Đông, lại ra mảnh ruộng thuê gần nhà hái rau quế bán cho các tiệm hủ tiếu. “Vì không có đất sản xuất nên thím cháu tui mướn 2 công đất trồng rau quế, mỗi năm phải trả cho chủ đất 45 giạ lúa/công”- chị Châu kể. Chị tính toán: mỗi ngày hái từ 50 đến 100 kg, tùy theo nhu cầu của khách. Giá bán hiện nay là 5.000 đồng/kg, trừ hết chi phí thuê đất, phân, thuốc, thuê nhân công..., tháng nào cao nhất còn được tối đa 2 triệu đồng. Chồng chị Châu là thợ hồ, công việc thất thường, bữa có bữa không. “Hai vợ chồng tui mần dữ lắm nhưng chỉ đủ đắp đổi qua ngày và nuôi một thằng con ăn học”- chị Châu nói. Vừa nhặt rau, bà Hai vừa góp chuyện: “Mần đồ (trồng rau màu - PV) có khá hơn mần lúa chút đỉnh, nhưng quanh năm suốt tháng, nắng cũng như mưa, làm không ngơi nghỉ, vậy mà chẳng dư đồng nào”. 

Kế bên phải dinh thự mà gia đình ông Truyền đang ở có một túp lều lụp xụp do chủ đất dựng lên. Tá túc trong túp lều là cả gia đình gồm 6 người lớn nhỏ, do bà Huỳnh Thị Dung (53 tuổi), “chủ hộ”. Bà Dung cho biết, gia đình bà ở bên Sóc Trăng phiêu dạt qua đây làm thuê gần hai năm nay và may mắn được chủ đất cho ở nhờ túp lều này. Hai đứa con trai bà Dung mới đi làm công nhân cho một cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh tại địa phương. Lúc chúng tôi có mặt trong túp lều, người con trai lớn của bà Dung đang ngồi bệt dưới nền đất gồ ghề, trùm mền xông. “Nó đi mần mướn cho người ta, do chưa quen với đông lạnh nên cảm sốt”- bà Dung giải thích. Bà cũng cho biết, vợ chồng con gái lớn của bà đến đây làm ăn từ khá lâu, nhưng vì không đủ sống nên gần đây kéo nhau lên Sài Gòn làm mướn, bỏ con lại cho bà trông nom. “Mấy nhỏ mần dữ lắm nhưng không nhằm nhò gì, lương ba cọc ba đồng. Tui cũng cố gắng theo giúp chúng, được ngày nào biết ngày đó, bất quá thì về lại xứ” - người đàn bà đơn thân nói với vẻ mặt buồn rầu, lo lắng.   

Đến thăm nhà ông Nguyễn Sáu, 84 tuổi, ở ấp 4 (xã Sơn Đông) đúng vào lúc ông Sáu đang ngồi tắm bên con mương nhỏ sau nhà. Vừa múc từng ca nước mương đục như nước vo gạo xối lên người, ông Sáu vừa giải thích: “Ăn, uống thì dùng nước mưa, còn tắm rửa, giặt giũ thì nước mương. Phần lớn bà con ở đây đều như vậy”. Gia đình ông Sáu có 6 người, gồm ông, bà, hai vợ chồng đứa con trai và hai đứa cháu nội. Cuộc sống của cả gia đình chủ yếu nhờ vào ít cây dừa trong vườn và một công đất mướn trồng hoa màu. Ông Sáu cho biết, khoảng 40 ngày hái dừa một lần, được trên 100 trái. Lúc được giá, mỗi trăm dừa bán được khoảng 750 nghìn đồng, nhưng có khi xuống chỉ còn 200 nghìn đồng. Anh Hồng, con trai ông Sáu cho biết, vì không đủ sống nên vợ anh phải đi làm thuê cho lò sản xuất kẹo, tháng nào có việc làm liên tục, tiền công được tối đa 2-3 triệu đồng. Ngay trong thời điểm hiện tại, ít việc nên chỉ làm mỗi ngày một buổi, thậm chí ở nhà nên tiền công rất ít. 

Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga ảnh 2 Túp lều xiêu vẹo gia đình bà Huỳnh Thị Dung tá túc ngay bên phải dinh thự
Ông Lê Minh Sơn - cán bộ văn phòng thống kê, xã Sơn Đông cho biết, xã Sơn Đông vẫn còn nhiều hộ nghèo, thậm chí rất nghèo, với mức thu nhập bình quân dưới 400 nghìn đồng/người/tháng. “Những hộ nghèo sống lay lắt qua ngày”- ông Sơn nói. Những căn nhà xiêu vẹo, dang dở
Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga ảnh 3

Gia đình ông Nguyễn Sáu nương náu trong căn nhà cũ kỹ, mục nát

Nằm cách dinh thự nguy nga như cung điện ấy chừng 300 m, căn nhà tuềnh toàng của gia đình ông Nguyễn Sáu được dựng lên từ năm 1978. Vừa chỉ quanh nhà, anh Hồng vừa giải thích, lúc đầu mái được lợp bằng lá dừa, vách cũng thưng bằng lá dừa. Vì lá nhanh mục, tốn công sửa chữa nên gần đây gia đình cố gắng mua tôn về lợp nhà trên và nhà ngang; riêng nhà bếp vẫn mái lá ủ mục. Còn vách, có chỗ ghép bằng ván xẻ từ thân dừa hoặc cây gòn. Gần đây, có người sửa nhà, họ thải ra những tấm la phông nhựa, anh xin về thưng được vài bức vách, một số chỗ vẫn còn nguyên lá dừa. Chỉ khung cửa nhà ngang mới xây bằng gạch và cánh cửa gỗ, ông Sáu nói: “Cánh cửa gỗ tạp này tui mua từ năm 1978, lúc làm căn nhà này, nhưng mãi đến năm rồi mới gắn nó lên được nhờ xây được khung bao cửa, còn trước đó cánh cửa cũng làm bằng lá dừa luôn”. Trong nhà ông Sáu dường như không có đồ đạc, vật dụng gì đáng giá tiền trăm ngàn. Mấy chiếc giường nằm làm bằng thân cây dừa hoặc bằng gỗ tạp cũng đã mục nát, lung lay, xiêu vẹo.

Cũng cách dinh thự không xa, căn nhà nhỏ đơn sơ làm bằng gỗ tạp của ông Lê Minh Sơn (ở ấp 3) được cất lên từ mấy chục năm trước, giờ cũng đã xuống cấp trầm trọng. Lo sợ gió lốc, ông Sơn phải gia cố chống chèo, giằng néo đủ kiểu nhưng vẫn không ngăn được mưa gió vì nhà đã quá mục nát, lại trống trước, hở sau. Vì không thể ở tiếp được nữa, năm ngoái ông Sơn gom góp xây tạm một căn phòng bằng gạch phía sau để ở. Phòng rộng 45 m2 và đã xây được hơn 1 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện, tường gạch chưa tô, nền chưa lát, cửa che tạm bằng tấm bạt… “Không có tiền nhưng vẫn ráng làm để ngộ nhỡ nhà cũ sụp thì vợ chồng con cái có chỗ mà trú”- ông Sơn nói. 

Trong bán kính chừng bốn, năm trăm mét quanh dinh thự nguy nga này, có không ít ngôi nhà xiêu vẹo, đổ nát hoặc xây mãi không xong của dân nghèo lam lũ. Bà Nguyễn Thị Hai kể: “Căn nhà cấp 4 của vợ chồng tui cất từ hồi chồng tui 44 tuổi, giờ ổng đã 52 tuổi nhưng vẫn tường chưa tô, nền chưa lát…”. Nằm liền kề phía sau dinh thự ấy là một căn nhà cấp 4 xây dang dở. Chủ nhân ngôi nhà là ông Ngô Bạch Đằng (52 tuổi). “Ráng lắm mới xây được đến chừng này, ở tạm đã, phần còn lại chưa biết đến khi nào hoàn thiện được…”- ông Đằng giãi bày.

Bán đất chạy bệnh

Những mảnh đời lam lũ bên dinh thự nguy nga ảnh 4 Ông Vũ đang vác dừa gần dinh thự. Ảnh chụp sáng 25/11. Ảnh: Đại Dương
Trên thân một cột bê tông ngay góc phải vườn dinh thự có treo 2 tấm biển nhỏ xộc xệch bằng tôn. Bảng trên ghi: “BÁN ĐẤT 1 công” và kèm số điện thoại gia chủ, bảng dưới chỉ đường vào lô đất. Theo bảng chỉ dẫn, người viết tìm vào lô đất, gặp căn nhà cấp 4 bằng gạch thô cửa đóng im ỉm, quanh hiên nhà vương vãi đầy vỏ thuốc Tây. Hàng xóm cho biết người cần bán đất và cũng là chủ nhân ngôi nhà cửa khóa then cài này là ông Bùi Văn Lượng (51 tuổi). “Mấy hôm rày ông Lượng bị tai biến phải đưa đi bệnh viện”- một người hàng xóm nói. 

Ngày 26/11, nhờ người tìm, chúng tôi mới gặp được Bùi Văn Hiếu Nghĩa, con trai ông Lượng. Nghĩa vừa tốt nghiệp hệ cao đẳng mầm non, trường Đại học Đồng Tháp và hiện chưa có việc làm ổn định. Trong thời gian này, anh kiếm sống bằng việc mở lớp dạy kèm cho mấy học trò nhỏ trong vùng. “Lúc đầu có 8 em học, nay chỉ còn 6. Tiền thù lao tổng cộng chưa đầy 2 triệu đồng/tháng”- Nghĩa cho biết. 

Nghĩa nói thêm, cha mình bị tai biến lần đầu vào hồi Tết vừa rồi và phải nằm viện hơn một tháng. Ngày 10/11, ông lại bị tai biến và phải đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (TP Bến Tre) nay chưa về. “Từ khi ba bị tai biến lần đầu tiên, má rao bán đất lấy tiền chữa bệnh cho ba và trả nợ, nhưng đến nay vẫn chưa bán được”- Nghĩa nói. Theo Nghĩa, ngoài món nợ 30 triệu đồng vay hồi còn đi học chưa trả được, gia đình còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng. Mới đây, vì nhu cầu đi lại, má mua trả góp chiếc xe máy, mỗi ngày trả 66 nghìn đồng... “Trước đây, bên gia đình ông Truyền có sang hỏi mua đất với giá 500 triệu đồng/công, nhưng ba má không bán vì lúc đó không cần tiền. Giờ cần bán mãi không có người mua”- Nghĩa thở dài.

Ông Ngô Bạch Đằng, người ở liền kề sau dinh thự nói với PV Tiền Phong: “Số đất khuôn viên dinh thự này được thu gom từ 4 chủ đất khác nhau, giá thấp nhất là 500 triệu đồng/công. Nếu chỉ tính theo giá này, riêng tiền đất của khu dinh thự lên đến trên 8 tỷ đồng chứ không chỉ 1,43 tỷ đồng như người ta công bố”.

Tòa dinh thự hoành tráng của gia đình ông Truyền được cho xây dựng trong khuôn viên đất rộng 16.567,4 m2. Trong khuôn viên đó, con trai ông Truyền đã xây dựng một dinh thự hoành tráng, nhiều mái và mấy nhà gỗ riêng lẻ. Số tiền xây dựng theo cách tính của dân bản địa phải trên 10 tỷ đồng (không kể tiền đất). Ông Nguyễn Sáu (84 tuổi ở ấp 4, xã Sơn Đông) cho biết: Tui ở đây từ khi lên 7 tuổi và hồi trẻ cũng đã đi nhiều nơi nhưng chưa bao giờ thấy căn nhà nào to dữ dội như vầy. 

MỚI - NÓNG