Những môn đồ của kỳ hoa dị thảo

Vườn cây Không Khí của anh Hùng.
Vườn cây Không Khí của anh Hùng.
TP - Cây cảnh được xem như một thú chơi tao nhã có từ xa xưa. Thời nay, ngoài các loài cây cảnh bản địa truyền thống, nhiều người chơi không ngại bỏ thời gian, công sức, tiền bạc săn tìm các loại cây hiếm lạ du nhập từ nước ngoài.

Không chỉ làm cảnh, nhiều loài cây đã trở thành biểu tượng đẹp, tô điểm cho cuộc sống con người.

Cây sống không cần đất

Giới chơi cây cảnh cả nước gần đây ra sức sưu tầm một loại cây đặc biệt gọi là cây Không Khí (tên khoa học Tillandsia). Cây thuộc họ dứa, sinh sống và phát triển chủ yếu ở vùng núi Trung và Nam Mỹ, được nhân giống phổ biến ở Mỹ, Mêxicô,Thái Lan. Cây sống phụ sinh, không cần đất, treo lơ lửng trên không hoặc dốc ngược xuống cây vẫn sống tốt. Cây hấp thụ, tổng hợp chất dinh dưỡng từ không khí thông qua lá. Rễ cây kém phát triển, chức năng chủ yếu là giúp cây bám chắc vào vật chủ. Nhờ vậy loại cây này được nhiều người ưa chuộng ngay từ khi mới du nhập vào Việt Nam.

Anh Đoàn Trọng Hùng, người chuyên sưu tầm, cung cấp giống cây độc, lạ, hiện là chủ sở hữu một shop cây Không Khí ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho hay: Mình tình cờ biết đến loại cây này thông qua các diễn đàn, trang web cây cảnh Việt Nam từ đầu năm 2014. Thấy hấp dẫn, mình đặt mua vài chậu ở Sài Gòn về chơi thử. Do chưa biết cách chăm sóc, cây chết nhiều. Không nản, mình lên mạng tìm tài liệu tham khảo, thu thập kinh nghiệm từ những người đi trước và bắt đầu hành trình sưu tập loại cây này.

Thời gian đầu, cây Không Khí trên thị thường cây cảnh chỉ có một vài loại, Hùng phải nhờ người thân bên Thái Lan mua giúp rồi tự mày mò kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhờ kiên trì học hỏi, đến nay anh có lượng kiến thức nhất định và sở hữu gần 20 loại. Để theo đuổi đam mê, Hùng lập page khuvuonsangtao. Đây là nơi anh và các bạn yêu thích cây Không Khí trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây, đồng thời là “sàn giao dịch” trao đổi, mua bán cây. Tùy thuộc vào chủng loại, độ lớn nhỏ của cây, giá bán dao động từ vài chục ngàn đến vài trăm, thậm chí vài triệu đồng/cây. Những loại phổ biến, rẻ nhất như Tóc Tiên, Kim Yến, Hồng Anh có giá từ 25 ngàn đến 30 ngàn đồng/cây. Cao hơn một chút là cây Bông Tuyết giá bán 800 nghìn đồng/cây. Còn những loại hiếm, đắt rất ít người sở hữu vì chưa phổ biến nhiều ở Việt Nam.

Cây Không Khí có thể sống nhiều năm, đặc biệt mỗi cây nở hoa một lần duy nhất trong suốt quá trình sinh trưởng. Thời gian hoa nở kéo dài từ một vài ngày đến một tháng, tùy thuộc vào từng chủng loại. Đến mùa hoa, lá của cây Không Khí bắt đầu chuyển màu đỏ, vàng... Hoa của nó rực rỡ đặc sắc đủ màu đỏ, tím, vàng, hồng... Để cây ra hoa, sinh trưởng, phát triển tốt, nên đặt cây gần cửa sổ, ban công thoáng mát tận dụng ánh sáng khuếch tán, tránh ánh nắng trực tiếp. Ưu điểm lớn nhất của cây Không Khí là không tốn quá nhiều công chăm sóc, chỉ cần tưới nước cho cây 2 ngày một lần. Người chơi có thể đan lồng cây Không Khí vào bất kỳ phụ kiện nào như miếng gỗ, quả cầu, bình hoặc ly bằng thủy tinh rải thêm sỏi, cát, đá màu, ốc hoặc vài viên bi bằng nhựa để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật sang trọng, sống động. 

Không chỉ có giá trị thẩm mỹ, giới chơi cây cảnh cho rằng cây Không Khí có khả năng hút chất thải, thanh lọc không khí, cải thiện môi trường sống,… Tuy nhiên, đến nay ở Việt Nam chưa có công trình nghiên cứu chính thức và kiểm định công dụng của loại cây này.

Những môn đồ của kỳ hoa dị thảo ảnh 1

Cây Nắp Ấm.

Cây săn mồi     

Nhờ hình dáng độc đáo và khả năng săn mồi táo bạo, cây Nắp Ấm trở thành “mốt” của nhiều người mê cây cảnh. Cây Nắp Ấm còn được gọi là cây ăn thịt, cây bắt mồi,… (tên khoa học Nepenthes mirabilis) thuộc họ Nắp Ấm (Nepenthaceae). Loài thực vật này phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, Indonesia, Thái Lan...

Thấy loại cây này có chiếc ấm rất ngộ nghĩnh, nhất là khả năng săn mồi rất độc nên mình mua về trồng. Mỗi loại ra một kiểu ấm khác nhau, khiến mình càng sưu tầm loại thực vật “ăn thịt” này càng hào hứng hơn với nó.

Nguyễn Anh Tuấn

Điểm nổi bật thu hút người chơi của cây Nắp Ấm chính là đặc tính săn mồi . Ở đầu lá của cây phát triển thêm một bộ phận giống như chiếc ấm có nắp đậy rất độc đáo. Hình dạng ấm đa dạng, nhiều màu sắc như ấm hình tròn, hình chiếc bình… Để dẫn dụ côn trùng ghé đậu, nắp ấm tiết ra một mùi thơm quyến rũ. Bên trong luôn có một lượng nước nhất định làm chết côn trùng khi sa chân vào. Lúc này Nắp Ấm có thể ví như túi dạ dày phiên bản thực vật tiết enzym (chất xúc tác sinh học) tiêu hóa toàn bộ sinh chất của con mồi trong vòng từ 2 đến 4 tuần. “Ăn” hết, Nắp Ấm tiếp tục tiết mật dụ dỗ con mồi mới. Cây săn mồi chủ yếu tấn công các loài côn trùng nhỏ như ruồi, muỗi, kiến…  Xác côn trùng sau khi phân hủy trở thành nguồn dinh dưỡng chính nuôi sống cây.

Nắp Ấm sinh trưởng ở vùng nghèo chất dinh dưỡng nên việc chăm trồng cây không quá phức tạp. Trồng cây với xơ dừa, tưới nước 1-2 lần/ngày để tạo độ ẩm. Bón phân hạn chế để tăng bản năng bắt mồi của cây. Do đó, trồng cây ở chỗ đất càng ít dinh dưỡng thì bầu ấm của cây càng dễ phát triển.

Bạn Nguyễn Anh Tuấn (ở phường Tân Thành, Buôn Ma Thuột) cho biết: Thấy loại cây này có chiếc ấm rất ngộ nghĩnh, nhất là khả năng săn mồi rất độc nên mình mua về trồng. Mỗi loại ra một kiểu ấm khác nhau, khiến mình càng sưu tầm loại thực vật “ăn thịt” này càng hào hứng hơn với nó.

Giá cây Nắp Ấm giống bản địa chỉ từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, phù hợp với túi tiền của nhiều người. Riêng những cây nhập từ nước ngoài về có màu sắc và chiếc ấm khác biệt, giá cao hơn. Trong dân gian, cây Nắp Ấm còn biết đến như một vị thuốc chữa được nhiều loại bệnh. Cây có vị ngọt nhạt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, hóa đờm, giảm đau. Áp dụng trị các bệnh như: Gan nhiễm mỡ, sỏi thận, đái tháo đường,…

Những môn đồ của kỳ hoa dị thảo ảnh 2

Cây Sen Đá độc đáo.

Cây mang nhiều biểu tượng

Dù xuất hiện đã lâu trên thị trường, cây Sen Đá vẫn có sức hấp dẫn bao người mê cây, hoa cảnh. Loài cây có nguồn gốc từ các nước ôn đới như Nga, Mexico… Cây gần họ với xương rồng, có sức sống mãnh liệt, rất dễ chăm sóc.

Bị hút hồn bởi sắc đẹp của các loại Sen Đá, anh Lê Thành Trinh, chủ quán cà phê trên đường Trần Quý Cáp, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk ) cho biết: Sen Đá có cấu tạo lạ mắt, lá của chúng xếp thành trục tạo thành đóa rất đẹp. Thấy cây dễ sống, cho hoa đẹp, mình vào trang mạng bán cây cảnh đặt mua. Đến nay, trong vườn mình đã sưu tầm được 60 loại sen khác nhau.

Quy trình nhân giống sen đá rất đơn giản. Dùng kéo cắt cành hoặc tách lá từ cây mẹ trưởng thành, đặt vào chậu chứa đất mùn, đất tro trấu pha cát, đất đỏ, than tổ ong (xỉ than),… có đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết và thoát nước, mỗi tuần tưới nước từ 1-2 lần cây sẽ sống tốt. Tuy nhiên, muốn cây ra hoa đều, lâu tàn, người trồng phải cung cấp đủ ánh sáng, nước, môi trường lạnh thích hợp. Muốn cây lá đổi màu chỉ cần tưới ít nước lại, đem phơi nắng, anh Trinh chia sẻ.

Nhờ đặc tính dễ trồng, sống khỏe, cây Sen Đá được các đôi uyên ương ví như loài hoa tình yêu, bền bỉ sắt son. Nhiều người quan niệm, trưng Sen Đá sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình. Cũng có người cho rằng Sen Đá tượng trưng cho tinh thần dũng cảm, mạnh mẽ đối diện với khó khăn, thử thách trong cuộc sống, như loài sen vươn lên nở hoa giữa môi trường khắc nghiệt.      

Với hơn 10 năm dày công nghiên cứu, nhân giống và đưa cây Không Khí vào triển lãm ở Hội hoa xuân Ất Mùi 2015, ông Lê Thành Tâm, chủ vườn kiểng Không Khí ở thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Cây Không Khí rất dễ trồng, chăm sóc, thích hợp với cuộc sống hiện đại. Ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc nhân giống chứ chưa tạo ra giống mới. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có người làm được, giúp đa dạng loại cây này.

MỚI - NÓNG