Những người con bất tử

TP - 16 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển thềm lục địa Bà Rịa-Vũng Tàu và cướp đi mạng sống của 3 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A.

Giữa sóng cuồng bão giật, giữa cận kề cái chết và sự sống, đại úy Vũ Quang Chương đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội chuẩn bị áo phao, lương thực, nước ngọt rời nhà giàn khẩn cấp trong đêm đen.Kỳ 4: Vĩnh biệt đất liền.

Câu chuyện về cơn lốc biển ngày ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức Hoàng Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ số 2 của nhà giàn Phúc Nguyên 2A. 

Những năm tháng không bao giờ quên

Để tìm hiểu thật chính xác về vụ sập nhà giàn DK1/6 (Phúc Nguyên 2A) năm 1998, tôi đã tìm đến phòng truyền thống Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân (Vũng Tàu). Trong nhiều hiện vật lưu lại, có một chiếc phao bè móp méo không còn nguyên dạng, đó là hiện vật sống động minh chứng sự gian khổ, hy sinh, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong của 9 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trong cơn bão lịch sử ngày 12/12/1998.   

Những người con bất tử ảnh 1 Chiếc phao bè đã cứu sống 6 cán bộ chiến sĩ nhà giàn Phúc Nguyên 2A trong cơn bão số 8 tháng 12 năm 1998.  Ảnh: TC 

Từ chiếc phao bè này, tôi tìm về nhà anh Hoàng Văn Thủy, người sống sót từ vụ sập nhà giàn một ngày trung tuần tháng 7. Anh Thủy đón tôi bằng cái bắt tay thân mật rồi cười hà hà: “Lâu quá không gặp nhanh thật. Mới ngày nào trôi trên biển tưởng chết, vậy mà đã 16 năm”. Sau tuần trà đặc quánh, anh kể cho tôi nghe lại về câu chuyện nhà giàn Phúc Nguyên 2A tháng 12/1998. Tự dưng Thủy nghẹn lại, mắt anh rưng rưng xúc động. “Đó là những ngày gian khổ nhưng tự hào đáng sống nhất. Những năm tháng ấy không bao giờ quên”, anh bắt đầu câu chuyện bằng khẳng định kiêu hãnh ấy.

16 năm trước, cơn bão lịch sử số 8 có tên quốc tế Fathes bất ngờ đổ bộ vào vùng biển nước ta. Sức gió mạnh cấp 12 giật trên cấp 12, vùng biển thềm lục địa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nằm trong mắt bão. Mệnh lệnh từ Sở chỉ huy Lữ đoàn 171 Hải quân: Tất cả các nhà giàn DK1 chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra khi nhà đổ. Các tàu trực ở khu vực nhanh chóng về Côn Đảo trú ẩn, toàn bộ khối nhà giàn DK1 báo động chiến đấu cấp 1.

Nhận được lệnh Sở chỉ huy Lữ đoàn, Chỉ huy trưởng nhà giàn Phúc Nguyên 2A, đại úy Vũ Quang Chương đã nhanh chóng hội ý chi bộ, giao nhiệm vụ cho từng người, làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng gió. Lúc 16 giờ ngày 12/12/1998, trên vùng biển thềm lục địa không còn một con tàu nào, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một lớn hơn, càng về chiều sóng càng dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm nhà giàn rung lắc mạnh. Mặt biển mịt mù trắng xóa, gió rít giật ầm ầm. Tất cả các cửa hướng đông của trạm đều đóng kín. Lúc đó chỉ cần sơ sảy là bị gió hất tung xuống biển.

Trước tình hình phức tạp của sóng, bão, đại úy Vũ Quang Chương đã bình tĩnh động viên anh em giữ vững tư tưởng, tổ chức cho các tổ chuẩn bị áo phao cá nhân, phao bè, lương thực thực phẩm, nước ngọt, thuốc quân y, dây ròng rọc… sẵn sàng rời nhà.

Chống chọi cùng bão tố

18 giờ 30 phút, một con sóng cực lớn đánh trùm lên làm nhà giàn nghiêng hẳn một bên, lắc lư như trên ngọn cây. Chuẩn úy Lê Đức Hồng đang nằm trên giường bị chiếc bàn bóng bàn chạy trượt đến chặn lên người. Lúc này, chiến sĩ Hoàng Văn Thủy đang ở phòng chỉ huy cùng đại úy Vũ Quang Chương xem hướng đi của bão trên bản đồ, nghe tiếng Hồng kêu cứu, Thủy chạy ra phòng câu lạc bộ liền bị chiếc tủ sắt đổ vào người toạc máu ở bụng. 

Những người con bất tử ảnh 2 Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy

Tình thế lúc này cực kỳ nguy hiểm, những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, nhà giàn chao đảo, chiếc ti vi trên bàn đổ xuống sàn nhà, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường tủ bàn ghế chạy đi chạy lại, máy phát điện bị chập tắt ngấm, chiến sĩ Hoàng Văn Thủy nhanh chóng vào phòng thông tin lên máy gọi đài canh Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân (Hải Phòng) về tình hình sóng gió, khả năng trụ vững của nhà giàn, báo cáo toàn bộ việc nhà giàn bị sóng đánh nghiêng và đề nghị cho tàu đến cứu. 

“Anh biết không, thật ra lúc đó trong tim bọn em đang chảy máu. Muốn khóc mà không khóc được, thương bố mẹ và nhớ đất liền vô cùng”. 

Hoàng Văn Thủy
Sóng mỗi lúc một to, tất cả 9 anh em mặc sẵn áo phao, lấy dây mồi buộc vào tay nhau để khi nhà đổ, nhảy xuống biển, thì sống chết có nhau. Chỉ huy phó quân sự - trung úy Dương Văn Hoan vào kho lấy bao gạo ra chèn phao cứu sinh và chân giường, để tránh va đập, liền bị toàn bộ giá gạo đổ sập xuống vai. Trong tiếng thét gào của gió mưa, Vũ Quang Chương hô lớn: “Tất cả phải thật bình tĩnh, bằng mọi cách phải nối thông tin liên lạc, mọi người sẵn sàng rời trạm, dùng bao gạo chèn vào chân giường”.

Lúc 22 giờ ngày 12/12/1998, máy nổ vụt tắt lần 2 do sóng đánh chập điện. Dây ăng ten thông tin bị đứt. Chiến sĩ cơ điện nhanh chóng kiểm tra sự cố chập điện. Trong đêm tối mịt mùng, Thủy, tay cầm đèn pin nhanh nhẹn cúi sát người, bò lên lan can cầu thang, lần mò nối lại dây ăng ten, sau đó tiếp tục liên lạc với sở chỉ huy đất liền và đài canh thông tin quân chủng.

Lúc này, tất cả thông tin được nói trực tiếp qua máy I-com chứ không qua mã dịch cơ yếu. Chiến sĩ Thủy báo cáo trực tiếp với Sở chỉ huy Hải Phòng: “Hiện nay sóng đã trùm lên sàn ở, nhà chao đảo mạnh, một số vật dụng trong câu lạc bộ bị đổ vỡ, anh em vẫn bình tĩnh đối phó, đề nghị cấp trên cho rời nhà giàn”. Xác định không thể trụ thêm được nữa, Sở chỉ huy cấp trên quyết định cho các chiến sĩ rời nhà. Tiếng đại úy Vũ Quang Chương hô: “Tất cả rời trạm, tổ 2 thả phao bè xuống trước, khi xuống biển nhanh chóng bám chặt vào phao”. Lúc đó là 0 giờ 30 phút ngày 13/12/1998.

Niềm hi vọng mong manh

Biết nhà giàn khó lòng trụ vững trước những đợt sóng dữ, song cán bộ, chiến sĩ lúc đó rất bình tĩnh lạc quan, chờ lệnh. Ai cũng chuẩn bị cho cuộc vật lộn với bão tố trong đêm đen và sẵn sàng hi sinh. Anh em vừa gói ghém những đồ dùng cần thiết mang theo, vừa lấy lương khô ăn lót dạ cho ấm lòng. Chiến sĩ báo vụ Hoàng Văn Thủy nói với các đồng đôi: “Tao chưa có vợ, tao chết cũng nhẹ nhàng như lông hồng. Ai có vợ rồi, phải cố gắng chống chọi và kiên cường còn trở về với vợ con”. Họ còn đùa nhau rất lạc quan. Chiến sĩ Nguyễn Văn An lúc đó còn bảo: “Tao chết thì có gì đâu, chỉ thương là vợ tao mới đẻ, tao chưa biết mặt con. Thương nhất là anh Chương thôi, chưa có một mảnh tình rách vắt vai”. Không ngờ đó là lời nói cuối cùng của An trước lúc vĩnh biệt mọi người. 

Những người con bất tử ảnh 3 Nhà giàn vững vàng trong bão tố

“Anh biết không, thật ra lúc đó trong tim bọn em đang chảy máu. Muốn khóc mà không khóc được, thương bố mẹ và nhớ đất liền vô cùng”, Thủy khóc. Những giọt nước mắt dồn nén 16 năm trào ra mặn chát.

Thủy kể tiếp, sóng mỗi lúc một lớn, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can không dám ở trong nhà vì sợ nhà đổ bất ngờ, mọi người sẽ bị nước biển hút vào trong không ra kịp. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, anh em lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Mọi người ôm nhau. Không thể trụ được nữa, đại úy Vũ Quang Chương lệnh cho tốp 2 nhảy xuống biển cùng với mảnh phao cứu sinh cũ. Tốp 2 có trung úy Dương Văn Hoan, chiến sĩ cơ yếu Hà Công Dụng, Phí Ngọc Thuật- chiến sĩ pháo thủ, chuẩn úy, nhân viên radar Lê Đức Hồng, do trung úy Hoan chỉ huy. Trong gió mưa gào thét, chuẩn úy Lê Đức Hồng tay bám vào lan can, quay mặt lại nhà giàn hướng ra biển hô to “vĩnh biệt đất liền” rồi lao xuống biển đen.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.