Những người đàn bà 'ế' dưới đỉnh Langbiang

Cô gái nào nhà nghèo không đủ tiềm năng kinh tế thì phải chịu cảnh "ế" đến già.
Cô gái nào nhà nghèo không đủ tiềm năng kinh tế thì phải chịu cảnh "ế" đến già.
Họ, những người đàn bà đẹp, buông cái nhìn u ám về phía mù sương, đôi mắt mờ đục ẩn vào vách núi nỗi buồn thăm thẳm về duyên tình.

Chế độ mẫu quyền trong hôn nhân của dân tộc K'ho ở xã Lát (thị trấn Lạc Lương - Lâm Đồng) từ bao đời này vẫn có một sức cưỡng bền bỉ, tồn tại dai dẳng qua nhiều đời. Thế nên, cô gái nào nhà nghèo không đủ tiềm năng kinh tế thì phải chịu cảnh "ế" đến già. Họ, những người đàn bà đẹp, buông cái nhìn u ám về phía mù sương, đôi mắt mờ đục ẩn vào vách núi nỗi buồn thăm thẳm về duyên tình.

Trong chuyến công tác qua một số buôn làng người K'ho tại xã Lát nằm dưới chân núi Langbiang huyền thoại, chúng tôi bắt gặp không ít những phụ nữ luống tuổi nhưng vẫn phòng không gối chiếc. Bà Kpa 67 tuổi, hành nghề bán hàng dệt thổ cẩm dưới chân núi Langbiang lúc nào cũng phơi hàm răng trắng xóa ra cười thay cho lời chào. Gánh hàng của bà khoảng vài cái bóp, ví và chục cái túi xách bằng thổ cẩm.

Làn da đen óng ả phơi trong nắng vàng nhẹ xứ cao nguyên, bà Kpa dường như trẻ hơn nhiều so với tuổi "lão" của mình. Bà mời khách bằng giọng Kinh lơ lớ, giọng mời kéo dài ra như van lơn, bà cứ bám rịt lấy vạt áo lữ khách mà nài nỉ. Hàng của bà đem bán đơn sơ quá. Nó được dệt bằng máy móc, đều răm rắp, các hoa văn quen thuộc đến chán mắt. Hơn nữa, nó không xứng tầm với các du khách đài các và sang trọng ở miền xuôi hoặc đến từ các quốc gia xa xôi nào đó trên thế giới.

Cả buổi sáng chẳng ai mua cho bà món nào, du khách hững hờ bỏ đi trước đôi mắt nâu sòng thất thểu của bà. Bà bán hàng "ế" như chính thân phận của bà. Sống gần hết đời người, bà vẫn còn là gái tân.

Bà nhìn chúng tôi, nhún vai nghẹo đầu, nở nụ cười héo hắt. Bà than: "Ế quá, sáng giờ chưa bán được cái nào". Rồi bà chìa ra trước mắt chúng tôi, mời tha thiết, mời như van lơn, chỉ cần mua cho bà một cái ví giá 20 ngàn đồng thôi. Mua cho bà xong thì một "tiểu đội" từ đâu nhào tới vây kín chúng tôi. Họ triết lý rằng, mua cho bà Kpa một cái thì phải mua cho tất cả mọi người ở đây một cái mới công bằng. Luật công bằng của những người đàn bà "ế".

Chưa xong, phải mua thêm cho người đàn bà 18 tuổi một cái nữa, vì cô ấy có con. Không ai bảo ai, các bà đồng thanh ùa vào ủng hộ bà mẹ Kpie đang địu thằng con trai nhễ nhại. Các bà bảo, vì Kpie là gái có chồng nên phải ưu ái, Kpie còn phải nuôi chồng, nuôi con nữa chứ không như các bà độc thân không phải nuôi ai.

Nhìn toàn diện dung nhan và tướng mạo của các bà thì không có ai xấu, dù cái tuổi đã xếp nếp nhăn bao quanh vầng trán, khóe mắt của họ. Đôi mắt của những cô gái già vẫn trong xanh vời vợi. Bà Kponre năm nay 85 tuổi mà trông như 60, bà khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vẫn chạy rầm rầm đuổi theo khách, duy chỉ có bộ răng là không còn cái nào.

Bà Kponre may mắn "bắt" được chồng, nhưng chồng bà về với Giàng sớm. Còn một mình bà gồng lên nuôi hai đứa con trai. Ngày đó bà cũng thương một anh chàng góa vợ, nhưng không có "quà cưới" nên ngậm ngùi tiếc nuối. Mỗi khi nghĩ lại, bà thấy giày vò và đau khổ. Hai con trai của bà đến tuổi bị vợ "bắt" làm rể, còn một thân một mình, bà gia nhập vào đội bán hàng rong dưới đỉnh Langbiang.

Bà Kpa cười buồn tâm sự: "Nhà chúng tôi nghèo lắm. Đất đai không có, trâu bò cũng không mà nhà trai thách cưới cao tận trên trời, không có sính lễ cưới chồng phải chịu cảnh "ế" thôi".

Không lấy được chồng, tuổi xuân lững lờ trôi. Cha mẹ dần khuất núi, các em trai trong nhà đều được các cô gái ở bản "bắt" về làm chồng. Còn mình bà sống trong ngôi nhà sàn thênh thang, trống trải. Ngày xưa còn trẻ khỏe, bà đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy. Cuộc sống đơn độc không phải nuôi ai, cũng không đến nỗi chết đói. Những năm gần đây, sức khỏe xuống thấp, những mùa hái cà phê bà không thể theo chân người trẻ leo đồi, kéo bạt nữa. Bà ở nhà dệt thổ cẩm bán dặt dẹo qua ngày.

Gần hết đời người gắn bó dưới chân Langbiang, dường như cuộc sống tẻ nhạt đã khiến bà không thể cảm nhận vẻ đẹp hoang sơ kỳ bí của ngọn núi huyền thoại này. Mấy đứa cháu mách bà mang những sản phẩm thổ cẩm xuống khu du lịch Langbiang bán. Ngày nào khách đông, bà mời khéo léo thì cũng bán được dăm bảy cái bóp. Trừ vốn liếng đi, bà lời được vài chục ngàn mua gạo.

Bán hết hàng, bà lại phải hì hục ở nhà dệt, công việc dệt thổ cẩm đòi hỏi thời gian tỉ mẩn, công phu. Mất vài ngày ở nhà dệt mới hoàn thành xong vài sản phẩm, kiểu này thì chết đói. Ra ngoài nhiều cũng khôn lanh hơn, bà đi lấy hàng thổ cẩm người Kinh dệt sẵn, về nhà chỉ cần khâu quai xách và thêu thùa hoa văn cho lạ một chút là xong. Bán thổ cẩm rong trở thành nghề để kiếm sống, sản phẩm không còn giá trị truyền thống, không còn bóng dáng bàn tay chạm trổ tinh xảo của các nghệ nhân.

Những người đàn bà 'ế' dưới đỉnh Langbiang ảnh 1

Kpie tự hào vì đã lấy được chồng.

Bạn vong niên của bà Kpa là bà Kpolna (64 tuổi), cùng phận "gái ế" được bà Kpa dìu dắt xuống núi hành nghề được hai năm. Việc đi bán hàng rong làm bà Kpolna sáng dạ hẳn ra. Cuộc đời bà được mở mang tầm nhìn, được tiếp xúc, gặp gỡ với những vị khách "sáng sủa" dưới miền xuôi.

Mặc cảm về thân phận dần dần được nới lỏng, giờ bà vui hơn nhiều những ngày tháng nhốt mình trong căn nhà sàn màng nhện, tò vò làm tổ. Thật ra, các bà thuở thiếu thời đều rất đẹp. Tục lệ "bắt" chồng hà khắc từ bao đời nay luôn là nỗi ám ảnh với những cô gái con nhà nghèo. Xu thế "ế" là một đặc trưng trong các buôn làng.

Đời bà Kpa, Ppolna cay nghiệt không thể bứt phá ra khỏi luật tục nên họ như con chim bị nhốt trong lồng, con cá bị giăng lưới trong ao. Tình yêu bị bức tường "nghèo" chắn giữa, có muốn yêu ai cũng đành chịu khi nhà không có trâu bò, chum chóe… Nhưng ngày nay thì khác, bà Kpa chỉ tay về hướng các buôn làng ở xã Lát của huyện Lạc Dương ngày xưa (nay là thị trấn Lạc Dương).

Bà thúc chúng tôi: "Đi về đó mà tìm hiểu. Chúng tôi xuôi núi Langbiang về buôn Bnơrc, với hình dung trong đầu sẽ bắt gặp những "góa nữ" tựa cửa "thèm" chồng. Gặp ông Plip - Phó trưởng thôn Bnơrc để hỏi về những người phụ nữ "ế", ông cười híp mắt: "Thời nay làm gì có phụ nữ "ế" nữa. Họ tháo cũi sổ lồng hết rồi".

Ông Plip giới thiệu cho chúng tôi trường hợp chị Rolan, người phụ nữ đầu tiên làm cuộc cách mạng lấy chồng Tây. Người phụ nữ tài giỏi nhất buôn, vừa nói tiếng Anh như gió vừa "tậu" được anh chồng Tây cao to đẹp trai. Lần theo thông tin của ông phó thôn, chúng tôi tìm đến nhà chị Rolan.

Quả thật, Rolan là một phụ nữ có sự từng trải dày dạn ngoài xã hội. Người phụ nữ 27 tuổi mang vẻ đẹp mặn mòi của gái một con. Chị sở hữu nước da bánh mật đặc trưng của người K'ho, sở hữu đôi mắt xanh đen với hàng mi cong vút. Nhìn tổng thể thì đó là người đàn bà đẹp. Khen Rolan giỏi quá, "bắt" được anh chồng Tây đẹp trai vời vợi, Rolan cười tủm tỉm, trả lời khiêm tốn: "Mình có tài giỏi gì đâu, là do duyên số thôi. Theo phong tục thì mình "bắt" chồng về, nhưng thật ra anh ấy mua mình đó".

Rolan tiết lộ, chồng cô đã chu cấp từ A đến Z cuộc sống cho cô và gia đình vợ ở Việt Nam. Anh chàng mê Rolan đến mức, bỏ tất cả tiền tài danh vọng, công việc ở nước Mỹ để sang làm rể Việt Nam.

Những người đàn bà 'ế' dưới đỉnh Langbiang ảnh 2

"Bắt" được chồng về, nhưng mọi lo toan cuộc sống kể cả chuyện con cái, đều dồn lên vai người phụ nữ.

Từ ngày lấy chồng ngoại quốc, Rolan "lột xác" trở thành người phụ nữ thời đại, cô biết ăn mặc, biết giao tiếp ngoài xã hội và biết cả kinh doanh nữa. Rolan cho biết, ở buôn này chỉ mình cô "bắt" được chồng Tây. Các buôn khác cũng có nhiều người lấy chồng là Việt kiều về nước và đã đổi đời rồi. Con gái, phụ nữ trong buôn bây giờ không chịu cảnh "ế" như các bà ngày xưa nữa. Như trường hợp của cô Kpet (19 tuổi) phải lòng anh chàng Bran. Nhà trai thách cưới bằng tiền vàng chứ không phải trâu bò, rượu cần như thời trước.

Gia đình Kpet không thể đáp ứng sính lễ bạc triệu như vậy. Nhưng cả hai quyết đến với nhau, trong buổi họp gia đình, hai người tuyên bố nếu không tổ chức cưới thì sẽ dắt nhau bỏ đi một nơi thật xa. Sợ các con làm bậy, nhà gái sang năn nỉ nhà trai cho "nợ" sính lễ. Nợ đến bao giờ có thì trả, nếu đời cha mẹ không trả được thì đời con sẽ phải trả. Giấy ghi nợ được điểm chỉ đàng hoàng.

Chính vì thách cưới ngặt nghèo như vậy mà nhà nào sinh được con gái như ngồi trên đống lửa. Nhà nào càng nhiều con trai càng hoan hỷ, cứ việc ngồi rung đùi chờ đến ngày "gom" quà cưới. Theo lời phó thôn Plip, trong buôn chỉ còn khoảng ba trường hợp "ế" ở tuổi xế chiều. Trong đó một bà "bắt" được một đời chồng, chưa có con cái gì, chẳng may chồng chết thế là phải ở giá suốt đời vì không có tiền "bắt" thêm đời chồng thứ hai.

Bà Rơônr K'Ương - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Bnơrc (thị trường Lạc Dương - Lâm Đồng): "Ngày trước ở đây nhiều chị rơi vào cảnh "ế"  bởi nghèo quá, không có tiền đi "bắt" chồng. Luật tục của dân tộc mình bao đời nay rồi, cho đến giờ vẫn thế. Thời của chị em chúng tôi bây giờ có dễ thở hơn một chút, không còn thách cưới bằng trâu bò, vải vóc nữa, tất cả quy ra tiền, vàng. Con gái "bắt" chồng mà không có tiền thì xin nợ, đến đời con cháu sẽ trả. Có nhiều cô may mắn ra ngoài lấy được chồng người Kinh hoặc chồng Việt kiều cũng đổi đời. Có một điều ràng buộc trong sính lễ "bắt" chồng là nếu vợ chồng sau này chia tay, thì người chồng phải trả lại hết sính lễ, không được mang ra khỏi nhà thứ gì. Nói chung, mình làm điều đó cũng vì con cái thôi".

Theo Ngọc Thiện
Theo Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG