Những người đàn bà nuôi chim sẻ

Những người đàn bà nuôi chim sẻ
TP - Hà Nội đang quyết liệt ra quân làm sạch vỉa hè. Quán trà đá của ba người đàn bà không chồng chắc cũng sắp “ra đi”, sau hơn 30 năm tồn tại. Những chú chim sẻ sẽ bay về đâu khi vắng người chăm sóc? Câu chuyện lấy lại vỉa hè, tuy có gây xáo trộn nhất định trong công cuộc mưu sinh của ba người đàn bà đặc biệt này, song họ khẳng định: Có thể ngừng bán nước nhưng không thể bỏ đói đàn chim trời.

Thích thì nuôi, đã nuôi đừng tính!

Quán trà đá nằm khiêm tốn ở ngã tư phố Bà Triệu, giao với phố Tô Hiến Thành (Hà Nội) thoạt qua chẳng có gì đặc biệt. Quán bán nhân trần, nước trà, vài thanh kẹo cao su… như bao quán trà đá vỉa hè nhan nhan ở thủ đô.  Tham gia bán hàng gồm 3 người đàn bà, chính là ba mẹ con. 

Người mẹ đã ngoài 70 tuổi, chồng mất đã lâu. Những đứa con dư tuổi cập kê song vẫn trong tình trạng độc thân. Họ đã ngồi ở đây vài chục năm nay, khi bà Hoành còn bán bánh cuốn trên một cái mẹt nhỏ. Bây giờ bà Hoành  qua đời, thương hiệu bánh cuốn bà Hoành trở nên nức tiếng thủ đô, làm nhộn nhịp cả một đoạn phố Tô Hiến Thành.

Những người có tuổi sống lâu ở Hà Nội nói rằng: Tô Hiến Thành là con phố “đất lành, chim đậu”. Nhưng  Hà Nội hôm nay, không còn yên ả để lắng nghe những biến chuyển tinh vi của thời tiết nơi những phố dài “xao xác hơi may”. Vì thế, có ai ngờ giữa chốn “phố phường chật hẹp, người đông đúc”, lại mọc ra một quán trà đá vỉa hè, ở đó người ta vừa được thưởng  trà, vừa được nghe tiếng chim ríu rít, cứ vài phút  lũ chim sẻ sà xuống ăn thóc, rồi lại bay lên, níu đời sống phút chốc chậm lại, thanh bình.

Những người đàn bà nuôi chim sẻ ảnh 1

Đàn chim trời sà xuống ăn thóc.

Nhưng khách uống trà cứ việc uống, đừng hỏi han chủ quán trà. Người mẹ ngoài 70 tuổi, có cái tên giản dị: Nguyễn Thị Tim. Bà Tim chân đã chậm, mắt đã mờ, chẳng ưa giao lưu với khách hàng, cứ lùi lũi phục vụ  khách trong yên lặng, xong việc bà ngồi lên chiếc ghế gỗ, đầu đội chiếc nón cũ, mắt nhìn vào vô định. 

Cứ đụng đến chuyện nuôi chim trời, bà tỏ rõ sự khó chịu: “Ối người tìm đến đây. Nhưng tôi không thích viết về tôi. Có phóng viên còn tìm vào tận nhà tôi, tôi không cho phỏng vấn. Tôi thích nuôi thì nuôi, không nuôi thì thôi chứ phỏng vấn làm gì? Cô đi mà nuôi chim cho người ta phỏng vấn cho”. Lí do bà không ưa cánh báo chí: “Ngồi thì dai, mất thời gian, phỏng vấn, phỏng viếc”.

Chỉ còn cách “chọc” vào đàn chim trời mới khiến người đàn bà ngại nói ấy cất lời: “Chim có ăn cơm thiu không bà, bởi xung quanh đây có nhiều cửa hàng ăn uống, thừa nhiều thức ăn?”, tôi hỏi. Bà cau mặt: “Chim này chỉ ăn gạo ngon, gạo thiu nó không ăn, cứ ngửi thấy là nó bay đi luôn”. Rồi bà khen chim như khen lũ cháu nhỏ: “Bọn này khôn lắm, gẩy ra từng vẩy thóc để lấy gạo bên trong. Nó thích ăn gạo xát còn thô, còn cám”. 

Nhưng khi tôi hỏi: “Một tháng bà hết bao nhiêu cân thóc?”. Mới vừa vui chuyện, giọng bà đã chuyển ngay sang nhấm nhẳng: “Cứ cho ăn bừa, chả biết. Mà cô hỏi làm gì? Tôi thích thì tôi nuôi, đã nuôi thì đừng tính”. Và tôi chỉ còn biết ngồi im lặng, ngắm chim. Những chú chim sẻ chũn chĩn, đứng trên đôi chân bé xíu thong thả nhằn thóc, ăn xong có khi còn ra bát nước, uống nước, rồi mới bay lên đám cây quanh đó, cất tiếng líu ríu suốt ngày.

Những người đàn bà nuôi chim sẻ ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Tim bên quán trà đá vỉa hè.

Chẳng lợi dụng vỉa hè

Bà Nguyễn Thị Tim sinh được ba cô con gái. Cô út đã lấy chồng. Hai cô con gái lớn ở cùng bà. Cô đầu sinh năm 1971, cô thứ hai sinh năm 1979. Cô con gái thứ hai, giống bà Tim từ khuôn mặt đến sự ngại giao tiếp. Cô con gái cả cởi mở hơn, hồn nhiên hơn. 

Hỏi chuyện nuôi chim, chị trở nên háo hức, mang khoe  những video về chim mà chị đã quay trong bao ngày, được lưu cẩn thận trong chiếc điện thoại thông minh. Chị kể: “Nhà tôi nuôi mấy chục năm nay rồi. Từ ngày đầu bán hàng, chúng tôi tò mò khi thấy mấy con chim sà xuống kiếm thức ăn. Thế rồi chúng tôi thử cho nó ăn, chúng ăn ngon lành,  con nọ mách con kia thành đàn, tụ họp ở đây”.

Tôi tò mò hỏi chị: “Những năm bao cấp, gia đình nào hầu như cũng trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Nhà chị trông chờ vào hàng nước, sao còn đủ nuôi chim?”. Chị cười: “Nhà nào thời bao cấp mà chả thiếu ăn. Tôi cũng trải qua thời bao cấp, tôi quá rõ. Ăn gạo hẩm là chuyện bình thường. Có những tháng bố mẹ chi tiêu không biết cách tằn tiệt, cuối tháng mốc mồm chả có gì mà ăn. 

Nhưng việc nuôi chim vẫn cứ nuôi. Hồi đó cho ăn gạo bình thường thôi, rồi dần dần theo thời gian nó mới ăn kiểu như bây giờ”. Những người đàn bà cũng chịu khó đổi món cho chim: “Cơm chúng cũng ăn, bánh mỳ chúng cũng ăn. Nhưng cơm phải ngon, không phải gạo tám, gạo chín gì, mà là cơm không được bốc mùi, chúng chê ngay. Gạo cũng phải là loại gạo mới”.

Bây giờ, bà Nguyễn Thị Tim đã cao tuổi, các con gái của bà nhận nhiệm vụ đi mua thóc cho chim. Họ chiều chim, thả cửa cho chim ăn, không phụ thuộc giờ giấc, lúc nào chim sà xuống vỉa hè đều có đồ ăn: “Ăn bao giờ no thì thôi”. Con gái cả của bà Tim tiết lộ: “Mỗi ngày chúng ăn hết chừng 2- 3 kg thóc, là tôi đoán vậy thôi”.

Hà Nội đang trong chiến dịch quyết liệt làm sạch vỉa hè. Tôi hỏi chị: “Nhà mình bị nhắc nhở chưa?”. Chị bình thản: “Tôi đã biết rồi. Chủ trương của nhà nước, không nên chống lại”. Tôi lo đàn chim sẽ bị đói. Chị trấn an: “Chuyện vỉa hè là chuyện vỉa hè. Chuyện nuôi chim là chuyện nuôi chim. Việc nào ra việc nấy. Chúng chết đói sao được. Chúng tôi bán cũng được, không bán cũng được nhưng chẳng lẽ bỏ đói đàn chim à?”. Lại thấy lo cho chị, tôi hỏi tiếp: “Không bán nước nữa chị làm gì?”. 

Chị cười: “Thiếu gì việc, quan niệm của tôi, việc không phải do mọi người tạo nên cho mình  mà là mình tạo cho mình. Không nên nghĩ tiêu cực”. Chị nhiệt tình với vấn đề thời sự: “Vỉa hè chắc chắn là dẹp khó. Thực ra nó là nét văn hóa, nhưng phải biết cách. Nhiều người vô ý ngồi tràn lan ra không để lối cho người đi bộ nên nhà nước làm vậy có sai đâu?”. 

Những lời nói của chị khiến tôi ngạc nhiên: “Chị gương mẫu quá!”. Người đàn bà chưa chồng lắc đầu: “Tôi không cần khen. Giống như chuyện nuôi chim. Tôi nuôi chim không phải để quay phim, chụp ảnh. Tôi không thích được nói đến, bởi tôi có phải người nổi tiếng đâu. Tôi thích nuôi động vật thì tôi nuôi thôi”.

Chị kể, có lần gia đình chị nuôi một con gà rất đẹp, chẳng may đúng thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát, cả nhà chẳng ai nỡ giết gà,  phải cho người quen con gà đó, để họ làm thịt. Người đàn bà sinh năm 1971  còn  nuôi cả chó. Chị mang chó đi dạo khắp nơi, mang theo cả túi nilon, đề phòng trường hợp chó gây bẩn, chị sẽ dọn và làm sạch ngay, không để ảnh hưởng tới cộng đồng.

Như việc nuôi chim trời, sau một ngày vãi thức ăn ra vỉa hè, trước khi dọn quán, bao giờ chị cũng quét dọn tử tế, trả lại vỉa hè sạch sẽ. Cùng với chim trời, ở quán trà đá, chị nuôi cả mèo hoang. Có một chú mèo cứ loanh quanh ở gần quán nước, ngày nào cũng được chị mang thức ăn tới cho ăn. Gói thức ăn của mèo để một góc, còn thức ăn của chim được để trên những hốc cột điện.

Những người đàn bà nuôi chim sẻ ảnh 3

Cả bà Nguyễn Thị Tim và các con gái đều thú nhận: Chim sẻ bây giờ không còn đông đúc như xưa. Bà Tim ghét chuyện giết chim. Những chú chim ở vỉa hè được bà bảo vệ: “Không ai dám bắn mấy con chim  này khi có mặt tôi!”. Tuy nhiên, bà cũng đã già, các con bà cũng không còn trẻ, chẳng ai có thể “canh” chim qua đêm. 

Cô con gái cả của bà tâm sự: “Làm gì cũng phải nuôi nguồn. Như người nước ngoài câu cá ấy, người ta chỉ lấy con nào đủ tiêu chuẩn, con nào còn nhỏ người ta thả lại. Ở mình thì cứ chơi tất. Không bảo tồn, không nuôi dưỡng nguồn thì chim chóc cũng cạn kiệt chứ sao?”. Mấy năm trước, người ta đồn nhau tiết chim sẻ có tác dụng cường dương, bổ thận. Thế là có một chiến dịch săn loài chim bé bỏng này.

Một người hàng xóm cũ của bà Tim cho biết: Trước đây, quán nước của bà Tim cũng từng bị “đuổi” để lấy chỗ trông xe nhưng có một vị chức sắc đã can thiệp, bởi ông thương những người đàn bà mưu sinh bằng quán trà đá, còn nuôi cả đàn chim trời. “Biết đâu, vì gia đình chị làm đẹp cho phố xá bằng việc nuôi chim mà người ta không dẹp quán nước này?”, tôi hỏi. Người đàn bà đã gần ngũ tuần kiên quyết không nhận sự ưu tiên: “Tôi chẳng lợi dụng nuôi chim để được bán nước vỉa hè”. Rồi chị nhắc lại lí do chị và gia đình nuôi chim trời: “Tôi thích thì tôi nuôi thôi”.

Lúc này, có người đàn ông  dựng xe ở vỉa hè sát chỗ chim ăn, chị ngừng chuyện, quay ra quát: “Anh ơi, anh chẳng tránh ra cho chim ăn thì thôi, anh còn soi nó. Em đang cho chúng ăn đây này, anh đứng đây che hết, chúng không có chỗ ăn”. Trong bóng chiều, mặc dòng xe hối hả trên đường, đàn chim trời vẫn tự tin sà xuống vỉa hè mổ thóc. Tôi hỏi người đàn bà: “Chị tên gì?”. Chị cảnh giác: “Tôi không có tên. Này đừng có chụp ảnh tôi đấy nhé”.

MỚI - NÓNG