Những phận đời lênh đênh đầu nguồn lũ

TP - Vùng đất giáp biên giới Campuchia, nơi đầu tiên đón lũ hàng năm, gọi là đầu nguồn lũ ĐBSCL. Cuộc sống người dân ở đầu nguồn lũ từ xưa đã có nhiều điều kỳ thú, vào thời hiện đại cũng đổi thay, cuối mùa lũ năm nay, PV Tiền Phong về cùng họ.

Bài 1: Trôi nổi

Nửa đêm giữa tháng 11, chúng tôi lên xuồng cùng ông Nguyễn Văn Đỡ, 51 tuổi ở ấp Trung Bắc Hưng, xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên, An Giang) bơi lên cánh đồng mênh mông nước lũ giáp biên Campuchia để giăng lưới.

Những phận đời lênh đênh đầu nguồn lũ ảnh 1 Gia đình ông Đỡ trong chòi che nylon ở mé kênh. Ảnh: Hòa Hội

Lênh đênh Quá nửa đêm, trời tối như mực, không gian vắng lặng. Ông Đỡ đầu đội đèn soi, bơi xuồng ba lá khoảng tiếng đồng hồ, vượt kênh Vĩnh Tế một quãng thì dừng lại, nhìn tứ phía rồi tay phải cầm cây sào dài chống xuồng còn tay trái thả 6 tay lưới ba màn dài hơn 500 m, loại năm phân. Vừa thả lưới ông vừa kể: Ở đây đầu nguồn nên có nhiều cá linh từ biển Hồ bên Campuchia đổ về. Mọi năm cá nhiều nhưng giờ khan hiếm nên ông chuyển sang lưới ba màn để bắt cá to hơn. Ông mua lưới cũ của người khác, mỗi tay 100.000 đồng, còn chiếc xuồng ba lá cũ ngang 0,8m dài hơn 4m cũng mua lại của người ta đã hai năm, giờ sắp mục. “Năm nay lũ nhỏ, ít cá nên tôi phải đi xa vì ở đầu nguồn may có nhiều cá hơn”, ông nói.

“Dòng họ tôi nhiều đời sống bằng nghề lưới, ngày càng nghèo. Đời tôi hy vọng thoát nghèo mà rốt cục không thoát, không biết đến đời con cháu có thoát nổi nghèo hay không?”.

Ông Đỡ
Theo ông Đỡ, dăm năm trước, mùa lũ ban đêm vùng này đèn giăng lưới sáng đỏ trời, lưới giăng san sát thậm chí chồng chéo lên nhau vậy mà cá dính đầy. Bất kể ngày đêm có hàng trăm xuồng lưới vui như họp chợ. Còn giờ vắng vẻ. Ông chép miệng: “Hôm trước, tôi thức trắng đêm mà thu về chưa được một ký cá. Vợ đem ra chợ bán được 20.000 đồng mua được gần 2 kg gạo. Năm rồi cũng chừng này lưới mà cá dính thấy mê, còn năm nay gần cuối mùa lũ vẫn chưa được bao nhiêu”. Quê ông Đỡ ở xã Vĩnh Lộc (An Phú, An Giang) cách đây hơn 70km, cũng đầu nguồn lũ. Tôi thắc mắc là sao ông không ở quê giăng lưới mà trôi dạt sang đây? Lúc này, ông đã thả xong lưới, ngồi nhìn vào đêm đen, tay vấn thuốc rê, tâm sự: “Ở đó cá không nhiều bằng ở đây. Hơn nữa, con cái đông phải chạy sang đây làm thuê, đến mùa lũ cả nhà đi giăng lưới kiếm sống. May được chủ ruộng thương cho cất cái chòi tá túc, loay hoay vậy mà đã hơn 20 năm”.
Những phận đời lênh đênh đầu nguồn lũ ảnh 2 Một đêm giăng lưới chỉ được một con cá
Theo lời ông Đỡ, ở bên An Phú ông không có đất, chỉ có cái nhà nhỏ để ở. Vào mùa lũ, cha con ông bơi xuồng sang Tịnh Biên lênh đênh đồng nước để giăng lưới. Còn mùa khô thì trở về hoặc bám lại đây khi có người kêu làm thuê. Ông tâm sự: “Ở đây khó sống lắm, chỉ giăng lưới khi trời yên, còn mưa to gió lớn không dám ra đồng. Có khi trời mưa cả ngày, cá dính lưới nổi lờ đờ ngoài đồng mà không dám chạy ra gỡ vì sợ sóng đánh chìm xuồng. Năm rồi, tôi bơi xuồng ra đồng ban đêm, bất ngờ mưa giông dữ dội, bị sóng đánh chìm xuồng. Lúc đó, mưa gió mịt mù, tôi bám vào chiếc xuồng trôi lập lờ mặt nước, may nhờ người đi giăng lưới phát hiện được, cứu mạng”.

Giữa cánh đồng nước mênh mông đêm đen, giọng trầm đục của ông kể về cuộc đời buồn, nghe thêm buồn: “Lúc nhỏ còn giặc dã tôi không được học hành nên tối ngày chỉ biết câu lưới, làm thuê. Cuộc sống vùng lũ cũng dạy tôi biết nhìn trời, nhìn gió, dự đoán được thời tiết; biết cá đi hướng nào, thời gian nào là cá chạy nhiều, chạy ít để tìm chỗ giăng”. Cũng vì cuộc sống lênh đênh giăng lưới, làm thuê mà ba con gái của ông học chưa hết tiểu học đã nghỉ. Ông chợt khoe: “Con gái tôi giăng lưới giỏi không thua gì tôi. Nhưng vì tối ngày ở đồng ruộng nên không được như con gái người ta ở chợ, da trắng, ăn ngon mặc đẹp”. Nay ba con gái đã có chồng, đều nghèo. Cô lớn 27 tuổi lấy chồng về xã Xuân Tô (Tịnh Biên, An Giang); cô kế lấy chồng bên huyện An Phú (An Giang) rồi vợ chồng kéo nhau lên TPHCM làm thuê. Cô út 25 tuổi mới lấy chồng gần năm nay. Xem ra cả gia đình ông nay chia ra đã tứ tán khắp vùng đất đầu nguồn lũ.

Trôi dạt

Trời vẫn tối om, ông Đỡ bơi xuồng vào nhà. Một cái sàn hơn chục mét vuông, cắm trụ bên mé kênh, sàn bằng tre, xung quanh che nylon, mái cũng nylon rách tả tơi. Bước vào, cái sàn rung rinh như muốn đổ. Bên trong, ánh đèn cà na đốt bằng bình ắc quy sáng loe hoe. Căn nhà chật chội, ông Đỡ leo vào ngồi bên góc. Tôi không biết ngồi đâu vì một cái mùng giăng đã muốn kín sàn, qua ánh đèn lờ mờ thấy trong mùng có một người đàn bà đang nằm với đứa con nít. Muỗi vo ve quanh mùng đen đặc. Ông Đỡ nói: “Chú cứ vào đi chứ đứng bên ngoài muỗi cắn dữ lắm”.

Những phận đời lênh đênh đầu nguồn lũ ảnh 3 Bà Mua và cháu nội ăn cơm kho quẹt 
Người đàn bà trong mùng chui ra, ông Đỡ giới thiệu vợ ông, bà Nguyễn Thị Cục, 50 tuổi. Bà Cục cho biết, đứa bé nằm trong mùng là cháu Trần Văn Sang, 4 tuổi, con của em ruột, mẹ nó bệnh ung thư chết để lại 2 đứa con, đứa lớn theo bên nội lên đây còn đứa nhỏ hơn một tuổi ở bên ngoại. Cha cháu Sang đi giăng câu hai ba ngày mới về nên vợ chồng bà lo luôn cơm nước cho cháu.

Sau đó, bà Cục ra phía sau nhóm lửa, nấu nước pha trà. Nhìn nơi ở rách nát, tôi hỏi “Mưa gió thì sao?”. Ông Đỡ nhìn bâng quơ, buông tiếng thở dài não ruột: “Nhiều đêm mưa to nước chảy từ trên thẳng xuống, vợ chồng tôi co ro trong góc lấy tấm nylon quấn lại cho đến sáng, tội cho đứa cháu còn nhỏ mà ngủ không yên. Hôm trời giông bão cây ngã rạp, tôi cùng vợ chạy ra ngoài vì sợ sập nhà”. Ngồi bên trong, bà Cục vọng ra: “Ở đây khổ lắm chú ơi, muốn tắm phải xuống kênh Vĩnh Tế rồi lên nhà thay đồ; mọi thứ sinh hoạt toàn bằng nước kênh mà đi vệ sinh thì cũng xuống kênh luôn”.

Thấy ánh đèn leo lét và nghe tiếng nói chuyện, bà cụ Nguyễn Thị Mua, 72 tuổi là mẹ ruột của bà Cục từ căn chòi bên cạnh lụm khụm bước qua ngồi uống trà. Bà Mua cho biết, mấy hôm nay con trai bà đi giăng câu ít cá, nên còn thiếu tiền tiệm tạp hóa đầu ấp gần triệu đồng chưa trả được. Có người nghe chuyện, bà cụ kể lại một lần gặp may trong cuộc đời trôi dạt trên đỉnh lũ của mình: “Năm ấy, tôi cùng nhiều người trong xóm bơi xuồng sang giáp ranh giới Campuchia hái trái cà na đem về bán, bị mấy chú lính biên phòng phát hiện. Tôi già yếu run rẩy không thể chạy, mấy chú biên phòng ra dấu kêu tôi ngồi im trên xuồng để họ trèo lên cây rung cho trái rụng xuống nước. Sau đó, tôi vớt lên được mấy bao rồi họ còn kè cho xuồng tôi về nhà an toàn”.

Bình minh rải ánh sáng xuống đồng nước bao la. Tôi lại theo ông Đỡ bơi xuồng ra đồng cuốn lưới. Bấy giờ nom rõ ông Đỡ nước da ngăm đen, mắt trũng sâu chứa đầy nỗi u buồn. Ông ngồi trước xuồng, tay cuốn lưới, chân phải thả dưới nước để bơi, rỉ rả kể: “Dòng họ tôi nhiều đời sống bằng nghề lưới, ngày càng nghèo. Đời tôi hy vọng thoát nghèo mà rốt cục không thoát, không biết đến đời con cháu có thoát nổi nghèo hay không?”. 

Gỡ hết tay lưới thứ ba mà vẫn chưa được con cá nào. Đến tay lưới thứ tư mới dính được con cá mè vinh nhỏ và cũng là con cá duy nhất cho cả một đêm giăng lưới trên đồng nước lũ. Giọng ông ảo não: “Mấy ngày nay vợ tôi bệnh đau mắt mà chưa có tiền chở đi khám. Tôi cố làm cũng bị nước ăn tay chân lở loét hết cả rồi”. Nói xong, ông cứ nhìn vào chân trời lúc bình minh, chẳng biết ông thấy gì phía đó?

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG