Những phận người 'không tên'

20 năm qua sống trên chính quê hương của mình ở thôn Đắc Ro nhưng chưa được công nhận quốc tịch, bà Blúp Lợ bám víu vào cuốn sổ tạm trú được chính quyền cấp.
20 năm qua sống trên chính quê hương của mình ở thôn Đắc Ro nhưng chưa được công nhận quốc tịch, bà Blúp Lợ bám víu vào cuốn sổ tạm trú được chính quyền cấp.
TP - Họ có tên tuổi, có quê hương nhưng sống như những người vô danh giữa núi rừng, vì không giấy tờ tùy thân, không quốc tịch. Để con cháu họ được đi học, chính quyền địa phương gợi ý họ nhận con đẻ làm… con nuôi.

Vùng biên giới đoạn qua tỉnh Quảng Nam và tỉnh Sê Kông (Lào) hiện có hàng trăm cặp vợ chồng Việt-Lào di cư tự do, kết hôn không giá thú, du canh du cư.

Vô danh giữa núi rừng

Những ngày này, thời tiết vùng biên giới Việt-Lào sớm nắng chiều mưa nên đường vào các xã Đắk Tôi, Đắk Pree, Đắk Pring (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) càng trở nên khó khăn. Chặng đường từ trung tâm xã Đắk Tôi vào thôn Đắk Ro (xã Đắk Tôi) ngoằn nghèo, chi chít ổ gà. Giữa rừng già, một vài nóc nhà thưa thớt dần xuất hiện. Thôn Đắk Ro nép mình bên sườn núi, đời sống người dân khổ cực. Thôn hiện có 8 hộ với 22 nhân khẩu sinh sống tại địa phương nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có giấy tờ, hộ tịch.

Blúp Lợ (65 tuổi) ngồi buồn bã nhìn về những ngọn đồi. Hơn 20 năm nay, bà sống trên quê mình, nhưng vẫn chưa có giấy tờ, hộ tịch, dù cha đẻ có chứng minh nhân dân là người Việt. Blúp Lợ kể, hồi nhỏ, bà sống tại thôn Đắk Ro, đến năm 18 tuổi, khi mẹ mất, bà cùng các anh chị em theo cha sang Lào làm ăn, sinh sống. “Hồi đó, nhà mình với nhiều người khác di cư sang vùng biên để phát rẫy canh tác, chỗ nào màu mỡ thì định cư làm ăn thôi. Khi đất trồng cây không tốt nữa thì cả nhà mình lại đi tiếp”, bà Lợ nhớ lại.

Những năm tháng nay đây mai đó bên Lào, Blúp Lợ gặp người đàn ông gốc Lào là Hiên Thi. Hai người lấy nhau, sinh được 6 người con. Khi cha và chồng của bà Lợ mất, toàn bộ giấy tờ cũng thất lạc; bà cùng các con tiếp tục di cư đến vùng sâu của tỉnh Sê Kông. Năm 1993, gia đình bà trở về định cư tại thôn Đắk Ro, nhưng vì không có giấy tờ tùy thân, nên được coi là người di cư tự do.

Ngày còn định cư ở tỉnh Sê Kông, bà Lợ kết thân với bà Hiên Ngấy (85 tuổi)  là người gốc Lào. Bà Hiên Ngấy lập gia đình bên Lào và có hai người con. Chồng mất, Hiên Ngấy theo bà Lợ sang Việt Nam sống đến nay cũng đã hơn 20 năm. Hai người con bà Ngấy đã lập gia đình ở thôn 48, xã Đắc Pring. Cuộc sống các con cũng khó khăn nên gần 20 năm qua, bà Ngấy sống một mình nhờ sự đùm bọc của bản làng.

Những phận người 'không tên' ảnh 1

Chị Un Liếp lo lắng không biết lấy gì để lo cho các con tiếp tục đi học khi lúa trong nhà đã bán hết.

Bi kịch truyền đời

Không hộ khẩu, không giấy khai sinh, không bảo hiểm y tế, bà Lợ sống trong cảnh cơ cực, không đủ ăn khi quanh năm chỉ biết bám víu vào việc đi rẫy. Bà con thôn bản đùm bọc, san sẻ để bà sống qua bữa. Cuối tháng 6/2014, chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp cho bà cuốn sổ tạm trú. Không chỉ có đời bà Lợ chịu cảnh sống như người vô danh. Hiện nay, cuộc sống của các thế hệ con cháu bà cũng chẳng tươi sáng hơn. Con trai út của bà, Blúp Lạnh (20 tuổi), bị suy nhược thần kinh từ mấy năm trước, đã hai lần cấp cứu ở bệnh viện Bắc Quảng Nam. Không giấy tờ, không bảo hiểm y tế, gia đình bà phải chạy vạy vay mượn bà con gần 5 triệu đồng để chạy chữa. Đã mấy năm trôi qua, số nợ đó gia đình bà chưa trả được. Sát vách nhà bà Lợ là nhà con gái thứ hai, Blúp Liếp (27 tuổi). Liếp cũng không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Liếp lấy chồng quê tỉnh Kon Tum năm 2005, sống hạnh phúc được vài năm thì chồng đột ngột bỏ đi biệt xứ. Năm 2012, Liếp một nách hai con thơ về nhà mẹ đẻ nương tựa. Bà con dân bản lên rừng chặt tre, đốn nứa dựng giúp một căn nhà để mẹ con Liếp có nơi trú mưa nắng. Gọi là nhà nhưng thực chất chỉ là một túp lều có vài ba cọc tre, bốn bên phủ kín nứa, phía trên lợp lá cây.

Cám cảnh cuộc sống cơ cực, Liếp quyết bụng bằng giá nào cũng để các con được đi học để có tương lai tươi sáng hơn. Nhưng hai con của Liếp, đứa lớn học lớp 3, đứa nhỏ mẫu giáo, đang đối diện nguy cơ thất học giữa chừng vì chi phí học quá lớn so với khả năng của Liếp. “Cán bộ thương nên tạo điều kiện cho hai con được đến trường. Nhưng từ ngày con đi học, trong nhà có bao nhiêu lúa mình đều bán hết để lo cho chúng nó. Bây giờ nhà nào trong làng mình cũng đã vay nợ mà chưa có trả. Mấy ngày nay con đi học về khoe được cô giáo khen mà em không biết lấy gì để lo tiếp cho các con đây”, Liếp nói. Dịp đầu năm, con gái lớn của Liếp là Pơloong Sa (8 tuổi) bị nổi mụn cóc xanh, ghẻ lở đầy người, nhưng vì không có tiền đi bệnh viện nên gia đình vào rừng hái thuốc đắp. Cũng may vết lở loét của bé Sa cũng dần lành vài tuần sau đó.

Gia đình Zơ Râm Cung và Zơ Râm Loại ở thôn Đắk Ro cũng không có giấy tờ gì ngoài cuốn sổ tạm trú mới được cấp năm 2014. Hai con đầu của Zơ Râm Cung phải nghỉ giữa chừng, lấy chồng lấy vợ vì không có tiền đi học, hai đứa sau thì học đến đâu hay đến đó. Vừa đi rẫy về, mồ hôi ướt đẫm, Zơ Râm Loại thở dài: “Mình khổ nhiều lắm rồi nên cực nữa cũng chịu được, chỉ mong Nhà nước quan tâm để con nó được kiện học hành, đỡ khổ”.

Những phận người 'không tên' ảnh 2

Chị Zơ Râm Loại (thôn Đắk Ro) buồn bã khi nhắc đến tương lai của các con. Ảnh: Phan Thanh.

Nhận con đẻ làm con nuôi

Không chỉ ở huyện Nam Giang, tại các xã vùng biên như Axan, A Tiêng, Ch’ơm, Gary của huyện Tây Giang (Quảng Nam) cũng có nhiều trường hợp chưa có giấy tờ, hộ tịch, phải sống cuộc sống vô danh, khó khăn giữa núi rừng. Theo ông Hồ Đắc Vinh, Chủ tịch UBND xã Ch’ơm, việc thống kê số người không có giấy tờ, hộ tịch di cư tự do hiện rất khó khăn, vì họ không định cư. Xã Ch’ơm hiện có khoảng 15 công dân tự do, trong đó hơn 10 người di cư sang Lào nên không thể nắm rõ thông tin.

Gia đình anh Ríah Nhưl và chị Pơloong Thị Xấc sống ở thôn A Tu 1, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang nhiều năm nay. Anh Nhưl là người ở thôn Atu 1, còn chị Xấc là người ở huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông. Chị Xấc về ở với anh Nhưl đã lâu, nhưng không được nhập hộ khẩu của chồng vì kết hôn không hôn thú.

Đứa con lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi đều không thể làm giấy khai sinh vì thiếu thông tin của mẹ. Để hai đứa trẻ có thể đi học, chính quyền xã gợi ý anh Nhưl làm giấy “nhận nuôi” hai đứa con đẻ do chính mình sinh ra, nhưng anh không chịu. Tại thôn Đ’hung, gia đình anh Bling Đông cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. “Con của họ dứt ruột đẻ ra, bây giờ bảo họ làm thủ tục con nuôi thì họ không đồng ý cũng là một điều dễ hiểu. Nhưng mà không làm vậy cũng chẳng có cách nào khác. Hai đứa trẻ giờ phải chịu cảnh thất học”, ông Vinh nói.

Trường hợp chính quyền xã “lách luật” để những người dân không giấy tờ, hộ tịch có điều kiện để sinh sống, làm ăn tại các xã biên giới như ở xã Ch’ơm là không mới. Theo ông Zơ Râm Kỳ, cán bộ tư pháp xã Đắk Tôi, trước khi cấp sổ tạm trú dài hạn, chính quyền xã cũng linh động để cấp giấy khai sinh để con cái họ có thể đi học, sau khi có sổ tạm trú thì cấp thẻ bảo hiểm để người dân khám chữa bệnh. “Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời, bản thân những hộ gia đình đó vẫn khao khát một ngày được cấp sổ hộ khẩu, được công nhận là người Việt Nam để có thể thể yên tâm sinh sống, làm ăn”, Zơ Râm Kỳ cho biết.

Theo ông Phạm Thành Hưng, Phó Chánh văn phòng UBND huyện Tây Giang, về nguyên tắc, cấp sổ tạm trú, hộ khẩu cho hộ không có giấy tờ tùy thân là trái quy định. “Tuy nhiên, để con em những hộ này có điều kiện học tập và làm thẻ bảo hiểm, nhiều nơi đã châm chước để làm sổ tạm trú cho họ. Còn để được công nhận là công dân Việt Nam, được làm hộ khẩu tại địa phương thì cần sự can thiệp của chính quyền hai nước”, ông Hưng nói. 

Theo số liệu ban đầu của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam, ba huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang hiện có khoảng 170 hộ với hơn 500 khẩu người Lào di cư tự do sang Quảng Nam và hơn 50 cặp vợ chồng Việt-Lào kết hôn không giá thú. UBND tỉnh đã chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành ở các huyện nhằm rà soát số liệu, gửi lên cấp trên xem xét, giải quyết.

MỚI - NÓNG