Theo tàu thép vây cá giữa Hoàng Sa - Kỳ cuối:

Những phiên chợ giữa đại dương

Vận chuyển cá nục từ tàu Sang Fish 01 sang tàu hậu cần ĐNa 90424. Ảnh: Nguyễn Huy
Vận chuyển cá nục từ tàu Sang Fish 01 sang tàu hậu cần ĐNa 90424. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Tàu thép nhiều, sản lượng đánh bắt lớn nên cần một dịch vụ hậu cần thu gom chuyên nghiệp ngay trên biển để đảm bảo độ tươi, phân bổ hải sản kịp thời về đất liền - Thuyền trưởng Phan Bé (Quảng Ngãi) tàu Sang Fish 01 bộc bạch. Ngày càng nhiều những “phi đội” tàu hậu cần, đi về như con thoi ngang dọc vùng biển Đông mở phiên chợ trực tiếp trên biển.

Chợ giữa đại dương

“24, 24 gọi 94! Hàng thế nào anh Tùng (Mai Xuân Tùng, chủ tàu QB 91694 - PV), mở chợ 94!”, thuyền trưởng tàu hậu cần ĐNa 90424 Nguyễn Văn Diện (32 tuổi, Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) nối bộ đàm Icom với tàu anh Tùng. “5 tấn, giá cả răng (ra sao)!”, tiếng đầu dây rèn rẹt. “Giá tốt, sau trăng nhích vài đồng. Nục gai 12-15.000 đồng/kg, nục chuồn 20.000 đồng, cá hố tốt, giá đến cả trăm đồng lận…”, anh Diện nói. 

Sau vài cuộc điện đàm Icom, phiên chợ mở ngay giữa vùng biển Hoàng Sa. Thuyền trưởng Diện rồ máy, tốc hành chạy về phía tàu QB 91694. Vài cái đánh lái, lấy mạn, con tàu hậu cần nhanh chóng áp sát mạn tàu anh Tùng. Lớp sóng xô dồn, biển động mạnh, hai mạn tàu dập dềnh, lên xuống cách nhau cả mét. 

Nguyễn Phương (30 tuổi, Thuận Phước) thành viên tàu hậu cần vứt giỏ nhựa cấp đông cá sang tàu QB 91694. Mọi việc khuôn, vận chuyển khay cá qua lại khá dễ dàng giữa biển động. Chưa đầy tiếng đồng hồ, 5 tấn cá nằm gọn trong các khoang chứa tàu hậu cần. Tiếng Icom lại vang lên, thuyền trưởng Diện đánh lái đưa tàu đến những điểm giao dịch mới. 

“Các thuyền Quảng Bình, Bình Định… của miền Trung đã là mối hàng thân thiết. Có khi mình điện hỏi nhưng có khi họ chủ động gọi bán hàng. Lúc cao điểm tàu “chạy sô” liên tục không hết hàng”, anh Diện nói. 

Những phiên chợ giữa đại dương ảnh 1

Mở phiên chợ trong đêm giữa biển trời Hoàng Sa

Đêm. Tàu ĐNa 90424 neo cùng tàu vỏ thép Sang Fish 01 được tàu Quảng Bình sáp lại, bán hàng ngay sau mẻ lưới vây đánh bắt trên biển. Mẻ vài tạ, có khi lên đến cả chục tấn đều được gom nhanh gọn, thuận mua vừa bán. Mỗi ngày, đôi tàu hậu cần ĐNa 90424 và ĐNa 90444 thuộc Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá khai thác xa bờ số 1 Đà Nẵng (gọi tắt Tổ hậu cần số 1) ngang dọc khắp các vùng biển xa bờ, Hoàng Sa, ra mạn vịnh Bắc bộ, vùng đánh cá chung Việt Nam- Trung Quốc để hành nghề thu gom. 

26 tuổi, thuyền trưởng tàu ĐNa 90444 Lê Văn Khánh (26 tuổi) - em trai của Lê Văn Sang đưa tàu tấp về phía cả chục con tàu hành nghề lưới vây đang sáng đèn dụ cá. Con tàu gần 1.300 CV lừng lững giữa ngư trường Hoàng Sa, thuộc hàng “khủng” nhất của các đội tàu miền Trung. Theo Khánh, hai tàu làm nhiệm vụ hỗ trợ cho nhau. Nếu số lượng thu gom ít, tàu 424 sẽ quay đầu vào bờ xả hàng ít. Ngược lại, ngày đánh bắt cao điểm, con tàu 444 no hàng sẽ bốc thêm từ con tàu nhỏ để quay vào bờ. Ngày nào, tổ hậu cần số 1 cũng duy trì ít nhất 1 chiếc hậu cần như con thoi chạy tới lui giữa các mối tàu thuyền để gom hàng.

Người vận chuyển   

Trưa 17/8, chúng tôi từ tàu Sang Fish 01 xuống tàu hậu cần nhỏ ĐNa 90424 trước khi rời ngư trường về Đà Nẵng. Con tàu nhỏ như hất nghiêng, lộn ngược trước từng đợt sóng tung bọt trắng xóa. Cabin tàu vừa đủ 5 người, nhưng sức chở của tàu lên đến 15 tấn hải sản các loại. Thuyền trưởng Diện bản lĩnh, tay đánh lái, mắt nhìn trực diện vào lớp sóng hung dữ để luồn lách, tránh lớp tạt nghiêng. Những “người vận chuyển” như Diện, Khánh làm gấp đôi công việc bình thường, luôn hoạt động “trên từng hải lý” để kịp thời thu về những khay hàng tươi nhất. 

Những phiên chợ giữa đại dương ảnh 2

“Người vận chuyển” trên tàu ĐNa 90424

Đồng chủ tàu Sang Fish 01, Lê Văn Sang, bảo: Hậu cần không phải là thu gom cá mà là thu gom cá tươi. Cá nục, hố, hải sản từ các mẻ lưới vừa đánh bắt sẽ được chuyển ngay về đất liền trong thời gian sớm nhất. Theo anh Diện, tàu nhỏ dễ lướt sóng, đi nhanh về sớm, cơ động. Trung bình mỗi tháng, các tàu hậu cần thực hiện 10-15 chuyến thu gom. 

Ngày về, Diện căn một đường thẳng từ ngư trường Hoàng Sa trực chỉ bờ Đà Nẵng. Con tàu chạy xuyên đêm no hàng với 15 tấn cá nục. Cách bờ 40-50 hải lý, tàu lạc giữa hàng loạt lớp sóng hung hãn bủa vây. Với tài thao lược của người cầm lái, tàu cập âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà, Đà Nẵng), lúc tờ mờ sáng kịp phiên chợ đầu mối, Nguyễn Phương, ngư dân tàu hậu cần ĐNa 90424 mới rỉ tai bảo: Chỗ biển động hồi nãy đã từng có 3 tàu bị chìm, hư hại tài sản rồi. Kể sớm các anh… sợ nên về bờ mới dám nói.

“Tàu nhỏ dễ lướt sóng, đi nhanh về sớm, cơ động. Trung bình mỗi tháng, các tàu hậu cần thực hiện 10-15 chuyến thu gom”.

Anh Diện

Theo anh Khánh, mỗi chuyến biển, tàu hậu cần kiêm nhiệm vụ cung cấp nhiên liệu, lương thực, nước đá cho các tàu đang khai thác. Tàu ĐNa 90444 xuất bến, mang theo hàng ngàn lít dầu, vài ba ngàn cây đá, tạ thịt lợn, nhu yếu phẩm… Số lượng lớn nhưng chỉ 1-2 ngày đã “sạch tàu”. 

Anh Sang cho hay: Do liên hệ các mối hàng trực tiếp từ các công ty thay vì qua đầu nậu, nên giá mua của tàu hậu cần sát với giá thị trường trên bờ. Phải cạnh tranh từ giá, ngư dân thấy lợi thì họ mới cần mình. Ngay giá hàng hóa cung cấp trở lại cho họ, tàu cam kết bằng đúng giá đất liền, trong cảng, thậm chí có những lúc nước đá tàu hậu cần còn cho không để động viên, hỗ trợ ngư dân. 

Anh Khánh nhớ chuyến thu gom cá trên tàu QB 91478 của anh Quyết (Quảng Bình) hơn nửa tháng trước. Mẻ lưới kỷ lục lên đến 30 tấn cá nục khiến tàu chao nghiêng, lưới rung lắc. Lưới kéo dạt về phía gầm tàu. Các thuyền viên chao từng vợt sắt múc cá khó khăn. Tuy nhiên, khi tàu hậu cần sát lại, hai bên hỗ trợ kéo lưới, múc cá trực tiếp nên cấp đông ở tàu hậu cần, các khâu đoạn thuận lợi hơn. Gần 10 tiếng đồng hồ, mẻ cá nằm gọn trên tàu hậu cần. Anh Quyết được trả ngay 250 triệu đồng trên biển. “Nếu tàu anh Quyết không có tàu hậu cần chắc chỉ lấy được khoảng 5 tấn cá vì cá mắc lưới nhiều gây rách, thủng chui ra ngoài”, anh Khánh nói. 

Tiềm năng 

Dự định chuyển con Sang Fish 01 sang hẳn nghề lưới vây, Lê Văn Sang ấp ủ đóng thêm tàu chuyên hậu cần bằng composite hai thân trị giá 5 tỷ đồng. Tàu dài trên 30 m, chiều rộng khoảng 10m. Theo Sang, tàu composite nhẹ, lướt sóng nhanh, giảm chi phí nhiên liệu. Chi phí đầu vào của mình giảm, giá thành thu gom cho ngư dân sẽ tăng lên. 

Sang bảo: Cứ 12-15 tàu gỗ, cần 1 tàu hậu cần. Với tàu thép, sản lượng đánh bắt cao, 8-10 tàu vỏ thép, cần 1 tàu hậu cần mới đáp ứng đủ. Tính cả tàu Sang Fish 01 và thêm 1 tàu hậu cần vỏ thép dự định đóng mới, anh Sang nhẩm tính, sản lượng thu gom tăng lên trên 1.000 tấn/tháng. Chưa kể con Sang Fish 01, hiện Tổ hậu cần số 1 Đà Nẵng có 5 tàu hậu cần, riêng Sang góp 2 chiếc. Còn lại của gia đình ông Trần Toàn (55 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng) và 1 chiếc của anh Trần Núi (Đà Nẵng). Ông Lê Mến, Tổ trưởng Tổ hậu cần số 1 Đà Nẵng, cho hay: Số lượng tàu, xe hậu cần tăng nhưng chỉ đáp ứng thu gom 300 tấn/tháng. Trong khi nhu cầu rất cao.

45 năm đi biển đánh bắt, ông Toàn chuyển hướng sang tàu hậu cần. Mới đây, ông Toàn hạ thủy tàu hậu cần và đánh bắt số hiệu ĐNa 90611. Tàu có chiều dài 24 m, rộng 5,4 m, cao 3,2 m, và 18 hầm đựng đá tàu, với công suất 800CV, 2 máy, chạy 12 hải lý/giờ, tổng mức đầu tư 3,2 tỷ đồng. 

Ông Toàn bảo: tàu có thể chở tối đa 70 tấn hàng hóa, dầu, đá, nhu yếu phẩm và thu mua về khoảng 20-70 tấn thuỷ hải sản. Năm 2012, ông Toàn hạ thủy tàu ĐNa 90511 có công suất 500 CV, tổng kinh phí là 2,1 tỷ đồng, chuyên hậu cần. 

Theo ông Toàn, bình thường, tàu đánh cá phải về bờ 2-3 lần/tháng. Nhưng có tàu hậu cần, các tàu cá chỉ phải về bờ 1 tháng/lần, giảm đáng kể chi phí nhiên liệu. Trong khi lượng cá đánh bắt được không sợ bị hư hỏng, giảm chất lượng vì có thể chuyển sớm vào bờ. Thực tế, chưa có tàu hậu cần, mỗi tàu cá trừ hết chi phí chuyến biển, thu được khoảng 100 triệu/tháng/12 lao động. Với tàu hậu cần, thu nhập của mỗi tàu cá đã tăng gấp đôi, khoảng 200 triệu/ tháng/12 lao động. 

Thuyền trưởng Mai Xuân Tùng bảo: Từ khi các đội tàu hậu cần hoạt động ổn định, ngư dân đánh bắt thuận lợi hơn. Thay vì phải quay vào bờ thường xuyên, chúng tôi có thể ổn định đầu ra, bám biển dài ngày, giảm chi phí và tăng thu nhập cho bạn tàu. Lãnh đạo Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng cho hay: Sở đang tập trung khuyến khích ngư dân đầu tư, phát triển đội tàu hậu cần. Hậu cần tốt sẽ giải quyết bài toán đầu ra, chất lượng sản phẩm và giảm tình trạng chi phối của các đầu nậu…

MỚI - NÓNG