Những phụ nữ vượt lên số phận

Những phụ nữ vượt lên số phận
TPO - Người phụ nữ Mông không biết chữ nuôi 6 con thành đạt, người mẹ miền núi nuôi 4 con học đại học, cô gái mù có hai bằng đại học loại giỏi, người phụ nữ cụt hai tay nuôi 2 con thành thạc sỹ…là  những phụ nữ tiêu biểu trên khắp cả nước đã không chịu bó tay trước số phận, trước cái nghèo.
Những phụ nữ vượt lên số phận ảnh 1
(từ trái sang) Đinh Việt Anh, bà Trần Thị Hồng và Vàng Thị Plá, những phụ nữ điển hình của phụ nữ vượt lên số phận. Ảnh: L . A

Lần đầu tiên 200 hiện vật về 30 người phụ nữ vượt khó đã được trưng bày tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3.

Khiếm thị … mà có tới hai bằng đại học

Trẻ trung, xinh xắn. Với cặp kính trắng trông rất … trí thức và đi lại nhanh nhẹn, không ai nghĩ rằng cô bé đó là người khiếm thị và sở hữu hai bằng đại học  loại giỏi. Đó là Đinh Việt Anh sinh năm 1978 tại  Hương Sơn, Hà Tĩnh.

Cô bé  bị  thoái hoá giác mạc sau một trận sốt cao và rồi đôi mắt cứ mờ dần đi. Đến tuổi đi học, dù mắt nhìn rất kém, nhưng Việt Anh vẫn nằng nặc đòi bố đưa đến trường. Về nhà lại cặm cụi ngồi viết và đọc bài. 

Năm lên cấp II, đôi mắt Việt Anh đã không nhìn rõ mặt chữ nữa. Thế nhưng, cô bé vẫn khao khát được tiếp tục tới trường. Suốt những năm học phổ thông, bố mẹ chính là đôi mắt giúp em đọc bài, nhận mặt chữ.

Không uổng công chăm lo của bố mẹ và sự nỗ lực vượt bậc của bản thân, Việt Anh luôn đứng đầu lớp trong  12 năm học phổ thông. Việt Anh là người khiếm thị duy nhất của Việt Nam được cử tham gia khoá học Công nghệ thông tin tại Nhật Bản và là người khiếm thị duy nhất tham gia một khoá học khác về công nghệ thông tin tại Thái Lan.

Cô đã tốt nghiệp hai trường đại học loại giỏi và hiện đang là cán bộ phụ trách bộ môn Tin học tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho người khiếm thị Hà Nội. Việt Anh tâm sự: “Chưa bao giờ mình thấy chán học cả. Mình luôn ao ước thời gian dài thêm để được học hỏi nhiều thêm”. Giờ đây, với phần mềm hỗ trợ người khiếm thị, Việt Anh có thể sử dụng máy tính để soạn thảo, lưu trữ văn bản cũng như đọc … báo điện tử.

Tật nguyền, vay tiền trả lãi cho con học… thành thạc sỹ

Chị Trần Thị Hồng quê ở xã  Sơn Trung, huyện Sơn Hà, Hà Tĩnh. Năm 1968, chị đã bị thương nặng cụt cả hai cánh tay khi còn là Thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ. Chị  đã được chuyển về  Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh năm 1975.

Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn với đồng lương còm cõi gồm lương mất sức của người chồng là công nhân quốc phòng và trợ cấp thương tật của chị, chị đã phải xuôi ngược lên Thái Nguyên buôn chè, mỗi cân chè chỉ lãi vài ba đồng. Hàng ngày,  chồng, con mang chè ra chợ giúp chị. Do không còn đôi tay, chị cứ bày chè, bày cân và túi ở đấy, ai mua tự cân và tự bỏ tiền vào túi. 

Thương bố mẹ, hai người con của chị đã quyết tâm học giỏi, một người đã tốt nghiệp đại học sư phạm Hà Nội và bảo vệ thành công luận án thạc sỹ Toán học, hiện đang là giáo viên dạy Toán trường chuyên tỉnh Bắc Ninh.

Người con thứ hai là Hoàng Tiến Đức đã tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học giao thông vận tải và hiện đang là cán bộ Cục giao thông vận tải và sắp bảo vệ luận văn thạc sỹ.

Chị tâm sự: “Khi hai con vào Đại học là lúc gia đình gặp khó khăn nhất, tôi phải vay tiền trả lãi cho con ăn học.Tôi nghĩ đời mình vất vả nhiều rồi nên cố gắng chịu khó, chịu khổ cho con ăn học thành người.”

Người phụ nữ Mông không biết chữ nuôi  6 con học hành thành đạt

Bà Vàng Thị  Plá, dân tộc Mông, thôn Bản Phố II, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai dù không được học hành, nhưng có bao nhiêu tiền gom góp được, vợ chồng bà đều dành cả vào việc nuôi con ăn học.

Không phụ công cha mẹ vất vả, những người con của bà đều chăm chỉ học hành và đỗ đạt. Hiện nay, người con lớn của bà là anh Lý Xuân Thành đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng kiểm sát và công tác tại viện kiếm sát  huyện Bắc Hà.

Cô con gái thứ hai Lý Thị Sua tốt nghiệp Trung học Sư phạm, là giáo viên tiểu học Thái Giàng Phố. Còn hai chị em gái là Lý Thị Gành và Lý Thị Dín đều là sinh viên khoa Văn Sử trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai.

Cô con gái thứ năm là Lý  Thị Phùng đang học năm thứ nhất ngành mầm non. Cậu con trai út đang học lớp 10 tại trường THPT huyện Bắc Hà.

Triển lãm “Những người phụ nữ vượt lên số phận” được khai mạc tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam từ ngày 7/3 với sự trợ giúp của Uỷ ban Y tế Hà Lan. Cùng với triển lãm này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động VN, Báo Lao động  phát động cuộc thi “Những phụ nữ vượt lên số phận”.

MỚI - NÓNG