Những tấm lòng ở… 'bển'

Một bữa ăn sum vầy của gia đình người Việt tại TP Philadelphia
Một bữa ăn sum vầy của gia đình người Việt tại TP Philadelphia
TP - “Bển” là từ được nhiều người miền Nam sử dụng để chỉ những người bên Mỹ. Gần một tháng trời sang “bển”, tôi được sống giữa những người con đất Việt với tấm lòng và sự chân tình hiếm thấy. Hình như càng xa quê, tình cảm giữa những người Việt càng thêm gắn bó.

Tôi xuống sân bay Kennedy (New York) vào buổi chiều lạnh giá. Đón tôi, không phải chỉ mình ông anh họ là người mời tôi qua chơi mà còn thêm 2 người nữa: Một người là bạn của ông anh tôi mà tôi đã từng gặp vài lần và một bạn cũ tôi quen khi anh ta còn ở Việt Nam. Để đón tôi, cả 3 phải bỏ một ngày làm chạy xe gần 2 tiếng đồng hồ. Hỏi vì sao phải bỏ cả buổi làm việc để đi đón tôi thì ông anh giải thích vì sân bay lớn, 3 người chia nhau đón lõng đề phòng tôi bị lạc. Biết tôi lạ nước lạ cái, đến xứ lạ mà lạc thì nguy hiểm lắm! Rôm rả nói cười, mọi người hỏi thăm tình hình ở Việt Nam cũng như bàn cãi về chuyện ông Trump thắng cử. Anh tôi bảo: “Lo nhất là Trump làm thẳng tay thì những người đang sống tạm tại Mỹ sẽ có nguy cơ về nước. Dù rằng người Việt bên Mỹ sống nghiêm túc, ít vi phạm pháp luật nhưng biết đâu Trump làm căng… ”.

Bữa ăn đầu tiên tại gia đình người Việt bên Mỹ có không khí ấm cúng, vui vẻ như quê nhà. Không phải đồ ăn Mỹ mà toàn món Việt, từ gà luộc, cá kho, bún mộc cho tới rau cải xào nấm. Ai cũng muốn cho tôi không bị “sốc”. Để có những món ăn  Việt, người nhà anh tôi đã phải chạy lên tận chợ Việt Nam cách nhà gần 1 tiếng đồng hồ chạy ô tô. “Ở bên Mỹ giờ đồ Việt phong phú lắm, nhưng phải biết ngày bán thì mới mua được đồ tươi, chứ không thì toàn là hàng đông lạnh”- ông bạn nói. Và cả 3 tuyên bố sẽ thay nhau chở tôi đi chơi, chơi cho đã đến tận ngày về. Sự nhiệt tình, hiếu khách của những người Việt ở “bển” thật lạ. Dù chỉ quen sơ nhưng cũng nhiệt tình giúp đỡ hết mình.

Những tấm lòng ở… 'bển' ảnh 1

Ngôi chùa Việt giản dị ở TP Daytona

Trong lần đi chơi tại chợ Việt Nam mang tên Hùng Vương tại Philadelphia (Pennsylvania), bạn tôi giới thiệu một phụ nữ tên Hoa. Trò chuyện một hồi, biết tôi mới từ Việt Nam sang, Hoa năn nỉ mời tôi về nhà chơi cho bằng được. Sẵn đang rảnh, tôi theo xe Hoa về nhà. Một căn nhà khá xinh xắn nằm bên ngọn đôi nhỏ. Tới nhà, Hoa gọi cả nhà ra chào tôi. Thì ra nhà Hoa chỉ mới qua Mỹ được hơn chục năm, tiếng Anh còn chưa thạo. Dù mới quen nhưng hôm đó cả nhà Hoa tiếp đón tôi như khách quý, hỏi han tôi đủ thứ chuyện trong nước. Giọng của vợ chồng Hoa vẫn chân chất vùng đất Hải Hưng cùng những món ăn đậm chất Bắc như nem chua, thịt nấu đông, phở gà do vợ chồng Hoa tự chế biến.

Thấy tôi có vẻ ngại ngần, Hoa bảo: “Anh cứ tự nhiên đi! Ngày xưa mà không có những người Việt không quen biết giúp thì em không có được như ngày hôm nay”. Rồi Hoa kể chuyện hành trình đến Mỹ của Hoa. Năm 1997, muốn bỏ nghề làm ruộng nên gia đình đóng hơn 8 ngàn USD để Hoa đi làm công nhân may trên đảo Samoa. Thật xui cho Hoa khi bị rơi vào một đường dây chuyên bóc lột lao động. Công nhân đình công, bị chủ xưởng đánh đập và bỏ đói. Tổ chức nhân quyền đã vào cuộc và bắt giam chủ xưởng. Thân gái bơ vơ, lẽ ra Hoa và những người công nhân làm cùng phải về nước vì họ đâu còn chỗ nào để mà đi. May mắn là những người Việt khắp nước Mỹ dù chưa hề biết mặt biết tên nhưng đã đứng ra bảo lãnh, quyên góp tiền mua vé máy bay cho gần 250 nữ lao động Việt tới Mỹ.

“Chúng tôi được bố trí ở trong những căn nhà của người Việt để tiện sinh hoạt, học nghề. Tôi cùng vài người bạn đã ăn nghỉ tại gia đình một anh tên Vũ hơn một năm trời miễn phí. Những người Việt khác thì giúp chúng tôi làm giấy tờ, tìm việc làm, Hoa kể. Sau vài năm ổn định, như nhiều người trong vụ Samoa, Hoa đã bảo lãnh chồng con sang. Giờ 2 vợ chồng tích cóp mua được nhà, cuộc sống khá ổn định.

Những tấm lòng ở… 'bển' ảnh 2

Góc khu chợ Việt Nam tại tiểu bang Pennsylvania

Trong ngày thứ 4 của chuyến đi, tôi tới thăm ngôi nhà của hai vợ chồng già mà bạn tôi gọi là nhà ông Sáu - bà Quyên. Cả hai ông bà năm nay đã hơn 70 tuổi, ăn lương hưu đã lâu nhưng cả hai vẫn chưa chịu nghỉ. Hàng ngày hai ông bà vẫn đi tìm những chiếc máy cũ hư như máy cắt cỏ, gạt tuyết, máy khoan tiện linh tinh để về sửa rồi đem ra bày bán ở chợ Trời.

Hôm tôi tới ông đi vắng, bà tiếp chúng tôi: “Chúng tôi làm nghề này để có tiền gửi về giúp cho một cơ sở dạy người mù tại Việt Nam. Một lần về thăm quê, thấy cơ sở đó nghèo quá, thiếu thốn nhiều quá nên hai vợ chồng đã bàn tính cách giúp.  Biết ông bà đi làm kiếm tiền làm việc thiện, nhiều người Việt chung quanh ủng hộ bằng cách nhà có gì cũ không xài nữa thì đem tới cho. Từ quần áo, giỏ xách cho tới cả máy móc, đồ điện tử.

Thậm chí vài lần bà về nhà thấy có cả bộ máy giặt còn tốt trước cửa. Lần khác là cả một chiếc ôtô cùng giấy tờ. Cứ thế, hai ông bà gom nhặt được cỡ chừng chục ngàn đô lại thay nhau về Việt Nam làm từ thiện. Hơn 5 năm miệt mài làm, cả hai vợ chồng đã về Việt Nam được 6 lần, lần nào cũng ngập tràn niềm vui vì giúp đỡ được cho những người khó khăn ở quê nhà.

Tại thành phố biển Daytona (Florida), tôi thấy một ngôi chùa Việt.  Theo người bạn cho biết trước đây căn nhà này là nhà ở của một gia đình người Mỹ, mới được chuyển thành chùa từ chừng 2 năm nay. Ngôi chùa có tên là “Ni viện Phố Hiến”. Có lẽ vì chưa có kinh phí xây dựng nên chùa chỉ dựng tạm trên căn nhà cũ, không có dáng dấp ngôi chùa nếu không có bảng đề ven đường.

Tiếp chúng tôi tại chùa là một người phụ nữ đang làm công quả có tên cô Hai. Theo cô Hai cho biết thì chùa này do sư cô có pháp danh Huệ Liên xây dựng lên. Sư cô Huệ Liên trước tu ở chùa khác tại Cali, nhưng sau về Daytona. Thấy nhiều Phật tử người Việt nơi đây chưa có nơi sinh hoạt thờ phụng Phật nên cô đã đứng ra quyên góp để mở chùa. Với kinh phí ban đầu có hạn, sư cô chỉ mua được căn nhà cũ và tạm đặt chùa tại đây. Tuy chưa mang dáng dấp ngôi chùa như ở Việt Nam nhưng ngôi chùa cũng hình thành với đầy đủ các phòng như Chánh Điện, Trai phòng, Tăng đường… cùng các bày trí bàn thờ Phật tổ y hệt như những ngôi chùa ở Việt Nam. Cô Hai chỉ cho chúng tôi những thùng đồ do các Phật tử tự quyên góp để ủng hộ quê nhà đang lũ lụt: “Ở đây tuy bận công việc nhưng chúng tôi vẫn luôn theo dõi tin tức quê nhà. Mỗi lần có thiên tai, mọi người lại tự quyên góp để gửi về”, cô Hai nói thêm.  

Gặp gỡ cộng đồng Việt những ngày cuối năm, tôi lại thấy không khí khác biệt so với nhiều cộng đồng khác, đó là bận rộn chuẩn bị cho mùa Tết. Sự chuẩn bị không chỉ cho bản thân gia đình mà còn cho cả những người thân cách nửa bán cầu khi người thì lo mua hàng để gửi về, người thì chuẩn bị quà cáp cho chuyến về quê ăn Tết năm nay.       

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.