Niềm tin có nhầm chỗ?...

Niềm tin có nhầm chỗ?...
TP - Phiên xét xử đại án siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chưa đến hồi kết thúc nhưng những gì những bị cáo và đại diện các ngân hàng, doanh nghiệp đưa ra tại tòa cho thấy một thực tế rất đáng lo ngại: Người gửi tiền có thể mất trắng tiền nếu không biết tự bảo vệ tài khoản của mình.

Chuyện lạ lùng này xảy ra được, trong một câu chuyện rõ như ban ngày khi người dân, doanh nghiệp mang tiền đến gửi ngân hàng. Nhưng ít lâu sau đó, ngân hàng lắc đầu, “phủi tay” cho rằng tiền chưa được chuyển vào ngân hàng. Người nhận tiền là trưởng phòng giao dịch đã làm giả hồ sơ, con dấu của ngân hàng để chiếm đoạt tiền.

Tranh cãi cứ vòng vo, nhưng những bí mật người dân cả nước cần biết nhất là hơn 4.000 tỷ đồng mà các cá nhân, tổ chức gửi vào Vietinbank trước đây không được trả lời một cách rõ ràng. Số tiền này hiện đang ở đâu? Nếu tiền không vào ngân hàng thì chảy đi đâu? Còn nếu tiền đã được chuyển vào Vietinbank rồi vì sao lại “bốc hơi” ra bên ngoài một cách dễ dàng như vậy. Để xảy ra câu chuyện Huyền Như chiếm đoạt tiền của khách ngon ơ như thế, trách nhiệm của Vietinbank đến đâu...

Hàng loạt câu hỏi thẳng và mở được đặt ra. Hàng triệu người dân có tiền trên cả nước nín thở chờ đợi câu trả lời có lý có tình của Vietinbank. Nhưng rồi không một cam kết, lời hứa nào được đưa ra dù ai cũng biết chỉ một lời tuyên bố có trách nhiệm với số tiền đã bị đánh cắp sẽ giúp Vietinbank, một trong những ngôi sao sáng tốp đầu trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam, trường tồn với lòng tin tuyệt đối của người gửi tiền.

Thế nhưng, khi vụ án xảy ra thì người dân có tiền gửi ngân hàng mới ngã ngửa khi biết rằng họ hoàn toàn có thể mất trắng số tiền mà họ gom góp, chắt chiu trong nhiều năm tháng nếu gửi vào ngân hàng với niềm tin là sẽ được bảo toàn và sinh lời.

Tại phiên tòa, đại diện Vietinbank cùng Huyền Như đều khẳng định khách hàng có trách nhiệm tự quản lý tài khoản của mình tại Vietinbank.

Người gửi tiền sẽ chịu chết với “độc chiêu” này của Vietinbank khi không biết dựa vào đâu để mà quản lý tài khoản, khi tiền của mình đã giao cho người đại diện của ngân hàng nắm giữ.

Việc yêu cầu khách tự quản lý tài khoản cũng là lời thách thức khó hơn “lên trời” khi người dân gửi tiền có ai được xộc vào hệ thống trung tâm của ngân hàng để kiểm tra tiền của mình đã được gửi vào két của ngân hàng hay chưa.

Cũng chắc đến 100% rằng chả ai có đầy đủ số điện thoại của Chủ tịch, Tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh, trưởng phòng giao dịch của ngân hàng để kiểm tra, xác minh lại, sau khi gửi tiền, rằng tiền đưa cho nhân viên ngân hàng có được ghi nhận là giao dịch hợp pháp, không bị “giao trứng cho ác” hoặc rằng, nhân viên ngân hàng không chủ tâm lừa khách gửi tiền.

Lời cảnh báo về sự sụp đổ lòng tin, về việc người dân rút tiền khỏi ngân hàng vì tiền lệ xấu được luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) đưa ra hoàn toàn có cơ sở khi niềm tin vào ngân hàng của người dân bị lung lay. Khi đó người dân chỉ còn cách giữ chặt tiền trong nhà hoặc mua vàng chôn dưới gầm giường thay vì để những đồng tiền liền khúc ruột, bị mất trắng vì những lý lẽ không đâu.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.