Nợ 7.000 tỷ đồng, trách nhiệm bộ trưởng LĐ-TB&XH đến đâu?

TP - Chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền về tình trạng nợ đọng BHXH lên tới 7 nghìn tỷ đồng, ĐBQH cho rằng, quyền lợi chính đáng của người lao động đang bị xâm phạm bởi sự chây ỳ của các chủ doanh nghiệp.

Nội thất nghiệp - Ngoại tràn lan


Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) cho biết, người lao động khi lĩnh lương thì coi như đã đóng xong bảo hiểm xã hội (BHXH), nhưng người lao động không được hưởng vì chủ doanh nghiệp chây ỳ chưa đóng bảo hiểm, tại sao người lao động bị bắt làm con tin như vậy? “Dự thảo sửa Luật BHXH có khắc phục được tình trạng này hay không?” - ông Tùng chất vấn.

 ĐB Nguyễn Văn Thịnh (Hưng Yên) chất vấn: “Khi biết được các doanh nghiệp nợ bảo hiểm đến 7 nghìn tỷ, tức là ta đã biết được những đơn vị nào phải đóng bảo hiểm nhưng họ chưa đóng. Trách nhiệm của Bộ trưởng để xảy ra tình trạng này như thế nào?”.  

Bộ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, nợ bảo hiểm trước hết do chủ sử dụng lao động không nghiêm; mức xử phạt còn nhẹ, tâm lý thà nợ còn hơn đi vay ngân hàng. Ngoài ra, do tổ chức công đoàn ở các địa phương chưa phản ánh kịp thời. Đề nghị các địa phương phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. “Khi biết doanh nghiệp chây ỳ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng để xử lý sớm được vấn đề” - bà Chuyền cho biết.

Nợ 7.000 tỷ đồng, trách nhiệm bộ trưởng LĐ-TB&XH đến đâu? ảnh 1 Đại biểu Đỗ Thị Hoàng.
Về ý kiến đại biểu Thịnh, bà Chuyền nói, Bộ chỉ phát hiện một số trường hợp nợ, trốn bảo hiểm, trong tổng số hơn 700.000 doanh nghiệp, và chắc chắn vẫn còn những đơn vị như vậy. “Tôi nghĩ các địa phương phải cùng với cơ quan quản lý nhà nước đi kiểm tra thì mới phát hiện được” - bà Chuyền cho hay.

“Đáng chú ý là tỷ lệ người lao động không có trình độ chuyên môn cao, có cả những trường hợp vi phạm pháp luật của nước sở tại nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau"

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng

Gửi tới Bộ trưởng mối quan tâm lo ngại của cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ, ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho biết: Trong khi hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm, lại có tình trạng lao động nước ngoài không phép tiếp tục gia tăng. “Đáng chú ý là tỷ lệ người lao động không có trình độ chuyên môn cao, có cả những trường hợp vi phạm pháp luật của nước sở tại nhập cảnh vào Việt Nam theo nhiều con đường khác nhau, kể cả đường mòn lối mở, chưa quản lý được?” – ĐB Hoàng hỏi.
Nợ 7.000 tỷ đồng, trách nhiệm bộ trưởng LĐ-TB&XH đến đâu? ảnh 2 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền luận giải, Chính phủ có quy định rất rõ đối tượng được vào lao động ở Việt Nam là những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phù hợp yêu cầu công việc. Nhưng thực chất có lao động không có chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn có một số doanh nghiệp sử dụng được. Số này phần đông là đi theo con đường du lịch và họ chỉ tham gia được giai đoạn đầu, tức là giai đoạn đầu tư xây dựng, phần đông là lao động Trung Quốc. “Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội đã nêu rõ, tổng số lao động nước ngoài vào Việt Nam là 78.000, phần đông là lao động kỹ thuật, còn lao động không có chuyên môn phần đông số ấy là của Trung Quốc”- bà Chuyền nói.

 

“Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội đã nêu rõ, tổng số lao động nước ngoài vào Việt Nam là 78.000, phần đông là lao động kỹ thuật, còn lao động không có chuyên môn phần đông số ấy là của Trung Quốc”

 Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền

Theo bà Chuyền, Bộ đã phối hợp với ngành công an để thực hiện việc kiểm tra các đối tượng này và phát hiện những đối tượng khai gian để xử lý, trục xuất theo đúng quy định. “Chúng ta cũng phải giữ một nguyên tắc là chỉ đồng ý cho lao động chuyên môn, kỹ thuật vào mà ta không có, hoặc các chuyên gia mà chúng ta chưa đáp ứng được thôi” – bà Chuyền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, việc người lao động đó có vào được hay không thì ngành công an thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh. Ngoài ra có trách nhiệm của chính quyền địa phương quyết định cho phép lao động ấy có được vào địa phương của mình trên cơ sở các dự án cụ thể tại địa phương hay không và quản lý trực tiếp những đối tượng lao động này, nhất là quản lý tạm vắng, tạm trú.

Tăng lương - không đủ “làm mát” người lao động

ĐB Phạm Tất Thắng (Long An) cho rằng, chính sách tiền lương vẫn không đáp ứng được vấn đề căn bản là đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người lao động. “Tuy ngân sách sẽ phải cân đối thêm khoản hơn 10.000 tỷ đồng nhưng làn gió mới này không đủ làm mát cuộc sống của người lao động trong giai đoạn khó khăn hiện nay” - ĐB Thắng nói. 

Chia sẻ với tâm tư đại biểu, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận tiền lương hiện nay so với yêu cầu mức sống tối thiểu mới đạt trên 60%”. Nâng lương đợt này cũng chưa thỏa đáng, dù phải dành ra 11.000 tỷ đồng. Theo lộ trình 2015 - 2016, tiền lương cũng phải đảm bảo mức sống tối thiểu, nhưng do kinh tế và khả năng ngân sách khó khăn nên phải đi từng bước. “Qua 2 lần trình, Trung ương đã thảo luận và thấy rằng trước mắt phải giãn lộ trình, và chưa đạt tới lộ trình tiền lương phải đảm bảo mức sống tối thiểu” - bà Chuyền cho hay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Việc người Việt Nam làm được thì không để nước ngoài làm

Chốt phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Cần hạn chế tối đa tình trạng chậm đóng bảo hiểm và nợ bảo hiểm. Những vi phạm trong lĩnh vực này bộ cần kiến nghị xử lý kiên quyết. Quốc hội yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý chặt chẽ người lao động nước ngoài đến Việt Nam, vừa tạo cơ chế thuận lợi nhưng phải chặt chẽ, đúng quy định, phù hợp với yêu cầu, ưu tiên giải quyết việc làm trong nước. “Những công việc lao động trong nước có thể làm được thì không để lao động nước ngoài vào làm. Lao động chuyên nghiệp, thường xuyên, lâu dài phải là người Việt Nam“ – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Hồng Phúc (ghi)

Tìm liệt sỹ hy sinh ở Gạc Ma

Chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vấn đề tìm, quy tập hài cốt liệt sỹ, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng đặt vấn đề: Bộ có chủ trương tìm hài cốt liệt sỹ của chúng ta hy sinh ở Gạc Ma,  đang nằm trong tàu 604 hay không? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đã là liệt sĩ thì ở đâu cũng phải tìm. Tùy vào vị trí ở đâu sẽ có sự phối hợp giữa các cơ quan để tìm.


MỚI - NÓNG