Nỗi đau của gia đình 3 chị em gái đuối nước

Nơi 3 chị em Kim Anh đuối nước. Ảnh: L.H
Nơi 3 chị em Kim Anh đuối nước. Ảnh: L.H
TP - Trong lúc bố mẹ lên rẫy, 3 chị em Kim Anh (8 tuổi), Thanh Trúc (6 tuổi), Tường Vi (5 tuổi) ở nhà chăm bà nội bị bại liệt và bác ruột bị dị tật bẩm sinh. Nỗi đau như cào xé cả thôn Tam An khi cả 3 chị em Kim Anh níu nhau trượt chân rơi xuống hồ...

Con chìm dưới lòng hồ do bố thuê đào

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Nông Văn Công (31 tuổi) và chị Nông Thị Trầm (28 tuổi) ở thôn Tam An, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) suốt mấy ngày qua chìm đắm trong nước mắt. Tiếng khóc than của người thân, mùi nhang trầm tỏa nghi ngút. Tang thương trùm lên thôn nghèo. Ai cũng bàng hoàng trước cái chết cùng lúc của cả 3 chị em gái Nông Thị Kim Anh, Nông Thị Thanh Trúc và Nông Thị Tường Vi.

Như thường ngày, từ mờ sáng ngày 1/7, vợ chồng anh Công khăn gói vào rẫy. Trước khi đi làm, anh chị căn dặn đàn con nhỏ ở nhà chơi ngoan ngoãn , chú ý chăm sóc bà nội và bác ruột. Nhưng cả 3 đứa bé ham chơi, quên lời dặn của ba mẹ lúc nào không hay. “Chúng còn quá ít tuổi để hiểu mọi chuyện. Dặn ở nhà không được đi đâu, chúng lại chạy ra ngoài hồ chơi. Đến lúc phát hiện ra thì đã quá muộn”, ông Nông Văn Mến (43 tuổi - bác ruột của các cháu) nghẹn ngào.

Đến 10 giờ 30, vợ chồng anh Công đi làm về, dọn cơm, gọi lũ trẻ nhưng không thấy chúng đâu. Anh chị lo lắng nhờ nhiều người cùng tỏa đi tìm. Đến 15 giờ cùng ngày, bên hồ nước trước nhà, cách nhà chỉ hơn 20 mét, anh Công hoảng hốt phát hiện thi thể đứa con gái út nổi lên mặt nước từ bao giờ. Nghe tri hô, 2 người khác  vội nhảy xuống hồ lặn sâu, mò vớt được thi thể của hai cháu gái còn lại, đưa vào nhà làm lễ và an táng tại nghĩa trang xã sau một ngày. “Lúc tôi đến nơi, vợ chồng Công khóc ngất lịm bên thi thể cháu út. Tôi và một người khác lập tức lao xuống hồ tìm kiếm. Mãi hơn 30 phút sau mới vớt được thi thể hai cháu còn lại”, ông Nông Văn Vương (44 tuổi – anh trai ông Mến), kể lại.

Hồ nước mà 3 chị em Kim Anh rơi xuống do anh Công thuê người đào. Hồ rộng khoảng 10m2, sâu từ 4 đến 5 mét. “Năm vừa rồi chú Công mới thuê người nạo vét cho hồ sâu hơn, tích trữ được nhiều nước hơn để tưới cà phê vào mùa khô. Hồ nhỏ, nhưng sâu. Người lớn rơi xuống mà không biết bơi cũng khó qua được, huống hồ trẻ con”, ông Vương đau xót cho biết.

Đã nghèo, lại thêm khổ

Nỗi đau của gia đình 3 chị em gái đuối nước ảnh 1

Anh Công (giữa) và người thân đau đớn trước sự ra đi của 3 chị em Kim Anh

Khi chúng tôi tới nhà anh Công, cả 3 cháu đã được an táng nhưng người đến viếng thăm ra vào không ngớt. Trong nhà, tiếng thầy cúng í ới gọi hồn, tiếng khóc than của người thân bên bàn thờ làm cho không khí càng não nề hơn. Bà nội các cháu bị bại liệt nhiều năm nay vẫn nằm đó với ánh mắt thất thần nhìn trần nhà.

Nỗi đau lan cả sang những người hàng xóm. “Gia đình chú Công thân thiện, gần gũi. Khi ai có việc vui, buồn chú đều tham gia, giúp đỡ rất nhiệt tình. Mới ngày hôm kia, cả 3 cháu còn kéo sang nhà tôi chơi, ăn trái cây. Các cháu bảo được nghỉ hè nên ở nhà chăm bà và bác, không được đi chơi đâu xa. Ngày hôm qua, nghe tin cả 3 cháu cùng bị đuối nước, chúng tôi không ai cầm được nước mắt”, chị Ngô Thị Phương (23 tuổi) ngậm ngùi chia sẻ.

Cả dòng họ anh Công đi kinh tế mới từ năm 1989. Gia đình có 6 anh em, Công là con út, năm 2005 lấy vợ là chị Trầm, sinh được ba cô con gái kháu khỉnh. Vợ chồng anh sống chung với mẹ và anh ruột bị dị tật bẩm sinh. Bố anh Công mất năm 1991. Hơn chục năm trước, mẹ anh Công là bà Nông Thị Hà bị tai biến, liệt nửa người. “Nhà nghèo, chúng tôi không đưa mẹ lên bệnh viện tuyến trên chữa trị được”, ông Mến nói.

Ông Lê Văn Thức, trưởng thôn Tam An cho biết, ngay sau khi vụ việc đau lòng xảy ra, chính quyền địa phương đã giúp đỡ gia đình tổ chức tang lễ cho 3 bé gái xấu số theo đúng nghi thức của đồng bào Nùng. UBND xã đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình 5 triệu đồng tiền mai táng. Nhiều tổ chức, cơ quan đoàn thể cũng đến viếng thăm. Gia đình anh Công thuộc diện hộ nghèo đã 4 năm nay, gia cảnh đặc biệt khó khăn.

MỚI - NÓNG