Hà Nội:

Nông nghiệp công nghệ cao: Tiền tỷ tiêu tan

Nông nghiệp công nghệ cao: Tiền tỷ tiêu tan
TP - Nông nghiệp đô thị, công nghệ cao là hướng đi tất yếu của một thành phố lớn như thủ đô Hà Nội. Hàng chục tỷ đồng ngân sách được đổ ra để triển khai các dự án này. Tuy nhiên, do cách làm thiếu quy hoạch dài hạn, bài bản, các dự án đang trong cảnh chờ chết.

Ngày 10/10/2004, nhiều quan chức thành phố vui mừng đến khánh thành khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của thành phố trên địa bàn huyện Từ Liêm. Dự án do Trung tâm Kỹ thuật Rau hoa quả, nay chuyển thành Cty TNHH Nhà nước Một thành viên Đầu tư & Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO) thực hiện.

Ngày đi vào hoạt động, dự án được quảng bá là mô hình điểm của Hà Nội trong phát triển nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư lên tới gần 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố đầu tư hơn 10 tỷ đồng để làm hạ tầng. Tám tỷ đồng còn lại do Cty tự bỏ ra để nhập nguyên bộ khu nhà kính rộng 8.000 m2 từ Israel.

Trong nhà kính là hệ thống máy cảm biến thu nhận thông số như nhiệt độ, ánh sáng, nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và báo về hệ thống máy chủ. Sau đó, hệ thống máy chủ tiến hành phân tích số liệu và quyết định việc tưới và chăm sóc cho cây trồng hoàn toàn tự động.

Chủ đầu tư khẳng định, năng suất các loại cây trồng trong khu nông nghiệp công nghệ cao gấp cả chục lần năng suất trung bình của nông dân Việt Nam. Một héc ta cà chua có thể cho sản lượng 250 - 300 tấn/năm, ớt ngọt 200 tấn/năm. Cánh đồng công nghệ cao sẽ cho doanh thu hai tỷ đồng/ha/năm, chứ không phải là cánh đồng 50 triệu đồng/ha mà Bộ NN&PTNT từng phát động.

Thế nhưng, sau năm năm, khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của Hà Nội sắp trở thành phế tích. Hàng loạt khu đô thị mọc lên xung quanh khu nông nghiệp công nghệ cao, biến nơi đây thành vùng trũng, cứ mưa là ngập, úng.

8.000 m2 nhà kính giờ chỉ còn phần khung, hệ thống lưới bên ngoài nhiều chỗ đã rách. Đặc biệt, hệ thống máy cảm biến, máy chủ lúc hoạt động, lúc không. Cà chua, ớt ngọt, hoa trước đây được trồng trong các giá thể. Nhưng, hôm chúng tôi có mặt, trong nhà kính là một bãi chiến trường tan hoang. Trên những luống đất vừa ngập nước, lầy lội bùn là những bãi rau muống, rau dền chen lấn cùng cỏ dại.

Không ai có thể tưởng tượng đây từng là một khu công nghệ cao hiện đại bậc nhất Việt Nam mà hàng trăm đoàn tham quan trong cả nước từng đến để học tập kinh nghiệm.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Phan Minh Nguyệt - Chủ tịch - Tổng Giám đốc HADICO, cho biết, thành phố đã có quyết định di chuyển khu này sang xã Tây Tựu để dành đất làm khu đô thị. Công việc của cán bộ Cty hiện tại là lo di chuyển khu nhà kính để trả đất cho chủ đầu tư mới.

“Nếu di chuyển thì phần khung, thiết bị có thể mang theo, nhưng phần lưới, kính thì khó giữ được”- Ông Nguyệt nói. 

Nhà máy 10 tỷ đồng đắp chiếu

HADICO cũng được thành phố Hà Nội tin tưởng giao xây dựng các lò mổ tập trung. Cuối tháng 6/2007, dây chuyền giết mổ khá hiện đại do HADICO đầu tư lên tới 11 tỷ đồng tại xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, chính thức đi vào hoạt động. Công suất giết mổ của dây chuyền là 700 con gia cầm/giờ.

Tới khánh thành và gắn biển công trình chào mừng ngày thành lập Công đoàn Việt Nam của Cty, nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Lê Quý Đôn từng nhấn mạnh, đây là một mô hình mẫu cần nhân rộng, để tiến tới hoàn thiện hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố.

Sau ngày khai trương rầm rộ, dây chuyền giết mổ hoạt động hết công suất để lấy gà tặng đại biểu, giờ đây ngừng hoạt động.

Nông nghiệp công nghệ cao: Tiền tỷ tiêu tan ảnh 1
Rau dền, cỏ dại chen nhau trong khu nông nghiệp công nghệ cao.  Ảnh: Hà Nhân

Sáng 12/8, khi tôi trở lại nhà máy, không thấy một bóng công nhân. Ngoài cổng nhà máy là ba nhân viên bảo vệ đồng phục chỉnh tề. Tôi nói muốn vào quan sát và chụp ảnh bên trong, một nhân viên bảo vệ trừng mắt: “Nhà máy dừng hoạt động rồi. Không chụp chiếc gì hết. Muốn chụp ảnh thì phải xin phép lãnh đạo Cty”.

Ngày 12/8, làm việc với Tiền Phong, ông Phan Minh Nguyệt thừa nhận: “Nhà máy giết mổ đã chính thức đóng cửa”. Lý do đưa ra là không có khách hàng.

Bên ngoài, giết mổ một con gà chỉ mất 2.000 đồng. Nếu đưa gà vào giết mổ tập trung trong nhà máy thì chi phí phải 5.000 đồng, gồm tiền kiểm dịch, khấu hao dây chuyền. Sản phẩm gà sạch giết mổ trong nhà máy cũng không thể tiêu thụ nổi, do không cạnh tranh được với các lò mổ di động tồn tại công khai khắp các ngõ phố nội thành.

Ông Nguyệt cho hay, Cty chỉ còn cách bảo vệ nhà máy để chờ thời điểm thành phố xây dựng thêm những lò mổ tập trung khác. Khi đáp ứng đủ toàn bộ nhu cầu thịt sạch của thị trường, thành phố mới có thể cấm tất cả các lò mổ không đảm bảo vệ sinh, buộc phải sử dụng gia cầm giết mổ tập trung.

Thời điểm ông Nguyệt mong chờ chưa biết bao giờ đến, bởi hàng loạt các dự án xây dựng nhà máy giết mổ tập trung của thành phố Hà Nội sau mở rộng vẫn chỉ trên giấy.

Đã gần hai năm, nhà máy giết mổ tập trung trị giá hơn 10 tỷ đồng phải đắp chiếu và chắc tình trạng này sẽ còn kéo dài trong vài năm nữa. Chỉ tính riêng tiền lãi ngân hàng mà HADICO phải trả cho khoản tiền hơn 10 tỷ đồng đầu tư nhà máy, cũng lên tới cả trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Nguyệt khẳng định, Cty cân đối được. Cty sẽ lấy nguồn thu từ các dự án khác để bù vào. Điều đáng nói là nhà máy giết mổ này hiện cũng nằm trong khu dân cư, nên ông Nguyệt dự tính, năm bảy năm nữa có lẽ cũng phải di chuyển.

Thật không thể hiểu các cơ quan chuyên môn của Hà Nội tính toán quy hoạch ra sao khi quyết định đầu tư những dự án này. 

MỚI - NÓNG