Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3:

Nữ kiệt phương Nam làm 'quan' đất xứ Đông

Nữ kiệt phương Nam làm 'quan' đất xứ Đông
TP - Năm 2002, một nữ kiệt phương Nam, quê gốc Bến Tre về xứ Đông (Hải Dương) làm “quan” đầu tỉnh. Dẫu bây giờ người nữ Bí thư Tỉnh ủy ấy đã được điều về Trung ương làm Bộ trưởng, nhưng nhiều người dân xứ Đông chưa thể quên hình ảnh của bà.
Nữ kiệt phương Nam làm 'quan' đất xứ Đông ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân

Đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng thường trực Bộ Tài chính, tháng 9 năm 2002, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Đây là người phụ nữ duy nhất trong cả nước vào thời điểm đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, và còn là người phụ nữ độc nhất nắm quyền điều hành cao nhất  tỉnh Hải Dương kể từ trước đến nay.

Bởi thế, người Hải Dương từ trí thức đến nông dân, tiểu thương... đều hồi hộp. Người ta ngồi trước máy thu hình, tìm mua báo chí địa phương để xem diện mạo hình ảnh người lãnh đạo mới. Rồi những lời bàn tán, bình phẩm với đủ những vẻ hoài nghi, tin tưởng, đợi chờ.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Người mẹ từng là cơ sở bí mật cách mạng, người cha thoát ly gia đình, hoạt động trên vùng căn cứ (thời ấy gọi tắt là R). Quê bà Ngân ở Bến Tre - một tỉnh có phong trào đồng khởi thời chống Mỹ cứu nước.

Ngay từ khi còn đi học, cô bé Kim Ngân đã giúp mẹ làm công việc mua gom thuốc tân dược, mà sau này cô mới biết mẹ gửi ra căn cứ kháng chiến để chữa trị cho thương binh. Khi Kim Ngân đang học văn khoa năm thứ hai Đại học Sài Gòn thì miền Nam giải phóng, thống nhất Tổ quốc. Cô sinh viên 21 tuổi xinh đẹp dừng học và bắt đầu hoà nhập cuộc sống mới. Cô xin vào làm việc tại ngành Tài chính tỉnh Bến Tre.

Ngày ấy Công ty xổ số có lệ đọc kết quả trúng thưởng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết đến lĩnh thưởng. Kim Ngân có giọng nói ngọt ngào, truyền cảm, lại được thừa hưởng nét dịu dàng, duyên dáng của sinh viên Văn khoa, nên cô được phân công đọc bản tin và nhanh chóng gây ấn tượng trong công chúng.

Ngày ấy người ta còn mời Kim Ngân tham gia dẫn chương trình văn nghệ và cô cũng tạo được cảm tình, niềm yêu mến của nhiều khán giả. Trong thời gian làm việc ở ngành Tài chính, Kim Ngân đã hoàn thành chương trình Đại học Tài chính, làm chuyên viên, Trưởng phòng ngân sách, rồi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Sở.

Thời ấy, Bộ Tài chính cần một Thứ trưởng. Người ta đã phát hiện ra Nguyễn Thị Kim Ngân, nữ lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Bến Tre là người có tố chất của nhà quản lý đầy triển vọng.

Bà được điều động ra Hà Nội nhận chức vụ Thứ trưởng Bộ Tài chính, sau đó trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN khóa IX, Thứ trưởng thường trực của Bộ.

Rồi bà được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Đang sống giữa Thủ đô, mà đối tượng làm việc là các chuyên viên cao cấp, các nhà trí thức, các lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh..., bây giờ về địa phương, đối tượng làm việc của bà đã khác rất nhiều: Người mới, việc mới trên một miền quê xa lạ.

Trước chỉ lãnh đạo một lĩnh vực, nay là lãnh đạo toàn diện trên một vùng đất có 1,7 triệu dân, mà phong tục tập quán có nhiều điểm bà chưa thật rành. Đã có nhiều người thân quen lo lắng cho bà, rằng thân gái sao có thể chịu đựng sự khắc nghiệt công việc của vị lãnh đạo đầu tỉnh xứ người?

Cũng có người chúc mừng. Và dù mừng hay lo, tất cả mọi người đều có niềm tin nơi bà. Đấy là sự cổ vũ, là sức mạnh tinh thần đối với bà từ buổi ban đầu. Bà sợ nhất là mất lòng tin của nhân dân đã dành cho mình.

Với cương vị mới, bà quyết tâm tiếp cận nhanh với công việc, để nắm chắc và điều hành, chỉ đạo hàng ngày, hàng giờ, đáp ứng yêu cầu mà thực tiễn luôn diễn ra sôi động trên muôn mặt đời sống từ mảnh đất mà bà coi là quê hương thứ hai của mình.

Ngay từ ngày đầu bà đã xây dựng một chương trình công tác đi về cơ sở, để tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nơi bà đến là những địa phương, cơ sở, gia đình hay các đối tượng cần được quan tâm, động viên, cổ vũ, chia sẻ hoặc tháo gỡ khó khăn để tiếp tục vươn lên.

Khi nói về bà, người Hải Dương nhớ ngay đến hình  ảnh người phụ nữ giản dị, đội nón lá, dáng cao, nhanh nhẹn đi trên đường quê, đứng trước ruộng lúa, bên vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hồ hởi  chuyện trò với bà con về chuyện làm ăn.

Người nông dân Hải Dương gọi bà là cô Ngân, chị Ngân, bà Ngân, và cả... em Ngân, tùy mức độ tình cảm và tuổi tác của họ đối với bà. Nhưng có một nét chung nhất, là đều toát lên vẻ gần gũi, thân yêu và quý mến.

Đáp lại tấm lòng đó, bà tâm sự: “Không bao giờ tôi coi mình là người nơi khác về Hải Dương. Tôi tin rằng, tôi sẽ làm được một vài việc gì đó, chứ không ngồi yên trên ghế chờ đến ngày đi...”.

Lần đầu tiên khi mới về Hải Dương, trong một cuộc họp giao nhiệm vụ trước cán bộ, bà đã nói những ý nghĩ chân thành của một con người cầu thị nhưng có niềm tin mãnh liệt. Tình cảm của bà đã được các đồng chí  trong Đảng và sau này đông đảo người dân Hải Dương ủng hộ và chia sẻ.

Bà có trí nhớ rất tốt. Chỉ sau ít ngày về tỉnh, bà đã nhớ hết tên các ủy viên Ban Thường vụ, cán bộ chủ chốt các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện. Nhiều cán bộ cơ sở chỉ phát biểu trong hội nghị một lần, nhưng bà vẫn nhớ cả họ tên và nơi công tác để lần sau gặp lại thì thăm hỏi ân cần.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhận cảm tình của người dân qua tình cảm và những việc làm nhỏ nhất của mình. Hơn thế, bà được nhiều người tin cậy và chia sẻ. Một ông giáo già viết thư cho bà, với tình cảm như một người thầy giáo động viên học trò vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, mặc dầu ông chưa từng dạy bà một tiết học nào.

Một cô nữ sinh trường Cao đẳng Sư phạm cũng viết thư bày tỏ nỗi niềm tâm sự; lại có người nhã ý muốn gửi tặng bà một cành đào vui xuân... Bà rất vui và rất chịu khó đọc thư. Bà đã sớm nhận ra một lý lẽ thật giản đơn rằng cần phải biết, phải hiểu nhiều lĩnh vực, nhiều vấn đề trong cuộc sống. 

Chỉ có thể lãnh đạo đạt kết quả cao khi đáp ứng tốt những nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Và trên thực tế bà đã thể hiện con người có nhiều khát vọng muốn cống hiến khi về đất Hải Dương.

Một vị cán bộ đào tạo nghệ thuật tỉnh kể rằng: Lần ấy ông đến văn phòng mời Bí thư Tỉnh ủy dự đêm ca nhạc báo cáo tốt nghiệp của một khóa học Trung học Thanh nhạc tại nhà hát thành phố. Ông hồi hộp đợi chờ sau khi đặt lời mời.

Theo lẽ thông thường, với cương vị Bí thư Tỉnh uỷ, việc đi xem ca nhạc, lại là xem chương trình báo cáo tốt nghiệp cũng chẳng có gì hệ trọng. Người được mời có thể từ chối bằng nhiều lý do khiến bất cứ ai cũng cảm thấy hài lòng, như: đã hẹn khách, bận duyệt báo cáo v.v... Vả lại,  bà Ngân từng là thứ trưởng thường trực một bộ rất quan trọng, hẳn ở Hà Nội bà thường xuyên được mời xem biểu diễn nghệ thuật của các đoàn quốc tế và những đoàn chuyên nghiệp hàng đầu trong nước ở những nhà hát sang trọng nhất... Nhưng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Ngân lắng nghe chăm chú  rồi  nói nhẹ nhàng:

- Tôi nhất định sẽ đến xem để biết thầy và trò học và hành như thế nào.

Và đúng giờ, khán phòng đêm khai mạc biểu diễn báo cáo tốt nghiệp của học sinh lớp Trung học Thanh nhạc tỉnh Hải Dương hân hoan đón chào Bí thư Tỉnh uỷ đến dự trong không khí đầm ấm.

Sinh năm Giáp Ngọ (1954), mệnh Sa trung kim (vàng trong cát), bà Nguyễn Thị Kim Ngân có phẩm chất của nhà chính khách quyện trong tâm hồn thi sĩ. Tử vi nói rằng, người tuổi Giáp Ngọ gặp dữ hóa lành, bạn bè nhiều, ít nhờ cậy vào anh em ruột thịt.

Đã là người mệnh Kim - vàng trong cát ắt chịu sàng lọc, cọ xát với cát bụi mới nên chất liệu vàng? Có phải như vậy không, mà cuộc đời  bà từng có nhiều xáo trộn.

Cuộc đời trải qua nhiều việc, nhiều nghề, thay đổi nhiều môi trường công tác đã giúp bà có được sự trải nghiệm, lịch lãm, vững bền ý chí.

Người ta là hoa của đất, phụ nữ là hoa do Đấng Thiêng Liêng tạo hoá ban tặng cuộc đời. Họ có bổn phận và quyền được hưởng hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, bà có hoàn cảnh éo le: Cha mẹ ở Bến Tre, chồng ở TP Hồ Chí Minh, con trai ở Khánh Hòa, còn bà ở Hải Dương.

Là người biết nuôi dưỡng niềm tin, lấy công việc là nguồn vui, bà lao vào những ấp ủ, dự định mới. Chính niềm say mê ấy đã khoả lấp những nỗi buồn. Thực ra bà không có thời gian để buồn.

Sau 40 tháng sống và làm việc trên mảnh đất xứ Đông văn hiến và anh hùng (từ tháng 9 năm 2002 đến tháng 1 năm 2006), bà để lại trong lòng người dân quê hương này nhiều kỷ niệm, tình cảm tốt đẹp.

Người ta nhắc tới một nữ Bí thư Tỉnh ủy duyên dáng mà kiên quyết, giàu cá tính và có năng lực tư duy kinh tế. Người ta nhớ tới phần đóng góp của bà trong bước phát triển đi lên của quê hương: Sức sản xuất trên nhiều mặt phát triển mạnh, bộ mặt đô thị, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các khu công nghiệp, khu đô thị được quy hoạch xây dựng văn minh hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt ở mức cao, năm sau cao hơn năm trước. Trên mặt trận nông nghiệp, đã xuất  hiện nhiều cánh đồng đạt 100- 150 triệu đồng/ha gieo trồng.

Nhắc tới bà, nhiều cộng sự ghi nhận đó là một con người cương trực, giàu lòng nhân ái, biết chia sẻ với khó khăn của người khác, biết tập hợp được trí tuệ của mọi người,  đặc biệt trân trọng tài năng của trí thức. Những phẩm chất ấy giúp quy tụ những người có tài có đức cùng chung sức hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều người dân nói về bà bằng những lời yêu mến: Đó là nữ kiệt phương Nam làm “quan” trên đất xứ Đông .

MỚI - NÓNG