Obama và chuyện “nhập gia tùy tục” ở Việt Nam

Ông Obama ăn bún chả, uống bia hơi Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2016.
Ông Obama ăn bún chả, uống bia hơi Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2016.
TPO - Ngày 20/1 vừa qua, ông Obama rời Nhà Trắng, kết thúc 2 nhiệm kỳ làm Tổng thống Mỹ. Có lẽ, trong 8 năm là người đứng đầu nước Mỹ, chuyến thăm Việt Nam tháng 5/2016 để lại nhiều ấn tượng không chỉ với người dân Việt Nam, mà cả với cá nhân ông Obama.

Theo luật Việt Nam…

Trước chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Nhà Trắng đến Việt Nam, truyền thông trong và ngoài nước sôi sục. Xưa nay, mỗi khi Tổng thống Mỹ công du nước ngoài là hàng nghìn người đi theo phục vụ, được trang bị tận răng, kể cả những vũ khí “khủng”. Báo chí đưa tin, sang Việt Nam, ông Obama sẽ mang theo trực thăng hộ tống cùng với siêu xe “quái thú” chuyên dụng. 

Khỏi phải nói, sự kiện Tổng thống Mỹ sang Việt Nam nóng thế nào. Phóng viên báo chí được cử ra các ngả đường ngay khi nhận được thông tin chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ chuẩn bị đáp xuống sân bay Nội Bài. Trong hình dung của 'cánh' phóng viên, nếu may mắn, có chăng sẽ chụp được một đoàn xe hầm hố, bên trên là chiếc trực thăng hộ tống ông Obama. Nhưng suốt những ngày Tổng thống Mỹ ở Việt Nam, không thấy bóng dáng chiếc trực thăng nào cả.

Khoan hãy nói đến những hoạt động của ông Obama trong những ngày ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tháng 8/2016, 3 tháng sau cuộc viếng thăm của Tổng thống Mỹ, tình cờ, trong một phiên thảo luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về Luật Cảnh vệ, câu chuyện đàm phán và tiếp đón ông Obama được đưa ra mổ xẻ. 

Nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi, vì thời điểm Tổng thống Mỹ đến, những thông tin liên quan đến công tác đàm phán, đón tiếp… dường như được coi là bí mật để đảm bảo an toàn. Có đại biểu thẳng thắn đặt vấn đề, với những trường hợp mà các yêu cầu bảo vệ phức tạp hơn trong nước như trường hợp Tổng thống Mỹ thì phải làm thế nào? Bảo vệ theo tiêu chuẩn nước ngoài hay Việt Nam? 

Có người nêu trường hợp, khi có hai lực lượng nước ngoài và trong nước cùng bảo vệ một mục tiêu thì cần có sự phối hợp như thế nào?. “Chúng tôi được biết, dịp Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam, lực lượng cảnh vệ Mỹ rất phức tạp. Cảnh vệ ta quan sát, theo dõi cảnh vệ Mỹ, cảnh vệ Mỹ thì theo dõi, quan sát cảnh vệ ta. Vậy thì nguyên tắc cảnh vệ nước ngoài hoạt động trong nước phải có thông báo như thế nào, phối hợp ra sao, biện pháp thế nào?”, người này đặt câu hỏi. 

Nhiều đại biểu thắc mắc vấn đề hợp tác quốc tế, vừa phải bình đẳng, vừa đối đẳng, nhưng đối đẳng lại tương đối phức tạp. Nhiều khi họ yêu cầu đưa máy bay, xe ô tô riêng để 'cho oai', áp dụng luật của họ ở nước mình thì tính sao? Có khi, họ thể hiện sức mạnh, thể hiện sự hoành tráng, muốn nâng mức quan trọng của đối ngoại… Nhưng, vị này cũng khẳng định, các đoàn khách ngoại giao đến Việt Nam đều cảm nhận được đất nước chúng ta ổn định, bình yên, mến khách và trọng thị, trong đó có sự cố gắng rất lớn của lực lượng công an, cảnh vệ.

Trước hàng chục cặp mắt chờ đợi, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chia sẻ, các hoạt động liên quan đến tiếp đón khách nước ngoài, nguyên tắc chung là phải thực hiện theo luật pháp Việt Nam, các thỏa thuận, công ước, hiệp ước quốc tế đã được ký kết giữa các quốc gia. “Về cơ bản là theo luật pháp nước sở tại”, ông Lâm dõng dạc. 

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, phía Mỹ nhiều lần yêu cầu, nếu qua khảo sát mà không đảm bảo an toàn theo nguyên tắc của Mỹ thì ông Obama sẽ không đến. Ông Lâm kể, phía Việt Nam trả lời rằng, Tổng thống Mỹ là khách của Chính phủ, của nhân dân, đất nước Việt Nam, Việt Nam sẽ đảm bảo an toàn tuyệt đối theo luật Việt Nam, còn tiêu chí an toàn đó có theo luật của Mỹ hay không và Tổng thống Mỹ có đến Việt Nam hay không là do quyết định của ông Obama chứ không phải vì Tổng thống Mỹ đến mà chúng tôi phải chấp hành. 

“Nói chung, theo tôi được biết, Việt Nam là một trong những nước ít tuân theo quy định của phía Mỹ nhất. Trên đất nước mình thì phải theo luật của mình. Mỹ cũng phải chấp hành. Rất nhiều điều kiện họ đưa ra chúng ta không đồng ý như súng ống, chó nghiệp vụ, máy bay trực thăng. Phải theo luật của Việt Nam, nhưng tất nhiên cũng có sự phối hợp”, ông Lâm nói.

Ăn kiểu… Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thì việc đảm bảo an ninh cho ông Obama thuộc về trách nhiệm của phía Việt Nam là chủ yếu. Chẳng thế mà suốt mấy ngày Tổng thống Mỹ ở Việt Nam, an ninh được siết chặt. Thế nhưng, cũng thật lạ, khi người ta thấy hình ảnh Tổng thống Mỹ ung dung ngồi ăn bún chả ở phố Lê Văn Hưu, thoải mái vào quán nước trong cơn mưa tầm tã ở Mễ Trì trò chuyện với người dân bên đường.

Cho đến khi CNN công bố video ông Obama ăn bún chả trong chương trình ẩm thực nổi tiếng, nhiều người mới biết Tổng thống Mỹ sử dụng đũa bằng… tay trái điệu nghệ đến mức nào và ẩm thực Việt Nam thu hút, người dân Việt Nam hiền hòa thế nào. Nhưng, xoay quanh chuyện ông Obama ăn bún chả, vẫn còn nhiều điều... bí ẩn.

Chiều 23/5, ngày thứ hai ông Obama ở Hà Nội, từ một nguồn tin riêng, hai phóng viên Tiền Phong tìm đến quán Bún chả Hương Liên, số 24 Lê Văn Hưu, được cho là nơi Tổng thống Mỹ ăn tối. Lúc chúng tôi đến, một phụ nữ trong đoàn khách ngoại quốc ba bốn lần ra trò chuyện với bà chủ quán tên Liên, rằng tại sao khách hàng lại bỏ đi hết? Do hiểu nhầm hay do sợ hãi? Rằng phải tìm người để khỏa lấp những chỗ trống trong nhà hàng đi chứ? Cuối cùng, bà chủ quán phải mời một số hàng xóm sang. Chính những người này, sau đó dù có vinh hạnh được ngồi ăn cùng tầng với ông Obama, trở thành nghi vấn cho cư dân mạng phán xét “diễn hay không diễn”.

Nhưng sự thực, có 4 “diễn viên” trong vai khách hàng là hai phóng viên Tiền Phong cùng hai đồng nghiệp báo Sài Gòn Giải phóng. Dù “diễn” khéo, nhưng chúng tôi vẫn nằm dưới sự theo dõi, quan sát của 4 đặc vụ “đô con” ngồi bàn bên cạnh. Hơi lạ, bởi họ như những thực khách, trò chuyện rất tự nhiên, đều dùng đũa để ăn… bún chả kèm rau sống. Liệu có hay không một chỉ đạo dạng như “Tất cả hôm nay  dùng đũa như người Việt nhé?”.

Bữa ăn bún chả của ông Obama với đầu bếp Anthony Bourdain có lẽ đã được truyền tải đến hàng triệu người trên khắp thế giới. Để đến bây giờ, quán bún chả Hương Liên được người dân quen gọi thành quán bún chả Obama, có suất “combo” mang tên Tổng thống Mỹ, gồm tất cả những gì như ông đã dùng ở đây. Nhiều du khách quốc tế đến Hà Nội cũng phải thử bằng được món bún chả Obama trước khi về nước. 

Từ ngày ông Obama ăn ở đây, hầu như ngày nào quán bún cũng “cháy hàng”. Nhiều người xếp hàng cũng không có cơ hội. Nhưng, vẫn có nhiều người nghi ngờ, đường đường một Tổng thống Mỹ lại đi ăn bún rối, chả nướng của quán Hương Liên, uống bia Hà Nội hay sao?. Hay bún và chả đã được chuẩn bị từ nguyên liệu khác. 

Cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi nhưng trước thời gian Tổng thống Mỹ đến quán, lực lượng chuyên môn của Mỹ đã chuẩn bị rất chu đáo và không ai được phép lên phòng ăn của Tổng thống cũng như vào bếp. Cũng chỉ một nhân viên an ninh được phép kiểm tra thức ăn của Tổng thống Mỹ trước khi dùng bữa. 

Nhưng, theo chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, người phục vụ của quán được phép mang đồ ăn lên tầng cho Tổng thống Mỹ kể lại, thì ông Obama ăn nem cua bể, uống bia Hà Nội và dùng đũa, bát của chính nhà hàng… Thêm một chi tiết nữa, bà chủ quán vẫn lấy đủ tiền 40.000 đồng/suất và ông Obama còn mua thêm 4 suất để mang về.

Trước lúc rời Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh (chiều 24/5), ông Obama còn “mất tích” gần một tiếng đồng hồ đội mưa ra đường ngồi quán trà đá, thăm hỏi trò chuyện với bà con, mua cốm ở Mễ Trì. Rất tiếc, khi vào TP Hồ Chí Minh, ông không kịp ngồi vỉa hè uống cà phê sữa đá như mong muốn. Nhưng, có lẽ, bún chả Hương Liên, cốm xanh Mễ Trì, trà đá vỉa hè, bia Hà Nội đã đủ để ông Obama nếm đủ cung bậc cảm xúc ăn uống phong cách… Việt Nam. Đó có lẽ cùng là một yếu tố để sau này, khi nhắc lại chuyến thăm Việt Nam, ông Obama cho biết: “Sự thân thiện của người Việt Nam đã chạm đến trái tim tôi".

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.