Ông bà đi học chữ

Bà Nguyễn Thị Hai được cháu ngoại kèm đọc bài cũ.
Bà Nguyễn Thị Hai được cháu ngoại kèm đọc bài cũ.
TP - Sau một ngày lặn ngụp bắt tôm cá, cua, sò… ngoài bãi bồi ven biển cuối đất phương Nam, chiều muộn, bà con lật cuốn tập, kẹp cây viết kéo nhau đến trụ sở ấp Gò Công, xã Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) học chữ.

Lớp học do Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái tổ chức, nhằm xóa mù chữ cho những người đã “lên chức” ông, bà, cha mẹ.

Không để ý đến khách lạ đến thăm lớp, bà Nguyễn Thị Hai (60 tuổi) cặm cụi ôn bài cũ. Đứa cháu trai ngồi bên cạnh, chăm chú dõi theo và thi thoảng nhắc bài cho ngoại. Cả hai cùng chạy đua với thời gian để bà kịp trả bài.

“Học thuộc ở nhà rồi, đến lớp lại quên, lên trả bài khớp”- bà Hai cười hiền, để lộ hàm răng trắng ngà, có những chiếc đã rơi rụng. Nguyễn Minh Đang, 12 tuổi, cháu trai của bà Hai học xong lớp 5, hè này quanh quẩn ở nhà theo bà bắt ốc mò cua và kèm bà ngoại học chữ.

Bà Hai khoe: “Tôi học được gần 2 tháng rồi, chỉ nghỉ một ngày, về quê cúng cơm ông già. Cố học cho biết đọc để biết đường đi đây đi đó”.

Bà ngoại đi học

Bà Hai quê ở Hưng Phú (Phước Long, Bạc Liêu) cùng chồng và 5 đứa con phiêu bạt kiếm sống rồi dừng lại ở ven biển Bãi Bồi Cà Mau. Cũng như bao nhiêu hộ dân khác, gia đình bà Hai được cấp căn nhà tái định cư ngay cửa Gò Công, nơi con sông Bảy Háp đổ ra biển. Cách nay 2 năm, chồng bà qua đời vì bệnh tật, bà sống với người con trai út.

Quanh năm suốt tháng bà lặn lội bắt ốc, mò cua không chú ý chuyện học hành. Cho đến khi đi nuôi chồng ở bệnh viện, bà gặp rất nhiều trở ngại, nên khi hội phụ nữ xã mở lớp là bà sắp xếp theo học ngay. “Mò cua, bắt cá không cần biết chữ, nhưng khi có việc đi xa, phải biết chữ mới được”- bà nói. Rồi bà kể: “Lần nuôi chồng bệnh, người ta kêu đến phòng số mấy để mua thuốc, phải nhờ người dẫn, khổ thiệt”.

Bà Rum Sà Oanh, 54 tuổi, đeo kính lão dày cộm, nắn nót từng nét chữ một cách khó nhọc. Những trang viết của bà được trình bày song ngữ Việt - Khmer. Chị Lê Việt Tiên - Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Gò Công, người trực tiếp đứng lớp, giới thiệu: “Bà Rum Sà Oanh là người Khmer nên học chữ Việt khó cả đọc lẫn viết”.

Bà Oanh sinh ra ở Kô - Kông (Campuchia) có chồng quê ở Ba Tri (Bến Tre). Ông Hia, chồng bà Oanh, là bộ đội tình nguyện Việt Nam tham gia giải phóng Campuchia vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Ông bà gặp nhau rồi nên duyên chồng vợ. “Tôi theo chồng về Bến Tre sống vài năm, rồi dắt nhau về đây sống được hơn 24 năm rồi”.

Vợ chồng bà Oanh có 4 người con đã lớn, tất cả đều quẩn quanh Bãi Bồi kiếm sống. Mấy năm nay, bà không đi biển nữa, ở nhà nuôi vài con heo, còn chồng chạy xe ôm. “Sống ở Việt Nam mà không biết chữ Việt khó lắm. Tôi chỉ nói chuyện được, còn chữ viết thì không đọc được, phải cố học cho biết”- bà tâm tình.

Lớp học đặc biệt

Chị Đào Thị Thanh An-Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nguyễn Việt Khái, tiết lộ: “Khi giảng lớp học, tôi đem theo bọc bánh kẹo dụ trẻ em. Các cháu đòi đến lớp để ăn bánh kẹo thì chị em phụ nữ mới đi đến lớp học chữ. Đây là khóa thứ hai dạy chữ cho người lớn tuổi, không chỉ phụ nữ mà có cả đàn ông theo học”. Lớp học diễn ra vào chiều thứ 2, 4 và 6 hàng tuần, do hai cán bộ phụ nữ ấp Gò Công thay phiên nhau giảng dạy với sự trợ giúp về chuyên môn của chủ tịch hội phụ nữ xã, một cựu giáo viên, từng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm.

Chị Đoàn Thế Đẹp - Chi hội phó Phụ nữ ấp Gò Công, là một trong hai người trực tiếp đứng lớp, kể: “Khi mới khai giảng, nhiều người chê là lớp học đàn bà. Nhưng nay đã có 4 người đàn ông xin học, chăm chỉ lắm”. Anh Nguyễn Vũ Bằng (36 tuổi), một học viên “điểm danh”: Hôm nay hai trong bốn người đàn ông của lớp học vắng mặt do đi biển chưa kịp về, đó là anh Danh Hải, Huỳnh Tươi. “Nhưng không sao, nhà anh em ở gần, chép bài sau, ráng học cũng theo kịp”- anh Bằng nói. Còn anh Nguyễn Văn Dụ (34 tuổi) tâm sự: “Năm ngoái, vợ tôi học khóa đầu, biết chữ rồi, năm nay ở nhà giữ con cho tôi đi học”.

Chị An cho biết lớp dạy chữ phải lệ thuộc vào con nước vì bà con ở đây sống bằng nghề đi biển nên việc đến lớp cũng gặp nhiều trở ngại. “Năm ngoái, khi khóa học đầu tiên khai giảng, có 27 người theo học, đến cuối khóa còn 5 người học, biết chữ. Năm nay, khai giảng có 25 người theo học thì nay còn 22 người do bà con đi làm xa, phải bỏ học giữa chừng”- chị cho hay. Cũng có người rất đam mê học, năm ngoái đã học và năm nay lại tiếp tục theo học. Chị Trương Thị Giã (37 tuổi) là một trong số đó. “Tôi quyết học để đọc chữ rành, hát karaoke được mới thôi!”-chị Giã thể hiện quyết tâm và mục tiêu.  

Ông Lê Minh Trí - Trưởng ấp Gò Công nói: “Lớp học đặt tại Khu tái định cư có 64 hộ dân “hái lượm” ven biển có đến một nửa hộ nghèo, mù chữ. Lớp học chữ rất cần cho bà con”. 

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).