Ông Đỗ Văn Đương: 'Múc cát lên lấy tiền, có điều kiện tôi cũng đi múc'

Ông Đỗ Văn Đương tại hội nghị trực tuyến sáng nay. Ảnh LD
Ông Đỗ Văn Đương tại hội nghị trực tuyến sáng nay. Ảnh LD
TPO - “Giá cát liên tục tăng mạnh, tạo ra lợi ích kinh khủng. Chỉ múc cát lên lấy tiền, nói thật có điều kiện tôi cũng đi múc”, Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương nhận định.

Sáng 6/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi. Theo Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, trên cả nước hiện có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Theo ông Vương, tình trạng sạt lở hai bên bờ sông đang diễn ra nghiêm trọng, nhất là khu vực Đông bằng sông Cửu Long.

Đáng lưu ý, nhu cầu khai thác cát sỏi ngày càng tăng cao, các đối tượng vi phạm vẫn dùng mọi phương thức, thủ đoạn để vi phạm, thậm chí có dấu hiệu bao che, bảo kê của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cấp ủy, chính quyền từ xã đến tỉnh và các cơ quan quản ý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật.

Bộ Công an đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) rà soát, nghiêm cấm khai thác tại một số khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực có xu thế thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực.

Đặc biệt, không cấp phép khai thác ở những điểm sạt lở hay có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân bên cạnh bờ sông. Trước khi cấp phép khai thác khoảng sản, đặc biệt cát, sỏi phải thông báo với lực lượng công an để kiểm tra giám sát.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công, hiện có khoảng 217 mỏ cát đã được địa phương cấp phép và khoảng 30 dự án khai thác khoản sản trong vùng nước hàng hải.

Theo ông Công, việc quản lý, thăm dò, cấp phép khai thác mỏ vật liệu trên các tuyến hàng hải, đường thủy nội địa quốc gia tại một số địa phương chưa tuân thủ đầy đủ theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy, dẫn đến chồng lấn, chưa kiểm soát được các phương tiện tham gia thi công.

Trước thực trạng đó, tới đây sẽ tiếp tục tạm dừng cấp mới các dự án xã hội hóa nạo vét luồng thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm đã phê duyệt, cấp phép nhưng chưa thi công. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đang thực hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không gia hạn cấp phép lại các dự án xã hội hóa nạo vét đường thủy nội địa quốc gia đã hết hạn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, chỉ với tuyến đường 5 đã dùng tới mấy chục triệu m3 cát để phục vụ cho việc san lấp. Bộ Xây dựng đề nghị không dùng cát cho san lấp mà chỉ dùng cho xây dựng.

Thứ trưởng Lê Qúy Vương cho rằng, cần phải suy nghĩ về đề xuất này, vì dùng cát cho san lấp sẽ rất lãng phí và gây cạn kiệt tài nguyên. Ông Vương ví dụ, chỉ một đô thị ở Đà Nẵng, họ phải sử dụng 7 triệu m3 cát san lấp.

“Với số lượng lớn như vậy, cả khu vực Miền Trung lấy đâu ra? Nên họ mới đi mua lung tung. Rất phải suy nghĩ điều này”, Tướng Vương cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, nghiên cứu sản xuất vật liệu thay thế cát, sỏi dùng cho xây dựng, san lấp, không xuất khẩu cát, kể cả cát nhiễm mặn.

Phó trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đánh giá, tình trạng khai thác cát diễn ra tràn lan, gây mất nhà, mất đất của dân, quốc gia thì mất khoáng sản, gây bức xúc trong cử tri và nhân dân.

Trước việc giá cát tăng mạnh, tạo ra lợi ích khủng, ông Đương đề nghị cần kiểm soát, giám sát chặt chẽ hơn. “Múc cát lên lấy tiền, nói thật tôi có điều kiện tôi cũng đi múc”, ông Đương nói.

Theo ông Đương, cần giao cho Bộ TN&MT phối hợp với các địa phương tổng rà soát tất cả các mỏ khai thác hiện nay, xem từng mỏ một có nên để hay không? Mỏ nào gây nguy hiểm phải đình chỉ ngay, đồng thời phải đấu thầu, đấu giá "thực chất”, chứ không hình thức việc cấp phép, để thu khoản tiền lớn về cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng phải nghiên cứu, thu thuế thế nào cho hiệu quả.

Cũng theo ông Đương, việc cấp phép nên giao cho địa phương, kể cả luồn lạch, không nên để Cục Đường thủy nội địa cấp phép. “Không thể để tình trạng vừa cấp phép vừa quản lý được”, ông Đương cũng đề nghị Bộ Công an phải tăng cường khởi tố hình sự. Nơi nào có dấu hiệu bảo kê, bao che, gây sạt lở cần khởi tố và nơi nào để sạt lở, chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại cho người dân.

MỚI - NÓNG