Ông giám đốc dành hết lương nuôi trẻ mồ côi

Giám đốc Lê Trung Thực (người đứng giữa)
Giám đốc Lê Trung Thực (người đứng giữa)
TP - Từ lúc có tên trong bảng lương cơ quan (năm 2007) đến nay, Lê Trung Thực... không hề nhận một đồng lương nào. Lương anh dành để “thêm thắt” vào quỹ hoạt động của trung tâm nhân đạo, để mua sữa nuôi các cháu bé mồ côi.

Mái ấm tình thương

Quê anh ở Việt Trì, Vĩnh Phú. Học xong cấp 3, Lê Trung Thực thi vào Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật. Tốt nghiệp, năm 1993 anh chuyển vào Vinh, làm giáo viên dạy nghề. Đây cũng chính là quãng thời gian Thực có điều kiện tiếp xúc, gần gũi với những đứa trẻ tật nguyền, mồ côi.

“Chứng kiến nhiều cảnh đời bơ vơ, bất hạnh, tôi ao ước xây dựng một mái ấm tình thương. Trước là để thu gom những đứa trẻ bị bỏ rơi, trẻ tật nguyền, nuôi dưỡng và dạy dỗ các cháu. Khi chúng trưởng thành, tôi sẽ tìm công ăn việc làm, dựng vợ gả chồng!”, Thực nói.

Đó là lý do để anh từ giã Trung tâm dạy nghề đóng tại Trường Thi (Vinh), mang theo 20 trẻ cơ nhỡ lên thị trấn Đô Lương trong một năm rét mướt, cơ hàn. Lớp học 20 em, cộng với Thực và 3 giáo viên do anh đào tạo, tất cả 24 người đi thuê phòng trọ vừa làm chỗ trú thân, vừa làm lớp học nghề. Sau mấy tháng, lớp học nghề kết thúc.

Phụ huynh kéo đến gặp Lê Trung Thực, than vãn: “Thầy ơi, nếu bây giờ giải tán, các cháu bơ vơ thất nghiệp thì khổ lắm, mong thầy cứu giúp. Chúng tôi nghèo đói, không thể lo cho con”. Thực nói: “Tôi sẽ không về đâu. Tôi không bỏ các em đâu, tôi ở lại đây!”.

“Đang mải chuyện, tôi buột miệng hỏi từ khi lên chức giám đốc, lương lậu thế nào? Thực nhoẻn miệng cười, bảo, hơn bảy năm qua anh chưa hề nhận một đồng lương nào. “Tiền lương hàng tháng, tôi góp vào quỹ cơ quan, dành để mua sữa nuôi các cháu!”.

Lúc đó, trong tay anh chẳng có tài sản gì ngoài chiếc Cúp 90, một ít tiền tích góp sau 4 năm dạy nghề tại Vinh. Để có cái ăn nuôi “gia đình góp nhặt” từ những trẻ bại liệt, trẻ mồ côi, tật nguyền, Lê Trung Thực phải xắn tay vào nuôi lợn, giã gạo làm đậu phụ, bánh bao, mua giấy loại, sắt vụn bán cho các đại lý thu gom phế liệu và chăn nuôi lợn. Nhiều hôm trời mưa tầm tã, không gạo, không dầu, đậu phụ ế ẩm, Thực và lũ học trò phải ăn đậu phụ, ăn bánh bao trừ bữa.

Túng thiếu, Lê Trung Thực phải bán chiếc xe máy lấy tiền mua 10 chiếc máy khâu cho các em học sinh vừa học nghề, vừa may quần áo bán kiếm tiền. Năm 2000, UBND huyện Đô Lương cấp cho thầy trò Lê Trung Thực mảnh đất tại xã Lưu Sơn để xây dựng Trung tâm nhân đạo. Tài sản trên đất thuộc về người dân xóm Trần Phú xã Lưu Sơn, muốn có đất, chủ dự án phải bỏ tiền ra mua.

Thực chỉ “xoay” được 49 triệu, còn 1 triệu đồng chẳng biết vay mượn ai. Bí quá, anh đem chiếc tivi ra hiệu cầm đồ cắm lấy 1 triệu đồng. Có đất ‘‘cắm dùi’’, Lê Trung Thực và các cộng sự Lê Thanh Bích, Nguyễn Trường Khánh, Lê Thanh Hương, Hoàng Thị Tình đôn đốc học trò trồng cây xanh quanh khuôn viên cơ quan, vay thêm tiền sửa sang nhà cửa và tiếp nối hành trình cứu rỗi những cuộc đời bất hạnh.

Được sự trợ giúp của đồng nghiệp, bạn bè, Thực có thêm vốn mở xưởng mộc dân dụng, đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bloc, liên kết mở lớp đào tạo lái xe dành dụm tiền nuôi trẻ mồ côi, trẻ tật nguyền. Mười bốn năm qua, thầy trò Lê Trung Thực đã nuôi dưỡng, đào tạo nghề cho hàng nghìn thanh thiếu niên, trong đó chủ yếu là trẻ mồ côi, dị tật bẩm sinh và con em các gia đình thương binh, liệt sỹ.

Bố “xịn”

Khi đã an cư, Lê Trung Thực đi khắp ga tàu, bến xe, bệnh viện, “nhặt” trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, đem về Trung tâm nhân đạo Đô Lương chăm sóc, nuôi dưỡng. “Bệnh viện là nơi có nhiều cháu bị bỏ rơi nhất. Có cháu bị mẹ bỏ lại khi mới một, hai ngày tuổi, sinh thiếu tháng nên phải nằm trong lồng ấp.

Các nhân viên trung tâm nhân đạo thay phiên nhau túc trực tại bệnh viện hàng tháng, đợi đến khi trẻ sơ sinh khỏe mạnh mới đem về chăm sóc”, Thực kể. Ngày mới nhen nhóm mái ấm tình thương, chẳng có lương lậu, chế độ trợ cấp gì, công việc lại hết sức nặng nhọc nhưng vẫn có hàng chục người tình nguyện theo chân Lê Trung Thực.

Những hài nhi đỏ hỏn, bệnh tật đầy mình, sau một thời gian sống trong sự đùm bọc, cưu mang của các dì, các mẹ, đã cứng cáp, trưởng thành.

Ông giám đốc dành hết lương nuôi trẻ mồ côi ảnh 1
Ông giám đốc dành hết lương nuôi trẻ mồ côi ảnh 2

Trẻ mồ côi tại Trung tâm nhân đạo Đô Lương Ảnh: Quang Long

Thực không lấy vợ, nhưng lại là “ông bố” cực kỳ nhiều... con. 77 đứa trẻ hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nhân đạo Đô Lương là 77 mảnh ghép cuộc đời, không rõ lai lịch, không quê hương bản quán, đều mang họ Lê của anh và tất cả đều gọi Lê Trung Thực là bố. Thậm chí, nhiều nhân viên cũng thường gọi anh là “bố”.

Những người ấy, hoặc là ra đi từ những gia đình không bình thường; hoặc tuổi thơ đã nhiều tổn thương, mất mát. Những cuộc đời thiếu sự che chở, thiếu hơi ấm bàn tay cha.

Tám năm trước tôi về Đô Lương gặp Thực, khi đó anh vừa nhận làm cha đỡ đầu của một bé gái sơ sinh, anh đặt tên con là Lê Thị Linh Tâm. Cô bé ngày nào quấn tã, sài ghẻ đầy mình, giờ đã cứng cáp, nhanh nhẹn. Càng lớn, càng khôn, Linh Tâm lờ mờ nhận thấy những bất thường trong “gia đình” mình. Nhiều đêm, gối đầu trên tay Thực, cô bé hỏi: “Mẹ đi đâu hả, bố?” .

Thực vỗ về: “Mẹ đi làm ở xa. Xa lắm, con ạ!”. Nó đợi hoài mà không thấy mẹ về, nó thiếp đi trong nước mắt. Linh Tâm học lớp 1, rồi lớp 2 Trường Tiểu học Lưu Sơn. Một hôm nó đưa học bạ về cho bố viết tên mẹ. Nghĩ vẩn vơ, Thực viết đại tên mẹ của bé là Nguyễn Thị Quỳnh Anh.

Đến lớp, cô giáo bảo khai sinh không rõ ràng, bắt xóa đi. Linh Tâm ôm học bạ chạy một mạch về nhà, òa khóc: “Răng lại xóa tên mẹ con đi?”. Thực lúng túng, không biết ăn nói với con mình ra sao.

Nó ôm riết lấy anh, vặn hỏi:

“Bố trả lời thật với con đi, con có mẹ không? bố có phải là... bố xịn của con không?”.

Thực nói cứng:

“Bố là bố xịn của con mà”.

Linh Tâm chất vấn:

“Vậy ông bà ngoại của con đâu? Chưa bao giờ bố đưa con về thăm ông bà ngoại cả. Con có mẹ thì phải có ông bà ngoại chứ!”.

Đắng lòng! Thực ôm lấy con gái, giấu đi giọt nước mắt đang lăn xuống gò má hõm sâu. “Ông bà ngoại mất hết rồi, con ạ! Mẹ thì đang đi làm xa. Vài năm nữa, mẹ về!”.

Để chứng minh là nó cũng có ông bà chú bác như ai, hôm sau, Thực phóng xe đưa con về Việt Trì thăm quê nội. Nhìn thấy cảnh đoàn viên, cô bé thôi không day dứt nữa, nhưng nó vẫn cứ ấm ức trong lòng.

Ông Giám đốc dành tiền lương mua sữa nuôi trẻ mồ côi

Năm 2007, Lê Trung Thực về “đầu quân” cho Sở LĐ-TBXH Nghệ An, trở thành một đơn vị thành viên của sở này. “Nói dại mồm, tôi mà bất thình lình chết đi thì cái cơ ngơi này tan đàn xẻ nghé, lính tráng mỗi người một phương và hàng trăm cháu bé đã qui tụ về đây chẳng biết nương tựa vào đâu, sẽ tan tác hết, mỗi người một nơi. Về sở, một bộ phận CB-CNV sẽ vào biên chế, lúc họ già cả còn có cái sổ hưu mà chống lưng!”, Thực nói.

Bố mẹ dành cho anh một căn nhà ở Việt Trì, dự định “nếu may mắn sống được đến già, tôi sẽ về quê dùng căn nhà đó xây dựng thành trung tâm nuôi trẻ mồ côi”, người đàn ông độc thân, cha của gần trăm trẻ mồ côi, tưởng tượng một ngày về xa lắc.

Ông giám đốc dành hết lương nuôi trẻ mồ côi ảnh 3

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc tặng quà, động viên các cháu mồ côi, khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm nhân đạo Đô Lương

Có còn cảnh chạy ăn từng bữa như thời lang bạt kỳ hồ thời vừa đặt chân đến đất Lưu Sơn? Còn chứ! Thực bảo. Cơ ngơi thì to uỳnh to oàng, tòa ngang dãy dọc, nhưng trong ruột nó... nghèo, nghèo hiu hắt. Hơn 5 chục CB-CNV, sở chỉ cho 29 biên chế, 25 người còn lại là hợp đồng thời vụ, hợp đồng dài hạn. Phàm đã hợp đồng, thì phải bươn chải, gồng mình lên mà kiếm cơm. Thế nên, để xoay xở tiền lương tháng cho các cô, các mẹ trông trẻ, Thực phải liên hệ khắp nơi, xua “quân” đi làm đủ nghề: Thợ nề, thợ mộc, liên kết dạy lái xe, làm hương.

Thực nói thế này mới... tội: “Hương anh em sản xuất được, đem đi bán dạo khắp nơi. Có người mua trả tiền ngay; nhưng có người nợ. Hàng tháng, tích góp từ nguồn bán hương cũng được dăm triệu đồng, anh ạ! Đủ tiền mua sữa nuôi vài cháu bé mồ côi tại trung tâm!”.

Trong số 77 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi hiện đang được chăm sóc tại Trung tâm nhân đạo Đô Lương, nhiều cháu đến từ huyện rẻo cao Tương Dương, Kỳ Sơn.

Lê Trung Thực kể, để các cháu được hưởng chế độ trợ cấp, phải lập hồ sơ, nhì nhằng lắm. Trong hồ sơ phải có xác nhận của “cơ quan chức năng” cấp huyện. Nhưng nhiều trường hợp, “cơ quan chức năng” sở tại không dám xác nhận, vì bản thân họ cũng... không rõ nguồn gốc, xuất xứ của trẻ bị bỏ rơi; không biết cha mẹ của các cháu là ai.

Thành ra, mới chỉ có 60/77 cháu được hưởng chế độ chính sách. “Nhưng ngay cả số trẻ có hồ sơ đầy đủ, tiền trợ cấp mỗi cháu 360.000 đồng/tháng, không đủ để mua sữa hộp cho các cháu. Do đó, chúng tôi phải xoay đủ đường!”.

Thực khép mình, ăn chay, sống cuộc sống đạm bạc và anh đã dốc hết tâm can trên hành trình cứu rỗi những cuộc đời bất hạnh. Người đàn ông có thân hình mảnh mai, gầy yếu ấy luôn lan tỏa sức sống diệu kỳ. Sức sống của lòng yêu thương con người vô bờ bến, của một trái tim dịu dàng, và nhân hậu...

MỚI - NÓNG