Ông lão 80 mua đất xây thư viện miễn phí

Thích thú đọc sách miễn phí tại thư viện.
Thích thú đọc sách miễn phí tại thư viện.
TP - Một thư viện nhỏ giữa làng quê nghèo, ở đó các em nhỏ được thỏa niềm đam mê sách, mở mang tri thức, các cụ già có không gian yên tĩnh để đọc, nông dân đến tìm sách khoa học bổ ích… Giấc mơ đó của ông Trần Xuân Hạ (80 tuổi, sống ở thành phố Pleiku, Gia Lai) nay đã thành hiện thực sau bao nhiêu năm ấp ủ, tích cóp.

Thư viện mang tên Tình Quê nằm ở thôn Hiếu An, xã Nhơn Khánh (thị xã An Nhơn, Bình Định) - là nơi ông sinh ra và lớn lên. “Thư viện như một món quà nhỏ mà tôi muốn tri ân cho quê hương” - ông Hạ chia sẻ.

Thư viện Tình Quê ra đời cách đây 4 năm. Với số tiền tích cóp được cùng sự ủng hộ của các con, ông Hạ trở về mua mảnh đất ở quê, dựng nhà và làm thư viện. Gian khách rộng được bố trí các kệ sách ngăn nắp theo từng thể loại như sách văn học, nghiên cứu, lịch sử, sách liên quan đến nông nghiệp… Dãy bàn dài được đặt chính giữa là nơi để các em học sinh và người dân đến đọc sách miễn phí. Căn phòng riêng được dùng là nơi để chứa sách cũ. Ông còn bỏ tiền túi thuê người trông coi thư viện, túc trực, mở cửa đón khách mỗi ngày.

Nguyễn Thị Thu Thảo (25 tuổi) tốt nghiệp ĐH chuyên ngành CNTT chưa có việc làm, được ông thuê trông coi thư viện. Thảo cho biết, trong làng lâu nay không có thư viện, ai muốn đọc sách thì tự mua sách hoặc phải đi lên huyện, rất xa. Thư viện Tình Quê ra đời khiến người dân trong làng, nhất là bọn trẻ trong làng mừng quýnh, khi hơn 3.000 đầu sách tha hồ lựa đọc. Buổi tối không gian được nhường lại cho các bạn sinh viên mở lớp dạy thêm. Ngày lễ hay cuối tuần mọi người đến đọc nhiều hơn. Có người cảm kích, còn mang góp những cuốn sách mình có được để mọi người cùng đọc.

Mỹ Duyên (22 tuổi) một trong những bạn trẻ thường xuyên có mặt ở thư viện để đọc sách. Duyên cho biết vừa tốt nghiệp ĐH, đang trong thời gian nộp hồ sơ xin việc nên nhiều thời gian rảnh để đến đây đọc sách. “Một thư viện ở giữa làng quê vừa là hình ảnh đẹp lại rất bổ ích, khuyến khích được tinh thần đọc sách, mở mang kiến thức”,  Duyên nói.

Không muốn nghèo tri thức

Ngoài thư viện Tình Quê, ông Hạ còn có một thư viện khác tại quê vợ, thôn Chánh An, xã Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Cả đời làm nghề giáo nên hơn ai hết ông hiểu giá trị của những cuốn sách, hữu ích của những thư viện. Ông nói, mình có thể nghèo vật chất nhưng không thể nghèo tri thức, vậy nên thư viện sẽ thành món quà ý nghĩa ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp. Về hưu, ông quyết định thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu. Các con cũng đến tuổi trưởng thành và ủng hộ ước mơ của cha nên giúp ông từ việc cất đất xây nhà hay đi các nơi để mang sách về.

MỚI - NÓNG