Ông Nguyễn Hữu Có: Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cũ là tất yếu

Ông Nguyễn Hữu Có: Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cũ là tất yếu
Nguyễn Hữu Có là chỉ huy quân sự danh tiếng, được cả Pháp và Mỹ trọng dụng. Ông được Ngô Đình Diệm phong quân hàm cấp Tướng, đảm giữ những chức vụ chủ chốt: Tổng Trưởng Quốc phòng (1966) kiêm Phó Thủ tướng của chính quyền Sài Gòn cũ.

Ông cũng là một trong số những người vào thời khắc lịch sử của mùa xuân 1975 đã có mặt ở Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, chứng kiến những ngày cuối cùng tồn tại của Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Hiện nay ông là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông.

Ông có thể cho biết sơ qua về cuộc đời binh nghiệp của mình?

Ông Nguyễn Hữu Có: Tôi khởi đầu cuộc đời binh nghiệp khá sớm, từ khi 18 tuổi, lúc đó Pháp còn ở Việt Nam. Có thể nói, con đường binh nghiệp của tôi gặp nhiều thuận lợi, được đào tạo bài bản và thăng tiến khá nhanh. Tôi đã từng vào, ra Trung, Nam, Bắc, phục vụ trong quân đội Pháp. Sau Hiệp định Geneva, được giao nhiệm vụ chỉ huy điều quân vào các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi tiếp thu những vùng đất mà quân cách mạng đã rút ra miền Bắc.

Khi chính quyền Ngô Đình Diệm do Mỹ dựng lên được thiết lập, tôi là một trong 10 sĩ quan giỏi (trong đó có Nguyễn Văn Thiệu) được lựa chọn qua Mỹ đào tạo sĩ quan chỉ huy và tham mưu.

Sau khi tham gia vào cuộc đảo chính Diệm (1963) thành công, tôi được phong Thiếu tướng, từ thời điểm này, cuộc đời binh nghiệp và uy tín quân sự lên rất nhanh. Tôi đã nắm giữ các chức vụ quan trọng - Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng và hơn thế nữa, còn được Hội đồng tướng lĩnh bầu làm Tổng trưởng Quốc phòng kiêm Phó Thủ tướng, được phong hàm Trung tướng. Nhưng, chính sự thăng tiến nhanh và uy tín cao trong hàng ngũ quân đội ấy của tôi đã không nhận được sự cổ vũ, thậm chí còn gây lo ngại cho chính quyền ông Thiệu. Cũng chính vì lẽ đó mà đời binh nghiệp của tôi đã phải rẽ ngang, "ba chìm, bảy nổi" ở nước ngoài, rồi buộc phải chuyển hướng, sang làm cho Tín nghĩa ngân hàng.

Ông còn nhớ gì về những ngày lịch sử của năm 1975, thời điểm khi quân cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn?

Ông Nguyễn Hữu Có: Sao không nhớ, những sự kiện diễn ra ngày ấy thì ở Sài Gòn đến người dân bình thường còn quan tâm, huống chi một nhà binh lâu năm như tôi. Ngày 28/4, Thiệu từ chức, trao quyền cho Trần Văn Hương, rồi mấy ngày sau ông Hương lại chuyển quyền sang cho Tướng Dương Văn Minh.

Chiều 29/4, ông Minh cho người tới gọi tôi lên Bộ Tổng tham mưu, đề nghị tôi làm cố vấn, giúp cho Trung tướng Vĩnh Lộc (được chỉ định làm Tổng Tham mưu trưởng lâm thời) chỉ huy quân đội. Lúc này, Thiệu, Kỳ và Tướng Cao Văn Viên Tổng tham mưu trưởng đã "cao chạy, xa bay". Tình hình Quân đội Việt Nam Cộng hòa hết sức hoang mang, náo loạn và rệu rã. Tôi nhận được điện thoại báo về là xe tăng quân cách mạng đã đến tới tận Trung tâm Huấn luyện Quang Trung.

Suốt đêm đó, chúng tôi không chợp mắt. Gần sáng ngày 30, Bộ Tổng tham mưu bị Quân giải phóng nã pháo. Điện thoại báo về là Sư đoàn Đồng Dù của Tướng Lý Tòng Bá đã bỏ chạy, Lý Tòng Bá đã bị bắt. Điện từ hướng Biên Hòa cũng toàn hung tin, lính đào ngũ bỏ trốn rất đông, tình hình Biên Hòa căng thẳng, nhưng Tướng Lê Minh Đảo vẫn hứa cố giữ Biên Hòa để bảo vệ cho Sài Gòn. Cần Thơ và các tỉnh miền Tây báo lên là tình hình có khá hơn, chưa thấy lực lượng cách mạng và quân đội vẫn trong tình thế sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 30/4, khi Tướng Dương Văn Minh lên Đài phát thanh kêu gọi đầu hàng, đề nghị tất cả các binh lính hạ súng, toàn bộ quân đội cộng hòa, cả lực lượng ở miền Tây cũng sa sút tinh thần, tôi không nhớ chính xác tên hai tướng ở miền Tây sau khi nghe tin thất bại đã tự tử. Sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn cũ là tất yếu. Chiến thắng 30/4/1975 rất vĩ đại, là chiến thắng của sức mạnh toàn dân tộc Việt Nam.

Cuộc sống của ông và gia đình sau giải phóng ra sao? Có bị ai ngăn trở, hay gây khó dễ không?

Ông Nguyễn Hữu Có: Sau giải phóng, tôi đi học tập cải tạo 12 năm và hiện sống với gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh. Không có ai cản trở gì đến cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi có tới 12 người con, hiện các con tôi đã lập gia đình, có con cháu và các cháu cùng sống với chúng tôi. Các con tôi tuy làm những công việc khác nhau, nhưng đủ sống, có cháu còn khá giả.

Các con và cháu tôi đều được đi học, gia đình tôi sống hòa thuận, vui vẻ, quan hệ tốt với khu phố, được tặng không ít bằng khen, giấy khen vì những thành tích khác nhau. Tôi và vợ vẫn qua lại bên Hoa Kỳ chơi, không hề bị cấm đoán. Sắp tới, chúng tôi lại sang Hoa Kỳ thăm người nhà. Năm 2004, tôi được mời tham gia công tác Mặt trận, là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh. Tôi vẫn thường xuyên được mời tới tham dự các cuộc gặp mặt với các vị lãnh đạo cao cấp của Quốc hội, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể và luôn nhận được sự thăm hỏi, động viên của các cấp chính quyền.

Là tín hữu của đạo Tin lành, ông có được tự do hoạt động tôn giáo không?

Ông Nguyễn Hữu Có: Gia đình tôi theo đạo Tin lành, chúng tôi được tự do đi lễ nhà thờ, không bị ai bắt bớ, cấm đoán, cấm giảng đạo. Theo tôi không có hiện tượng vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam, nếu cấm thì làm sao giờ ở miền Nam có tới 270 nhà thờ của Hội thánh Tin lành. Chỉ có những hình thức hoạt động truyền đạo thế nào, nhất là ở nơi công cộng thì chính quyền các cấp phải có quy định rõ hơn và phải có giải thích cho dân.

Ông có ý kiến gì về Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về người Việt Nam ở nước ngoài?

Ông Nguyễn Hữu Có: Theo tôi, Nghị quyết đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo bà con kiều bào ở nước ngoài, nếu thực hiện đúng thì nhiều người sẽ trở về, đóng góp cho đất nước. Trường hợp của ông Nguyễn Cao Kỳ là minh chứng khá rõ. Chỉ có một số ít bà con ở nước ngoài còn chưa hiểu rõ, nhưng nếu được tuyên truyền và hiểu đúng thì họ cũng sẽ trở về. Nhân chuyến thăm của tôi sắp tới sang Hoa Kỳ, qua đó, chúng tôi sẽ cố gắng giải thích thêm cho bà con ở bên đó để không còn sự hiểu lầm và cho họ biết rằng, đất nước ta đã phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, rất cần có sự đóng góp của kiều bào ở nước ngoài thuộc đủ mọi ngành nghề, sẽ rất có lợi cho Tổ quốc.

Rất cảm ơn ông, chúc ông và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc, thành đạt và chuyến đi may mắn.

MỚI - NÓNG