Nhìn xa để “cứu” miền Nam

Ông “Thủ tướng Điện”

Ông “Thủ tướng Điện”
TP - Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt- ông Sáu Dân, người được mệnh danh là “Thủ tướng Điện” bởi sự tâm huyết đối với việc phát triển điện – xương sống của nền kinh tế.

Không chỉ với điện, ông còn dành sự quan tâm đặc biệt đến sự vực dậy những vùng đất nghèo khó.

Nhìn xa để “cứu” miền Nam

Khi nghe tin ông Sáu Dân đi xa, ông Lê Quang Huyến, nguyên Giám đốc Cty Khảo sát thiết kế điện 2 (PECC 2) không khỏi xúc động.

Trong căn nhà vắng giữa quận 3, TPHCM, vị cựu giám đốc bồi hồi nhớ lại những năm tháng dài được tiếp xúc, làm việc với “Thủ tướng Điện”.

Ông kể: Những năm mới mở cửa, nhu cầu điện phát triển kinh tế xã hội rất cao nên đòi hỏi phải phát triển nhanh chóng các nguồn điện, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Và vì vậy, khi dự án này vừa hoàn tất luận chứng kinh tế kỹ thuật (LCKTKT) là phải triển khai ngay dự án khác.

Ngày 16/8/1984, ngay khi việc lập LCKTKT nhà máy thủy điện Trị An vừa kết thúc, ông Sáu Dân đã đi thực địa và chỉ đạo triển khai gấp việc khảo sát thiết kế thủy điện Thác Mơ. Với tầm nhìn sâu rộng về việc phát triển đội ngũ tư vấn thiết kế trong nước, ông Sáu đặt vấn đề “nội địa hóa” việc lập LCKTKT.

Thác Mơ là dự án thủy điện đầu tiên ở miền Nam do đội ngũ trong nước tự lập LCKTKT, làm tổng thầu khảo sát thiết kế kỹ thuật và thực hiện bản vẽ thi công cho toàn bộ công trình… Ông còn bàn bạc với các ngành liên quan để tìm ra cơ chế tạo vốn cho thủy điện Thác Mơ.

Đây là dự án thủy điện đầu tiên không dựa chủ yếu vào vốn ngân sách. “Có lẽ là ý tưởng sáng tạo đầu tiên về cởi bỏ cơ chế bao cấp, tạo điều kiện cho ngành điện tự lo vốn cho công trình, thực hiện việc tự chủ nguồn tài chính của các doanh nghiệp trong ngành”- Ông Huyến nhận định.

Năm 1992, thủy điện Trị An (công suất 400 MW) sau 5 năm vận hành đã cung cấp được 7.204 kWh nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phụ tải tăng cao ở miền Nam.

Trước tình thế nguy cấp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo phát triển nhà máy nhiệt điện tuabin khí tại Bà Rịa với công suất 200 MW, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng thủy điện Thác Mơ. Mặc dù vậy miền Nam vẫn thiếu điện.

Xuất phát từ lợi ích toàn cục là hình thành hệ thống điện thống nhất để điều tiết điện năng giữa các miền; đồng thời xuất phát từ thực tế cấp bách về nhu cầu điện miền Nam, miền Trung cũng như tận dụng khả năng phát điện của thủy điện Hoà Bình, thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 Kv Bắc-Nam.

Đây thực sự là giải pháp chiến lược quan trọng nhưng cũng gặp không ít rào cản, đó là những lo ngại về kỹ thuật, về sự an toàn của dự án… Có cả những ý kiến phản đối nhưng Thủ tướng vẫn thực hiện với quyết tâm cao.

Đường dây 500 KV dài gần 1.500 Km nhưng được thực hiện chỉ trong vòng 2 năm (1992-1994) và hoàn thành đúng vào thời điểm thủy điện Hòa Bình vận hành tổ máy số 8- tổ máy cuối cùng.

“Đây thực sự là một kỳ tích”- Ông Huyến thốt lên. Điều quan trọng nhất của đường dây 500 KV này là “cứu cả miền Nam thoát khỏi cơn khủng hoảng thiếu điện nghiêm trọng”. Chưa dừng lại đó, ông Sáu Dân còn chỉ đạo triển khai ngay một loạt các dự án thủy điện tại miền Trung –Tây Nguyên và trung tâm nhiệt điện Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) và Cà Mau, Cần Thơ…

Vực miền Trung bằng sự quyết đoán

Trong khi trái tim ông Sáu Dân ngừng đập thì “trái tim” của Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi)- Nhà máy lọc dầu số 1 đang chuẩn bị đập những nhịp đầu tiên. Để có được một Dung Quất như ngày nay, không thể không nói đến sự quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Ông Trần Ngọc Chính - Thứ trưởng Bộ Xây dựng kể: Những năm đầu thập niên 90, Viện Quy hoạch đô thị nông thôn được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm vị trị đặt nhà máy lọc dầu số 1 dưới sự chủ trì của Bộ Xây dựng.

Lúc đó tôi là Trưởng phòng, rồi là Phó Viện trưởng trực tiếp tham gia chỉ đạo và thực hiện việc nghiên cứu này. Chúng tôi đưa ra 5 phương án lựa chọn là Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu), Vân Phong (Khánh Hòa), Dung Quất (Quảng Ngãi), Hòn La (Quảng Bình) và Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Tháng 10/1994, ông Cụ (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) chủ trì cuộc họp báo cáo lựa chọn địa điểm. Ngoài đơn vị nghiên cứu là chúng tôi, cuộc họp còn có sự tham dự của rất nhiều quan chức Chính phủ, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các nhà quản lý, nhà khoa học.

Cuộc họp rất sôi nổi và hầu hết các ý kiến đều lựa chọn Long Sơn vì sự thuận tiện trong việc vận chuyển nguyên liệu, gần thị trường tiêu thụ lớn là khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; chi phí đầu tư thấp, khả năng thu hồi vốn nhanh và sự tác động của dự án đối với nền kinh tế rất nhanh chóng, hiệu quả…

Sau khi lắng nghe tất cả các ý kiến, Thủ tướng nói: “Nếu tôi là các nhà khoa học, nhà đầu tư tôi cũng sẽ nói và lựa chọn như các đồng chí. Nhưng vì tôi là Thủ tướng nên tôi phải chọn Dung Quất”. Theo ông Chính, tính về điểm số tổng thể, Dung Quất chỉ đứng thứ 3 sau Long Sơn và Vân Phong.

Nhưng Dung Quất có một yếu tố mà các phương án khác không sánh được, đó là ý nghĩa về kinh tế-xã hội của dự án rất lớn. Nhà máy lọc dầu số 1 không chỉ là nhà máy lọc dầu thuần túy mà là công trình tạo vùng cho miền Trung, là động lực để vực dậy vùng đất nghèo vốn chịu quá nhiều thiệt thòi.

Vì vậy, mặc dù biết chọn Dung Quất sẽ có nhiều bất lợi, song Thủ tướng vẫn không chọn nơi khác, bởi mục tiêu của ông là hướng đến người dân nghèo. Không phải ai cũng nhìn thấy ý nghĩa lớn lao, sâu sắc của việc chọn Dung Quất như ông Cụ.

Cho đến nay, cùng với nhà máy lọc dầu số 1 sắp hoàn thành, Dung Quất đã trở thành một khu kinh tế lớn thu hút hàng tỷ đôla vốn đầu tư và trở thành động lực phát triển cho “chiếc đòn gánh” miền Trung. Đó là câu trả lời thuyết phục nhất về sự quyết đoán của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.   

Ông “Thủ tướng Điện” ảnh 1
Ngày 31/7 và 1/8/1995 Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát, kiểm tra tại cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và Dung Quất (Quảng Ngãi)

Điện sáng theo chân ông Sáu

Cận Tết năm 1998, người viết bài này theo chân đoàn công tác của Cty PECC 2 đi thăm và chúc tết các anh em trong đội khảo sát thủy điện Đại Ninh đang làm nhiệm vụ giữa một cách rừng sâu thuộc ranh giới hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận.

Khi ấy, đường chưa thành đường nên phải vất vả lắm mới có thể vào được nơi này. Sau mấy giờ len lỏi, trầy trật trên đường rừng, xe dừng ở bãi đất trống khá bằng phẳng trên đỉnh một dãy núi cao. “Đây là sân bay ông Kiệt”, anh Trương Khắc Len-Phó Giám đốc Cty PECC 2 vừa đưa tay khoát một vòng vừa giới thiệu.

“Sân bay” thuộc địa bàn huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chếch về phía đông mấy bước chân là vực sâu hoắm, thuộc Bình Thuận. Như đoán biết được sự tò mò trong tôi, anh Len giải thích: Hồi tháng 5 năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến tận đây khảo sát địa điểm xây dựng thủy điện Đại Ninh và chiếc máy bay trực thăng chở Thủ tướng đã đáp tại bãi đất bằng duy nhất này.

Đây là lần đầu tiên ở vùng rừng núi này có Thủ tướng đến thăm, vì cảm động, người dân địa phương và cả anh em khảo sát tụi tôi đều gọi nơi này là “Sân bay ông Kiệt”.

Ông Lê Quang Huyến nhớ lại: Chuyến bay đưa Thủ tướng đến Đại Ninh lúc đó được xuất phát từ nhà máy thủy điện Thác Mơ (Đồng Nai). Theo kế hoạch ban đầu, Thủ tướng chỉ đến kiểm tra công trình xây dựng nhà máy thủy điện Thác Mơ rồi quay về, nhưng sau đó ông yêu cầu đi thị sát Đại Ninh luôn.

Giữa bãi đất trống, anh em kê tạm bộ bàn ghế nhựa để có chỗ ngồi và trải tấm sơ đồ thiết kế. Thủ tướng ngồi chăm chú lắng nghe anh em báo cáo. Ông hỏi han rất nhiều thứ xung quanh việc xây dựng nhà máy. Khi mọi thắc mắc đã được giải đáp, Thủ tướng gật đầu tỏ ý hài lòng.

Sau chuyến đi thị sát đó không lâu, Thủ tướng ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư nhà máy thủy điện Đại Ninh, quyết định được ban hành sớm hơn cả sự mong đợi của chúng tôi.

Thời điểm đó, trong khi đòi hỏi phải phát triển nhanh các nguồn điện thì chúng ta gặp rất nhiều khó khăn cả về vốn lẫn kỹ thuật. Ông Sáu rất chịu đi thị sát, lắng nghe và có những biện pháp tháo gỡ kịp thời. Mùa khô năm 1997, công trình xây dựng nhà máy thủy điện Yaly (thuộc địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum) rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn, sản xuất có nguy cơ đình trệ vì nhiều đơn vị thiếu vốn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Đời sống của hàng vạn lao động trên công trường đang điêu đứng vì không có lương… Nguyên nhân sâu xa của mọi khó khăn là do vướng mắc trong cơ chế thanh toán. Trước thực tế bức xúc, ngày 7/4/1997, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kịp thời có mặt tại Yaly. Ngay sau đó, “nút cổ chai cơ chế” đã được ông tháo gỡ, đưa đại công trường xây dựng thủy điện Yaly thoát hiểm.

Ông Huyến tâm sự: “Tôi nghiệm ra rằng: nơi nào ông “Thủ tướng Điện” đặt chân đến là nơi đó có nguồn điện sáng lên”. Khi tôi nói điều này với ông Sáu Dân thì ông bảo: “Nếu được như vậy, tôi sẵn sàng đi nhiều nơi, để đất nước có nhiều nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội…”.

MỚI - NÓNG