Phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng(*)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trí Dũng
TP - Sau một ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội ngày 5/5 đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.

Báo Tiền Phong trân trọng trích đăng bài phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng,Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

1- Về đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng

Sau hơn một năm được thành lập, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chú trọng chỉ đạo toàn diện cả phòng và chống; xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; kiện toàn tổ chức các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương v.v... 

Đồng thời đã chọn một số khâu vướng, việc khó để tập trung chỉ đạo tháo gỡ, như: phát hiện, đôn đốc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp; chấn chỉnh công tác giám định tư pháp; vấn đề cho hưởng án treo...

Chính nhờ thế mà thời gian gần đây công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng được đẩy mạnh, tạo chuyển biến tương đối rõ; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn; nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật, đặc biệt là việc công khai đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, sau hơn một năm tái lập, đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, hoạt động, cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, vị thế, vai trò của Ban Nội chính Trung ương từng bước được khẳng định.

Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, tạo cơ sở pháp lý ngày càng đồng bộ và chặt chẽ hơn, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tham nhũng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng vẫn còn chậm; cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo các hành vi tham nhũng còn ít. 

Trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức... Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn ít. Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp.

Tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công. Tình trạng tham nhũng vặt, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công…vẫn còn nhức nhối. Việc xử lý hành vi tham nhũng ở một số vụ, việc có biểu hiện nương nhẹ…

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là: cơ chế, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ; nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, sơ hở, dễ bị lợi dụng... Quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể. Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng;… 

Một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị vẫn chưa quan tâm thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng hoặc có triển khai nhưng còn hình thức. Một số cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống; chưa đi đầu và nêu gương trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vai trò của các cơ quan dân cử, truyền thông và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng chưa được phát huy đầy đủ.

2- Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới

Ðể cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến rõ rệt trong thời gian tới, Hội nghị thống nhất khẳng định, phải tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm và các giải pháp được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm được đề ra trong Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI và 8 nội dung công tác phòng, chống tham nhũng nêu trong Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị này…

Tôi muốn nhấn mạnh, lưu ý thêm một số vấn đề cụ thể sau đây:

Một là, phải tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng; bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Căn cứ vào Điều lệ và các nghị quyết của Đảng, cần cụ thể hóa, xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng để từng bước hình thành một hệ thống các quy định khoa học, chặt chẽ, đồng bộ về phòng, chống tham nhũng; hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu...

“Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời…”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng... Chú trọng các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người ở những vị trí và lĩnh vực công tác có nguy cơ tham nhũng cao. Quy định các giao dịch có giá trị lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn phải được thực hiện qua ngân hàng…

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.

…Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu giúp Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc có kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân về việc tham gia phát hiện và tố giác tham nhũng gắn liền với việc biểu dương những kinh nghiệm hay, điển hình tốt, đồng thời lên án mạnh mẽ những hành vi tiêu cực, tham nhũng. 

Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng… Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng, giáo dục tinh thần biết trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng…

Các cơ quan truyền thông cần đăng tin, bài định hướng đúng đắn dư luận xã hội để thấy rõ những kết quả tích cực của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cũng như những hạn chế, yếu kém, những khó khăn, phức tạp; khẳng định rõ quyết tâm của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng…

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp một cách kịp thời, đúng pháp luật cho các cơ quan báo chí những thông tin có liên quan đến tham nhũng.

Ba là, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Phải nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng, nâng cao trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cần gắn công tác phòng, chống tham nhũng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng…

Cần xác định phòng, chống tham nhũng là một công tác trọng tâm, là một trong các tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị né tránh, dung túng, bao che tham nhũng.

Bốn là, nâng cao năng lực, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát và chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vụ án, vụ việc tham nhũng lớn.

Cac cơ quan, đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng cần tiến hành rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời những quy định chưa phù hợp, hoặc có sơ hở, giải quyết các vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải chống tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Bố trí những cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, có năng lực chuyên môn, có dũng khí và có bản lĩnh, dám đương đầu để làm công tác chống tham nhũng.

Một khi đã xảy ra tham nhũng thì nhất thiết phải xử lý kiên quyết, xử lý thật nghiêm, đúng quy định của luật pháp, không có vùng cấm. Chúng ta phải nghiêm túc tuân thủ sự bình đẳng trước pháp luật, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. 

Một mặt, trừng phạt nghiêm khắc những phần tử tham nhũng nhưng mặt khác, cần có chính sách khoan hồng đối với những người có hành vi tham nhũng nhưng đã chủ động khai báo, khắc phục hậu quả trước khi bị phát giác, tạo môi trường xã hội tích cực nhằm ngăn chặn tham nhũng.

Kiên quyết xử lý kịp thời, công khai cán bộ tham nhũng; tịch thu, sung công tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc: Có vụ việc thì phải được xác minh làm rõ; có dấu hiệu phạm tội là phải được tiến hành điều tra; có kết luận điều tra thì phải xem xét truy tố; có cáo trạng thì phải được nghiên cứu đưa ra xét xử nghiêm minh, kịp thời…

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đưa nội dung công tác phòng, chống tham nhũng vào chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm.

Ủy ban kiểm tra các cấp của Ðảng kiểm tra, xử lý kịp thời đảng viên có dấu hiệu tham nhũng; có hình thức xử lý các tổ chức đảng và đảng viên không chấp hành nghiêm túc các quy định của Ðảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng như : vi phạm thời gian quy định hoặc không thực hiện việc kê khai tài sản, công khai, minh bạch, chuyển đổi vị trí công tác... Tùy tính chất vi phạm mà có hình thức xử lý phù hợp…Cơ quan kiểm tra, nội chính của Đảng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng của Nhà nước để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý những tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm…

Trong năm 2014, tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương. Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy thường xuyên thực hiện việc rà soát danh sách các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương để có biện pháp chỉ đạo tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần có kế hoạch giám sát đối với việc xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, nhất là các vụ, việc nghiêm trọng, phức tạp; tăng cường các phiên điều trần, giải trình về việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Nghiên cứu để có những hình thức phù hợp mở rộng phạm vi tham gia của công chúng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường sự giám sát của công chúng đối với việc thực thi quyền lực của các cơ quan bảo vệ pháp luật. 

Có các giải pháp phù hợp để nhân dân phản ánh, tố giác tham nhũng với các cơ quan nhà nước... Thiết lập cho bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả, tránh để quyền lực quá lớn, tập trung và không được giám sát, dễ dẫn đến quan liêu, lạm quyền, phạm các sai lầm nghiêm trọng. Nếu không dựa vào dân thì cuộc chiến chống tham nhũng khó có thể thành công.

Phát huy vai trò của báo chí, của công luận trong công tác phòng, chống tham nhũng. Xây dựng và thực thi cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo và đấu tranh chống tham nhũng; đồng thời nghiêm trị những kẻ lợi dụng chống tham nhũng để xuyên tạc hoặc tố cáo sai, vu khống, làm hại người khác vì những động cơ xấu.

Thưa các đồng chí,

Từ những kết quả, kinh nghiệm của thời gian qua, với ý chí quyết tâm của toàn Ðảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng rằng công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực, rõ rệt hơn nữa; tham nhũng nhất định phải được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi; xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm mong đợi của nhân dân.

(*): Tít bài do tòa soạn đặt

MỚI - NÓNG