Phải có cơ chế để cử tri “chấm điểm” đại biểu

Cử tri bầu ra những người đại diện cho mình thì cũng có quyền “chấm điểm” họ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Cử tri bầu ra những người đại diện cho mình thì cũng có quyền “chấm điểm” họ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nói về việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội (ĐBQH), PGS.TS Bùi Thị An (Ủy viên Ủy ban KH,CN &MT của Quốc hội) nhấn mạnh: “Xác định đại biểu là trung tâm hoạt động của Quốc hội là đúng, nhưng phải tạo điều kiện để ĐB phát huy vai trò của mình. Phải có cơ chế để cử tri đánh giá, chấm điểm ĐBQH”. 

Quy trình bầu cử ĐBQH được quy định rất chặt chẽ, qua nhiều bước chọn lọc kỹ lưỡng, theo bà làm thế nào để có thể chọn được những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng? 


Phải bắt đầu ngay từ khi giới thiệu ứng cử, hiệp thương. Phải quy định sao cho phát hiện, giới thiệu được người tiêu biểu, có năng lực, dám chịu trách nhiệm, xứng đáng nhất. Và ai, tổ chức nào giới thiệu phải chịu trách nhiệm chính trị về người mình giới thiệu ra ứng cử đến cùng.

Nhưng lâu nay chúng ta giới thiệu bầu vào rồi là coi như cũng hết trách nhiệm. Có vấn đề gì xảy ra không thấy ai chịu trách nhiệm gì hết, tức là trách nhiệm này bị lơ là. 

Còn cơ cấu thì cũng cần thiết, nhưng mà phải chọn được người thực sự tiêu biểu, xuất sắc của cơ cấu đấy. Chứ không phải đưa cơ cấu vào, chọn lấy lệ, phải chọn người có trình độ, có sức khỏe, có thời gian dành cho Quốc hội (QH).

Tôi đề nghị, lần này sửa các luật liên quan, nên có quy định đánh giá định kỳ của cử tri đối với ĐBQH. 

Tại nơi ứng cử, anh có làm được như anh hứa hay không, cứ 6 tháng một lần nên có đánh giá. Và ý kiến đó phải là của cử tri, đánh giá thật khách quan, không phải lãnh đạo nhận xét. Rồi có thể lấy ý kiến cử tri nhiều vùng. ĐBQH là đại diện cho cả nước, hoạt động của ĐB trong kỳ họp QH, tại cơ sở cho thấy rõ ĐB có đóng góp gì cho dân.

Theo bà, để thuận lợi cho cử tri đánh giá ĐBQH, nên quy định việc đánh giá bằng cách nào?

Phải có cơ chế để cử tri “chấm điểm” đại biểu ảnh 1 ĐBQH Bùi Thị An

Phải tạo cơ chế khách quan để cử tri phát biểu, không bị lệ thuộc vào bất cứ điều ràng buộc gì. Nếu cử tri là cấp dưới phát biểu nhận xét cấp trên thì rất khó, không khách quan, hãy tránh cách làm kiểu đó. Vậy cơ quan có thể làm được việc này, theo tôi nghĩ, Mặt trận Tổ quốc có thể vào cuộc để lấy ý kiến, thậm chí cho người ta ẩn danh. 

Một kênh nữa, có thể lấy ý kiến của cử tri ở nơi ứng cử, nơi cư trú của ĐB, ví dụ các tổ chức đoàn thể. Đấy là những nơi có thể nói tiếng nói độc lập, ít bị ràng buộc quan hệ công tác, cấp trên cấp dưới.

Tuy việc này không đơn giản nhưng nên cố gắng làm. Trách nhiệm của các địa phương là cố gắng lựa chọn những ĐB xứng đáng, tiêu biểu của địa phương mình; trung ương cũng vậy, phải gửi về những ĐB thật xứng đáng. Còn việc đánh giá, nên để cho cử tri.

Với cơ chế hiện nay, sau khi bầu xong hầu như cử tri rất khó có điều kiện đánh giá ĐBQH?

Hãy tạo ra một kênh để cho cử tri được gửi thẳng ý kiến của mình lên cơ quan làm công tác quản lý ĐB như Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội), hoặc Mặt trận Tổ quốc nơi đã hiệp thương/giới thiệu ĐB ra ứng cử. 

Cử tri có quyền phát biểu trực tiếp ý kiến hoặc gửi ý kiến qua kênh trực tiếp. Đấy là một cách đánh giá ĐB theo tôi cũng rất khách quan, trách nhiệm và có tác dụng.  

Tại kỳ họp vừa qua, có ý kiến băn khoăn tiêu chí ĐBQH còn chung chung và cho rằng cần quy định rõ hơn, thưa bà ?

Tôi đề nghị, lần này sửa các luật liên quan, nên có quy định đánh giá định kỳ của cử tri đối với ĐBQH. Tại nơi ứng cử, anh có làm được như anh hứa hay không, cứ 6 tháng một lần nên có đánh giá.

ĐBQH Bùi Thị An

Cần có những tiêu chí chung, bao trùm. Nhưng bên cạnh đó, phải quy định cụ thể, tiêu chí đó là gì. ĐB cho rằng tiêu chí về lòng trung thành khó định lượng. Chỉ trong lúc đất nước lâm nguy, lòng trung thành mới thể hiện rõ nhất, vậy trong thời bình thì tiêu chí đó là gì, lấy gì để đo lòng trung thành. 

Hay tiêu chí về năng lực, cái đó cũng khó đo lường. Có lẽ QH sẽ còn phải bàn bạc, thảo luận thêm, nhưng tinh thần phải quy định một cách cụ thể. Người lãnh đạo giỏi có thể phát hiện được người có năng lực, nhưng lâu nay chúng ta cũng còn trọng về bằng cấp và nhiều thứ ràng buộc khác. 

ĐBQH phải thực sự là trung tâm của hoạt động Quốc hội thì mới xoay chuyển được tình thế, nâng tầm của QH. Đó chính là trách nhiệm của ĐB khi xây dựng các dự án luật liên quan đến tổ chức QH, bầu cử ĐBQH tới đây.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.