Quốc hội thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Thủ tướng:

Phải có giải pháp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Phải có giải pháp để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo
TP - Hôm qua (26/3), Quốc hội (QH) đã dành cả buổi chiều  thảo luận tại hội trường về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ (2002-2007) của Thủ tướng Chính phủ.

Các ĐBQH ghi nhận những đóng góp lớn của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng trong những thành tựu KT-XH, đối ngoại trong 5 năm qua, đồng thời cũng kiến nghị các giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế trong nhiệm kỳ tới.

Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho nông nghiệp - nông thôn

“Cơ cấu đầu tư cho nông, lâm, ngư nghiệp chỉ bằng 23% tổng đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trong khi nông dân chiếm hơn 70% dân số dẫn đến khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng xa”- Ông Trần Hồng Việt (ĐB Hậu Giang) nói.

Theo ông Việt, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, nông dân thì đầu tư theo phong trào nên lúc được mùa thì rớt giá…Nay khi gia nhập WTO, Chính phủ không thể trợ cấp trực tiếp cho nông sản được nữa, nhưng có nhiều cách trợ giúp mà WTO cho phép, vì thế “Chính phủ cần xây dựng chính sách hỗ trợ đặc biệt cho việc hợp tác hóa nông nghiệp ở ĐBSCL và miễn giảm bớt các khoản đóng góp của nông dân”-Ông Việt đề nghị.

Đồng tình với  quan điểm này, ĐB Nguyễn Ngọc Minh (Ninh Thuận) cho rằng, vừa qua việc quan tâm và đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn của Chính phủ chưa đúng mức, thiếu quyết liệt, chặt chẽ và thường xuyên trong điều hành, chỉ đạo một số chủ trương, chính sách, có mô hình chỉ mang tính phong trào.

Cần xem xét sửa đổi tiêu chí đầu tư, phân bổ ngân sách đảm bảo minh bạch, công bằng, tạo điều kiện để các tỉnh nghèo, vùng nghèo có thêm cơ hội phát triển bình đẳng. 

“Chính phủ cần quan tâm hơn, chỉ đạo quyết liệt hơn để đầu tư  thích đáng cho nông nghiệp, nông thôn nhất là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Phải đầu tư hoàn toàn hệ thống mương cấp 3 và xem xét miễn thuế sử dụng đất, thuế nghề cá cho nông dân”- Ông Minh nói.

Cải cách hành chính quá chậm; tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi

Bà Phạm Phương Thảo (ĐB TPHCM) cho rằng, cải cách hành chính làm quá chậm, chức năng chồng chéo, chế độ trách nhiệm và quyền hạn về tổ chức cán bộ không rõ ràng... vẫn chưa được khắc phục, thủ tục giấy tờ vẫn nhiêu khê, bộ máy cồng kềnh, biên chế thì lại phình lên so với đầu nhiệm kỳ. Thậm chí, hiện nay lại có nhiều việc “đẩy” về T.Ư quyết nhiều quá.

ĐB Nguyễn Ngọc Minh đồng tình với quan điểm này và chỉ ra thêm, thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của công dân và tổ chức cũng như quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau trên nhiều lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp; tính công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thấp; chưa có những biện pháp thật kiên quyết, hiệu lực, hiệu quả để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức sách nhiễu, vô trách nhiệm khi giải quyết công việc của dân, của doanh nghiệp nhưng chưa bị xử lý.

ĐB Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) nhấn mạnh: Công tác xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ; cơ chế quản lý kinh tế và quản lý tài sản nhà nước vẫn còn nhiều sơ hở.

Việc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng không ít nơi thực hiện chưa nghiêm; nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện nhưng việc điều tra xét xử còn chậm, có việc xử lý chưa nghiêm.

Cần một chiến lược về văn hóa thời WTO

ĐB Nguyễn Hữu Thỉnh (Bến Tre) kiến nghị: Trong tình hình giao lưu văn hóa quốc tế ngày càng được đẩy mạnh, hội nhập sâu rộng hơn, Chính phủ cần có sự đầu tư tương xứng hơn nữa cho văn hóa để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; có quyết sách sắc sảo, hiệu quả hơn để bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc khi Việt Nam đã gia nhập WTO.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thỉnh, việc bảo vệ, phát huy văn hóa dân tộc phải được nâng lên tầm chiến lược mới, tạo cơ sở để có thể tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tránh được những yếu tố văn hóa độc hại.

Đồng quan điểm, bà Phạm Phương Thảo (ĐB TPHCM) cho rằng cần có một chiến lược về văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Hiện nay, hoạt động văn hóa, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của ta còn thiếu tính bản sắc, thiếu đỉnh cao, việc quản lý văn hóa xã hội chưa chặt chẽ, tình trạng sử dụng ngôn ngữ mang tính chất “ngoại lai” trên các phương tiện truyền thông khá phổ biến... khiến các nhà văn và nhà văn hóa lo ngại.

Có bao nhiêu Bộ trưởng, Thứ trưởng đi đàm phán không cần phiên dịch?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Ngọc Trân (ĐB An Giang) cho rằng tính chuyên nghiệp của cán bộ trong bộ máy hành pháp còn yếu.

“Có bao nhiêu cán bộ, Thứ trưởng, Bộ trưởng đi họp, đàm phán với nước ngoài không cần phiên dịch?

Tại sao trong đàm phán WTO văn bản lại do phía Mỹ viết bằng tiếng Anh rồi ta mới dịch ra tiếng Việt, mà không phải là chúng ta soạn thẳng bằng tiếng Anh?”- Ông Trân đặt câu hỏi.

MỚI - NÓNG