Phải phân biệt rõ đặc xá với giảm án, tha tù

Phải phân biệt rõ đặc xá với giảm án, tha tù
TP- Đặc xá phải hiểu thế nào cho đúng? Có nên quy định cứng điều kiện được đặc xá? Nếu có khiếu nại thì trình tự và thủ tục giải quyết ra sao?
Phải phân biệt rõ đặc xá với giảm án, tha tù ảnh 1
Ông Nguyễn Minh Thuyết (ĐBQH Lạng Sơn) phát biểu tại hội trường.

Đó là những nội dung chính được tranh luận tại hội trường khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đặc xá chiều qua (27/3).

Đặc xá không thể xét đại trà!

Có ý kiến rằng, dự thảo Luật Đặc xá đã lẫn lộn giữa khái niệm đặc xá của Chủ tịch nước với giảm án, tha tù của cơ quan tư pháp.

“Đặc xá được hiểu là xá tội đặc biệt, nó thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, thế nhưng những năm gần đây có năm làm 3 đợt đặc xá và số trường hợp được đặc xá lên tới 23 ngàn người/năm, lớn hơn nhiều so với hơn 2 ngàn trường hợp được giảm án, tha tù do cơ quan tư pháp quyết định. Điều đó làm mất ý nghĩa của đặc xá” - ĐB Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) “mở hàng”.

Theo ĐB Dũng, nếu Chủ tịch nước đặc xá làm thường xuyên theo đợt thì phải chăng làm thay cơ quan thi hành án? Vì vậy dự thảo cần điều chỉnh khái niệm đặc xá để đúng với ý nghĩa của nó.

“Giảm án, tha tù làm thường xuyên của các cơ quan tư pháp dưới sự giám sát chặt chẽ của Viện kiểm sát mà số lượng thì thấp, trong khi đặc xá với sự đề nghị của Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương lên Chủ tịch nước lại với số lượng lớn, phải chăng con đường này dễ hơn?”-ĐB Dũng đặt câu hỏi.

ĐB Dũng còn lo ngại: Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhiều trường hợp một lần, lại không có cơ quan nào giám sát (vì theo luật) thì có thể xảy ra việc có trường hợp thiếu chính xác, phát sinh khiếu nại.

Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, dự thảo luật cần phân biệt rõ: đại xá là xóa tội làm vào dịp hết sức đặc biệt; giảm án tha tù là quyền của tòa án căn cứ vào sự ăn năn hối cải, sự cải tạo tốt của phạm nhân và số lượng người được xét là số đông; còn đặc xá là cho số ít trong những trường hợp đặc biệt và không tính thời điểm, nó thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

“Một phạm nhân là con còn lại duy nhất của một bà mẹ diện gia đình chính sách, mà bà mẹ ấy đang ốm nguy kịch sắp chết, trong trường hợp ấy Chủ tịch nước có thể quyết định đặc xá cho anh ta. Hoặc là những trường hợp đối ngoại” - ĐB Thuyết dẫn chứng.

“Hiến pháp quy định Chủ tịch nước là một thiết chế có chức năng là người đứng đầu Nhà nước và thay mặt Nhà nước  làm công việc đối nội và đối ngoại”- ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hóa) lập luận từ góc độ hiến pháp - “vì thế đặc xá-với tư cách là một hoạt động của Chủ tịch nước-phải đúng với chức năng ấy”.

Theo quan điểm của ĐB Lê Thị Nga, đặc xá là Chủ tịch nước quyết định  tha tù trong trường hợp đặc biệt đối với  người  đã chấp hành án đã có hiệu lực để thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại.

“Và vì thế, đặc xá thì không định kỳ, không thể đại trà và có thể không phụ thuộc vào sự phấn đấu trong cải tạo của phạm nhân” - ĐB Nga lập luận.

“Nếu lẫn lộn như dự thảo (quy định xét đặc xá định kỳ, điều kiện cứng xét đặc xá…) thì vô hình trung đã  biến Chủ tịch nước thành người thực hiện chính sách hình sự và thi hành án”- ĐB Nga nói.

Không nên quy định cứng về điều kiện đặc xá

ĐB Phạm Quý Tỵ (Chánh án TAND TP Hà Nội) băn khoăn về điều 11 và 12 của dự thảo luật quy định về điều kiện  để được đặc xá (đã chấp hành 1/3 thời hạn tù; 10 năm đối với tù chung thân; 12 năm đối với người bị án tử hình được ân giảm xuống chung thân).

Theo ĐB Tỵ là không nên quy định cứng như thế, vì đây thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước quyết định tùy vào tình hình. Vả lại, quy định cứng như ở dự thảo thì lại không phù hợp với chính sách hình sự hiện nay.

“Tù có thời hạn hiện tại có mức tới 30 năm, nếu quy định 1/3 thì chỉ cần chấp hành 10 năm là được xét đặc xá, trong khi án chung thân cũng chỉ cần chấp hành 10 năm là được xét thì không phù hợp. Khi xét xử việc cân nhắc tội trạng với mức án 30 năm tù và chung thân là rất khác nhau” - ĐB Phạm Quý Tỵ lập luận.

Cũng theo ĐB Tỵ, nếu quy định cứng như dự thảo thì sẽ hiểu là tất cả phạm nhân cứ đủ 1/3 thời gian chấp hành án tù  là được xét đặc xá, trong khi thực tế có những tội không bao giờ cho đặc xá như buôn bán ma túy chẳng hạn.

Cần quy định riêng về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

ĐB Phạm Quý Tỵ đề nghị dự thảo luật phải có quy định một chương riêng về khiếu nại tố cáo và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến đặc xá. 

“Các cơ quan chuẩn bị và tư vấn cho Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá, khi thực hiện dứt khoát sẽ có khiếu nại tố cáo, vậy xử lý ra sao? Có ý kiến cho rằng xử lý theo Luật Khiếu nại tố cáo, nhưng theo tôi luật ấy chỉ điều chỉnh đối với các quyết định hành chính, mà đặc xá của Chủ tịch nước thì không phải quyết định hành chính. Vì vậy phải có quy định thủ tục và trình tự giải quyết khiếu nại tố cáo về đặc xá riêng”- ĐB Tỵ phân tích.

Còn ĐB Lê Thị Nga thì cho rằng, vì hoạt động  thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại, nên hoạt động đặc xá của Chủ tịch nước không thể chịu sự giám sát của Viện kiểm sát mà là của Quốc hội. Vấn đề là quá trình giám sát như thế nào?

Theo ĐB Nga thì Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương  làm nhiều có thể có sai sót trong một số trường hợp cá biệt, vậy ai sẽ chịu trách nhiệm? “Lúc ấy Quốc hội sẽ chất vấn Chủ tịch nước. Vì vậy tôi đồng tình với ĐB Tỵ là không nên quy định điều kiện đặc xá cứng như trong dự thảo” - ĐB Nga nói.

MỚI - NÓNG