Phân định việc 'nói ngược' về Dự án Luật Quy hoạch

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc các bộ, ngành "nói ngược" là trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc các bộ, ngành "nói ngược" là trái nguyên tắc làm việc của Chính phủ.
TPO - Trước tình trạng các bộ “vênh” nhau, thậm chí được coi là “nói ngược” quan điểm khi Dự án Luật Quy hoạch được trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề này.    

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc báo cáo chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Luật Quy hoạch.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý với các nội dung đã chỉnh lý để đưa ra xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trong lần thảo luận gần đây nhất (ngày 17/3/2017, trong khuôn khổ phiên họp thứ 8 của cơ quan thường trực Quốc hội) về khái niệm tích hợp quy hoạch, danh mục các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch sử dụng biển quốc gia.

Về vấn đề thẩm quyền lập quy hoạch sử dụng đất, Thủ tướng chỉ đạo bổ sung quy định Bộ TN&MT là thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch sử dụng đất an ninh cấp quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc phòng cấp quốc gia. Thủ tướng cũng xác định Bộ TN&MT phải là cơ quan tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh.

Về quy hoạch xây dựng, Thủ tướng chỉ đạo giải trình các nội dung chỉnh lý dự thảo luật mà Bộ KH&ĐT chủ trì soạn thảo theo hướng kế thừa, tích hợp đồng bộ nội dung quy hoạch xây dựng vùng vào Quy hoạch vùng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện vào quy hoạch tỉnh.

Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng vùng cũng được ấn định phải thực hiện theo quy định của luật Xây dựng và pháp luật về xây dựng khác có liên quan. Quy định về việc quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn được yêu cầu bổ sung điều khoản quy định “thực hiện theo pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị”.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên. Bộ Xây dựng khẳng định, quy hoạch xây dựng là loại quy hoạch vật thể, trực tiếp tạo lập, tổ chức không gian vật thể bao gồm các công trình bất động sản, nhà ở, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Theo đó, quy hoạch xây dựng luôn hiện hữu, tác động lớn, trực tiếp, thường xuyên, liên tục tới không gian sống của từng người dân và toàn xã hội, tạo lập bộ mặt đô thị, nông thôn hiện đại và có bản sắc. Quy hoạch xây dựng cũng là công cụ pháp lý, công cụ quản lý Nhà nước cơ bản để kiểm soát quá trình phát triển, quá trình xây dựng đô thị và nông thôn theo quy hoạch và có kế hoạch.

“Công tác quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng đã ngày càng đi vào nề nếp, trở thành công cụ quan trọng và không thể thiếu để quản lý đầu tư xây dựng. Trong quá trình thực hiện quy định tại Luật Xây dựng về công tác quy hoạch xây dựng, đã phát sinh một số bất cập cần chấn chỉnh nhưng chủ yếu do nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện chứ không phải do quy định pháp luật”, Bộ trưởng Xây dựng nhận định.

Tại các phiên họp của Uỷ ban TVQH gần đây, khi thảo luận về Dự án Luật Quy hoạch, đại diện các bộ, ngành và Bộ KH&ĐT đã thể hiện sự “vênh” nhau, thậm chí nói ngược nhau.

Điều này khiến Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng các bộ nói ngược như thế là “trái nguyên tắc làm việc”, là làm luật theo kiểu “đẽo cày giữa đường”.

MỚI - NÓNG