Phẫu thuật cho voi

Chú voi bị thương do dính bẫy sẽ được giữ lại trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk để được chăm sóc và tiếp tục theo dõi.
Chú voi bị thương do dính bẫy sẽ được giữ lại trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk để được chăm sóc và tiếp tục theo dõi.
TPO - Ngày 29/6, phóng viên báo Tiền Phong có mặt tại khu Cứu hộ Voi tại xã Krông Na huyện Buôn Đôn, chứng kiến một cuộc phẫu thuật voi độc đáo, do cán bộ Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk cùng các bác sĩ, chuyên gia tư vấn quốc tế thực hiện.

Thời điểm các cán bộ Trung tâm bảo tồn Voi Đắk Lắk (TT) phát hiện chú voi hoang bị sập bẫy của cánh săn thú ở vùng rừng thuộc tiểu khu 470 Vườn Quốc gia Yok Đôn, là ngày 19/2/2015.

Bé voi đực lạc đàn khi đó khoảng 4 tuổi, bị thương rất nặng. Các móng chân trước bên trái của nó bong mất, tai bị sứt, bàn chân sưng tấy, có ổ mủ lớn, vòi thủng một lỗ. Ngay sau đó TT đã phối hợp với Vườn Quốc gia Yok Đôn mời các chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á sang hội chẩn. 

Hai tiến sĩ động vật là ông Bendixen Tuấn, và ông Philippa David Willem Johannet đã gây mê kiểm tra vết thương, đưa ra phác đồ điều trị cho June. Đến tháng 4/2015, đoàn chuyên gia về Voi từ Thái Lan qua hỗ trợ, gồm bác sĩ thú y Udorn Udsom và 2 người chuyên huấn luyện voi là ông Khajohnpat Boonprasert và ông Songkran Aoobkham, tiếp tục tư vấn và xử lý ổ mủ ở chân June ngay trong vạt rừng “mượn tạm” sau trụ sở Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Hơn 10 cán bộ, nhân viên TT được phân công thay nhau chăm sóc con voi tội nghiệp, mà sau đó họ đặt tên là June, để kỷ niệm một ngày tháng Sáu TT thả nó trở về rừng nhưng nó đã tìm đường quay lại, không rõ do đàn voi hoang không cho nó nhập bầy, hay nó tự thấy đã quen thuộc với việc hàng ngày được cán bộ TT chiều chuộng, chăm bẵm. 

Voi cái 60 tuổi tên Y Khun được điều tới làm “bảo mẫu” để vỗ về voi June mỗi khi cần dỗ nó chịu ăn cỏ, uống thuốc. Mỗi ngày June được cán bộ TT bồi dưỡng cho nhiều món ngon lành, thường là 1 bao trái bắp tươi, 3 cây chuối ngọt, 2 bao cỏ non mềm do chính cán bộ TT phải lội xuống sông cắt hái.

Ông Huỳnh Trung Luân giám đốc TT cho biết : Việc cứu chữa cho June trong hơn 1 năm qua đã nhận được sự hỗ trợ miễn phí của các chuyên gia nước ngoài đến từ Hiệp hội Voi nước Mỹ, Tổ chức Động vật châu Á, Trung tâm Bảo tồn Voi Thái Lan.

Anh Nguyễn Công Chung thạc sĩ thú y, phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk kể: Sau nhiều tháng chăm sóc tỉ mỉ, tới tháng 9/2015 thấy chân voi June vẫn còn đau, đi cà nhắc, TT đã nhờ chuyên gia người Thụy Điển đang rà phá bom mìn ở Quảng Bình đem máy dò tìm kim loại đến rà vào chân voi June, nhưng không hiệu quả.

Gần đây, TT phải cậy đến Trung tâm chẩn đoán Hoà Hảo của TP Hồ Chí Minh vào cuộc. Họ đem máy chụp X-quang di động nặng cỡ 20 kg lên Đắk Lắk, soi chụp bàn chân voi June, may phát hiện được một đoạn kim loại dài khoảng 20 cm nằm sâu trong thịt nó. 

Ngày 11/5, bác sĩ thú y Willem Schaftenaar chuyên gia tư vấn chăm sóc voi Châu Âu cùng các bác sỹ thú y của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã gây mê, mổ gắp ra đoạn dây kim loại. Đến nay, vết mổ ở chân June đã liền da, sức khỏe của June cũng đang hồi phục tốt.

Phẫu thuật cho voi ảnh 1

Điều trị vết thương ở chân voi

Tuy nhiên, mông của nó lại mọc lên một cái áp xe to như cái tô, còn bàn chân mất móng vẫn chưa hết đau, là lý do June lại phải chịu thêm một đợt gây mê nữa để điều trị. Nhóm cán bộ TT chuẩn bị đủ mọi thứ dụng cụ từ chiều hôm trước. 

Phẫu thuật cho voi ảnh 2Vết thương mổ áp-xe ở chân sau bên trái
7h sáng ngày 29/6/2016, nhóm cán bộ TT gồm 5 người, cộng thêm 1 chuyên gia người Việt của Tổ chức bảo tồn Voi Châu Á và 2 nữ bác sĩ thú y người Mỹ đã tề tựu đông đủ. June tự đi vào trong cũi gỗ khổng lồ cho các chuyên gia tiêm thuốc gây mê. Sau đó nhóm cán bộ TT mới dùng loại những cuộn dây dẹp rộng bản ràng luồn qua ngực và bụng nó, để bảo đảm nó vẫn được đỡ đứng yên khi đã mê, rồi mới làm vệ sinh sạch sẽ cho June để tiến hành phẫu thuật.    

Trong 45 phút, bác sĩ Susan cùng chuyên gia quản lý voi Erin Ivory của vườn thú Bắc Carolina (Mỹ) kiêm Tư vấn quản lý voi cho tổ chức Phúc lợi Hoang dã (Anh) đã mổ lọc sạch chỗ áp xe sau mông voi, và dùng các công cụ chuyên dụng tách bỏ các phần tế bào chết ở các đầu ngón chân voi đã mất móng. Ngay sau khi tan thuốc gây mê, June đã tỉnh táo, bước ra khỏi cũi. 

Phẫu thuật cho voi ảnh 3 Vết thương ở chân và vòi do dính bẫy của chú voi, sau khi được mổ, gắp mảnh kim loại ra khỏi cơ thể đang phục hồi nhanh
Phẫu thuật cho voi ảnh 4

Bà Erin Ivory cùng nhân viên Trung tâm Bảo tồn Voi chuẩn bị thức ăn cho June sau phẫu thuật.

Nhìn June ăn uống ngon lành sau phẫu thuật, bà Erin Ivory thở phào nhẹ nhõm, vui vẻ chia sẻ: Sau khi biết chuyện voi June bị thương, chúng tôi đã cử chuyên gia đến đây hỗ trợ,  nhắc nhở các nài voi địa phương tuyệt đối không ra lệnh cho voi bằng cách đánh đập. Hiện chưa xác định được thời gian vết thương sẽ lành, nên chưa thể trả June về rừng. Hy vọng việc nuôi dưỡng June ở Trung tâm Bảo tồn Voi sẽ tạo cho nó một môi trường sinh trưởng thuận lợi, gần gũi với thiên nhiên

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.