Phiêu bồng với dù bay

Phi công Nguyễn Tuấn Võ đang bay với lá cờ Tổ quốc. Dưới đất, anh Julien đang hướng dẫn phi công thông qua bộ đàm
Phi công Nguyễn Tuấn Võ đang bay với lá cờ Tổ quốc. Dưới đất, anh Julien đang hướng dẫn phi công thông qua bộ đàm
TP - Trên trời, ở độ cao hàng trăm mét, anh Gilles - phi công dù bay người Pháp đang lướt gió ào ào. Dưới đất, anh Julien - bạn anh Gilles đang vẫy tay, hét to đầy phấn khích giúp một đồng đội người Việt chạy lấy đà: “Go, go, more gas…” (chạy đi, tăng ga…).

Phi công dù bay Việt là anh Hùng Mitsu. Trên lưng anh đeo động cơ hai thì, công suất 16 ngựa, hai cánh quạt bay vù vù, tiếng động cơ nổ panh panh gấp gáp, cánh dù rạp đất bắt đầu dựng đứng lên. Anh hơi ngửa ra sau, lấy hết sức chạy trên bãi đất sau mưa còn trơn trượt. Loạng choạng khoảng hơn chục mét, lực đẩy của máy, lực nâng của chiếc dù đủ màu hình chữ nhật kéo anh lao thẳng vào không trung. 

“Sân bay dã chiến Cần" Giờ

Sáng sớm chủ nhật giữa tháng 10, huyện biển Cần Giờ (TPHCM) trời ầm ì rồi bỗng nhiên đổ một trận mưa rào. Chuyến bay tưởng phải hoãn. May sao, trời sớm hửng nắng, đủ để đội bay “cất cánh”. Lẽ ra đội bay cất cánh tại bãi biển Tiếng Sóng, nhưng vì trời mưa nên anh em chuyển vào bay tại bãi đất trống khu vực Trung tâm hành chính huyện. Trung tá Nguyễn Ngọc Ngự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hàng không miền Nam, Sư đoàn Không quân 370, tiếc rẻ: Ở Cần Giờ có hai điểm bay tốt. Bay ở bãi biển thú vị hơn, nhưng sau cơn mưa nhiều bùn nhão quá, khó chạy. 

Chuyến bay sáng chủ nhật có 8 phi công dù bay. Xuất phát từ Sài Gòn khoảng 5 – 6 giờ sáng theo nhiều tốp, đến 8 giờ mọi người đã lục tục có mặt tại Cần Giờ để chuẩn bị cho buổi bay. Thời tiết thuận lợi nhất cho phi công dù bay là khoảng 8-9 giờ sáng. Lúc đó nắng sớm mai, trời dịu, gió thổi nhẹ. Phi công thường bay tới khoảng 11 giờ trưa, sau đó ăn uống, nghỉ ngơi trước khi trở lại Sài Gòn. Việc kiểm tra kỹ thuật máy móc trước khi bay là bắt buộc. Tự mình, các phi công phải lắp lưới bảo vệ vào động cơ, kiểm tra dù, máy bộ đàm, đồng hồ đo độ cao, đồng hồ đo tốc độ gió, pha xăng với nhớt, chạy thử động cơ… Chuyến bay lần này có hai phi công người Pháp là anh Gilles và anh Julien Mouraud đang làm việc cho một công ty Thụy Sỹ ở Việt Nam. Anh Julien có vẻ ngấm ngầm “sướng củ tỉ” vì chỉ có mình anh là được vợ và hai con đến tận nơi cổ vũ nhiệt tình. Chị Thủy vợ anh còn không bỏ lỡ cơ hội giúp chồng, khi thì buộc giùm dây đai, lúc thì lấy giúp cờ lê để anh tháo tháo, vặn vặn. Nhưng Julien cũng hơi “xui” là động cơ của anh trục trặc suốt khiến anh gần như là người cất cánh cuối cùng.
Dù bay (paramotor) vốn dĩ là một biến thể của dù lượn (paragliding) được gắn động cơ. Là một cánh dù hình chữ nhật, nối với một động cơ tạo lực đẩy bằng cánh quạt. Phần buộc vào phi công có một đế nhựa, để khi ở trên không trung nó sẽ trở thành ghế ngồi. Phi công đeo động cơ trên người và chạy lấy đà để nhờ lực kéo, sức rướn của người, lực đẩy của cánh quạt và gió nâng dù bốc lên khỏi mặt đất. Điều khiển dù ngoài hệ thống dây dù hai bên giúp phi công điều chỉnh hướng bay, còn có bộ phận điều khiển động cơ, tăng giảm ga như tay phanh (thắng) xe máy. Dù bay có tốc độ khoảng 40km/giờ và bay được ở độ cao hàng cây số. 

Phiêu bồng với dù bay ảnh 1

Anh Julien lúc nào cũng được vợ là chị Thủy ở bên, động viên, giúp đỡ

Anh Gilles cao cỡ 1,9m, tướng tá như nghệ sĩ, vui tính, dáng dong dỏng nhưng rất khỏe. Trong khi các phi công khác còn loay hoay tháo lắp… thì anh đã vác cả máy lẫn dù vào bãi và bay khai trương chuyến đầu tiên. Chạy dứt khoát, tăng ga hợp lý, sức rướn tốt, chỉ khoảng 10m chạy đà chiếc dù chữ nhật đã kéo anh vút lên. Kéo nhẹ cánh dù bên phải, anh cua một vòng ngoạn mục trước khi bay tít trên cao đến khi cả người lẫn dù còn nhỏ xíu trước sự ngưỡng mộ của những người chứng kiến bên dưới. Gilles bay chủ yếu để thỏa mãn thú vui được bay, ngắm cảnh vật từ trên cao nên hầu như anh bay những vòng rất rộng và ít biểu diễn kỹ thuật. Gilles khỏe nên bay suốt hơn 3 giờ liên tục.
Phi công người Việt bay vất vả hơn. Khoảng phân nửa phải chạy đà hơn một lần mới cất cánh được. Phần do mang vác quá nặng, khoảng trên dưới 30kg, đường trơn, phần do kỹ thuật nên nhiều phi công chạy được nửa đường, chuẩn bị cất cánh thì cánh dù rộng hàng chục mét đột nhiên sụp xuống, phải bay lại. Đó có thể là lý do để dù bay vắng bóng nữ phi công trong khi dù lượn không thiếu chị em, nhiều người đạt đẳng cấp không thiếu nam giới ngưỡng mộ. Đem thắc mắc hỏi anh Lương Hoàng Hà, trưởng bộ môn dù bay, anh thừa nhận ở nước ngoài nữ phi công dù bay không thiếu nhưng ở Việt Nam đúng là chưa thấy có ai tham gia.   

Các phi công: Hà, Hùng, Tuấn, Sơn, Julien, Gilles… mỗi người bay một lượt. Tùy theo nhiên liệu đổ nhiều hay ít mà bay dài hay ngắn. Anh Julien vã mồ hôi sửa máy, đến khi sửa xong thì trời đã gần trưa. Anh nhiệt tình giúp các bạn bay khác nên chỉ bay được khoảng 30 phút, biểu diễn một vài động tác điệu nghệ trên không trung. Chị Thủy vợ anh lội sình ra tận bãi bay cổ vũ chồng, còn con anh thì nắng quá, cả hai chui vào ôtô ngồi. Hỏi sao chuẩn bị thì lâu mà bay ít thế? Anh bảo, hôm nay tôi mệt quá, vả lại ghế ngồi nhỏ, tôi thấy vướng víu, khó chịu. Julien cao trên 1,8, nặng cỡ 90kg mà ghế ngồi thuộc loại nhỏ, dành cho người Việt thì đúng là bất tiện thật. Khi hạ cánh, Gilles vẫn giữ tác phong vui nhộn thường lệ. Hỏi anh thấy thế nào, mệt không sau hơn ba tiếng bay lượn trên không? Anh nói, vui chứ nhưng cũng hơi mệt vì “anh thử nghĩ coi, tai thì bị tra tấn bởi tiếng ồn, người thì rung bần bật cùng động cơ đeo sau lưng”.

“Bổ nhào" gắp can xăng

Sung nhất có lẽ là phi công Nguyễn Tuấn Võ. Anh là người duy nhất bay ba lần với ba dù khác nhau. Lần nào anh cũng cất cánh rất “ngọt”, chỉ chạy đà quãng ngắn là dù bốc ngay lên cao. Anh em dưới đất nhận xét vui “thằng này sức trâu mà nên bay ngon lắm”. 

Phiêu bồng với dù bay ảnh 2

Phiêu bồng với dù bay 

Điều đáng ngạc nhiên, Nguyễn Tuấn Võ là phi công khóa đầu tiên được đào tạo tại Câu lạc bộ hàng không phía Nam, do các huấn luyện viên là những phi công dù bay đầu tiên được đào tạo tại Thái Lan và những phi công kỳ cựu như Julien truyền đạt. Ngoài việc làm chủ kỹ thuật, Nguyễn Tuấn Võ còn có sức khỏe lý tưởng cho vận động viên dù bay, cùng niềm đam mê bay, thích làm và làm bằng được những động tác bay khó. Sau lần bay đầu thành công, anh chuyển qua bay với dù treo một lá cờ Tổ quốc cỡ lớn phía sau. Dù nặng hơn, cồng kềnh, cất cánh khó hơn nhưng anh cũng chỉ thực hiện với một lần chạy đà duy nhất. Chuyến bay cuối anh thực hiện một số động tác khó mà đồng đội là phi công Lương Hoàng Hà thực hiện thành công trước đó: hạ cánh đúng điểm. 

Điểm ở bãi bay không phải là vòng tròn mà là chai nước suối hoặc đơn giản và sẵn có là vỏ can xăng 20 lít. Phi công thực hiện động tác bay từ xa hạ dần độ cao, bay là là mặt đất rồi đáp trúng mục tiêu. Phi công Lưu Minh Hoàng Sơn cho biết, cái khó nhất của phi công khi làm động tác này là làm sao điều khiển dù ở độ cao đủ thấp, đúng hướng để đáp trúng mục tiêu, đồng thời không quá thấp để rơi xuống đất… 

Phi công Nguyễn Tuấn Võ còn làm thành công động tác được đồng đội không ngớt lời khen ngợi: dùng chân gắp can xăng. Đây thực ra là một nội dung thi trong các cuộc thi dù bay quốc tế. Theo đó vận động viên dùng chân gắp một quả bóng đường kính cỡ nửa thước thả vào lưới. Hoặc, dùng chân móc vòng bay lên…Dĩ nhiên dù là gắp bóng hay móc vòng thì kích thước của những vật đó to hơn can xăng nhiều.
Trong một khoảnh khắc ngẫu hứng, phi công Nguyễn Tuấn Võ hạ độ cao, “bổ nhào” tới gần mục tiêu, dùng hai chân gắp can xăng rồi tăng tốc, kéo dù vọt lên cao trong tiếng reo hò cổ vũ của người hâm mộ.

Câu lạc bộ hàng không phía Nam (CLB) thuộc Sư đoàn Không quân 370 là nơi đào tạo phi công dù bay, cấp phép bay. Chi phí khóa học khoảng 20 triệu đồng. Sau khi hoàn tất khóa học, đủ điều kiện bay, phi công dù bay có thể thuê dù bay để bay hoặc bay bằng dù của mình. Một chiếc dù bay, gồm dù và động cơ, thiết bị đi kèm giá khoảng 200 – 250 triệu đồng. Hiện tại, cả nước chỉ có hai nơi có phi công dù bay, ngoài CLB là Trung tâm quốc gia huấn luyện tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn đường không. Phi công dù bay, ngoài mục đích thể thao còn tham gia bay biểu diễn lễ hội, phục vụ du lịch, quan sát cháy rừng, cứu hộ cứu nạn, chụp không ảnh…

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.