Phố ẩm thực Hà Nội làm gì để hút khách?

Phố ẩm thực Tống Duy Tân- Cấm Chỉ biển quảng cáo chiếm lòng đường.
Phố ẩm thực Tống Duy Tân- Cấm Chỉ biển quảng cáo chiếm lòng đường.
TP - Hà Nội đang khảo sát để tổ chức hai tuyến phố ẩm thực góp phần thu hút khách du lịch gồm cải tạo nâng cấp phố Tống Duy Tân-Cấm Chỉ và phố Đào Duy Từ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại lại rơi vào “vết xe đổ” nếu hai tuyến phố này không thực sự tạo được bản sắc riêng…

Thiếu bản sắc và sự chuyên nghiệp

Chúng tôi có mặt trên phố Tống Duy Tân-Cấm Chỉ quận Hoàn Kiếm, nơi từng được thành phố đầu tư để phát triển phố ẩm thực từ năm 2002, chứng kiến sự thưa vắng thực khách. Ngay sau những ngày khai trương rầm rộ, phố Tống Duy Tân đã không thực sự được thực khách quan tâm do thiếu sự tổ chức chuyên nghiệp, thiếu đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Do không được đầu tư, hạ tầng tuyến phố đã xuống cấp nặng, gạch lát ở nhiều nơi bong tróc. Tại phố Cấm Chỉ mặt đường bị thu hẹp lại chỉ đủ 2 xe máy lách nhau bởi biển hiệu hàng quán đua nhau  lấn chiếm lối đi. Nhiều cửa hàng tận dụng không gian bên ngoài đặt bát, đĩa, xoong bẩn chờ rửa, những thùng rác thải bẩn thỉu và nhếch nhác.

Về ẩm thực trên Tống Duy Tân, phố hầu như không có gì đặc sắc, chỉ đơn thuần các món lẩu, cơm rang, gà tần… khiến cho nhiều du khách đến đây tỏ vẻ thất vọng. Đối với du khách Việt thì đồ ăn ở phố ẩm thực không chỉ đơn điệu mà còn khá đắt đỏ. Chị Bùi Huỳnh Thuỷ (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết, tôi ăn đĩa cơm đảo gà rang mất hơn 150 ngàn đồng. “Riêng đĩa cơm đảo chưa có thức ăn có giá đến 70 ngàn đồng, tôi nghĩ giá đó quá cao”, chị Thuỷ nói.

Theo đại diện Cty lữ hành A.T.P, bên cạnh những tour du lịch thông thường, du lịch ẩm thực đang là xu hướng được nhiều du khách quốc tế lựa chọn khi đến  Hà Nội. Đối với Hà Nội, du khách rất thích thú khi được thử những món ăn vỉa hè, chiêm nghiệm các câu chuyện về cách chế biến những thức ăn đó… Một số khách sạn trong khu phố cổ cũng bắt đầu liên kết với các Cty lữ hành để mở các tour ẩm thực trong ngày. Khách du lịch nước ngoài thường ấn tượng mạnh với ẩm thực Việt. Tuy nhiên, vị này cũng nêu khó khăn: “Các cửa hàng ăn nhỏ lẻ thường có sức chứa hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu của lượng lớn khách du lịch. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố luôn là nỗi lo thường trực của các tour ẩm thực”.

Làm gì để thu hút khách?

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện UBND phường Hàng Bông thừa nhận, phố ẩm thực Tống Duy Tân – Cấm Chỉ xuống cấp, không còn đáp ứng được mong đợi về một khu phố ẩm thực đặc trưng. Không chỉ xuống cấp về hạ tầng mà còn cả về đồ ăn thức uống. “Lãnh đạo quận đã khẳng định sẽ nâng cấp toàn bộ, tổng thể tuyến phố này trong thời gian tới”, vị cán bộ phường  nói. Đại diện Sở Du lịch Hà Nội khẳng định: Phát triển du lịch ẩm thực là một trong 5 loại sản phẩm trọng tâm của ngành du lịch Thủ đô, gắn với một sản phẩm quan trọng khác của Hà Nội là du lịch khu phố cổ, phố cũ. Tuy nhiên, sự tôn vinh của thế giới tạo cơ hội và cả thách thức với việc phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực của Hà Nội. Bởi từ trước tới nay, ở nước ta, du lịch ẩm thực chưa được đầu tư một cách toàn diện. Việt Nam cũng chưa có thương hiệu ẩm thực của riêng mình.

Theo kế hoạch phát triển chuỗi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn Hà Nội năm 2017 - 2018, Sở Du lịch đã khảo sát khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, khu phố cũ, khu vực gần Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Kết quả khảo sát đã được tổng hợp và sẽ trình thành phố trong thời gian sớm nhất. Sở Du lịch cho biết thêm: “Dựa trên khảo sát ban đầu, phố ẩm thực Tống Duy Tân – Cấm Chỉ sẽ được nâng cấp, cải tạo trên cơ sở các ẩm thực đặc trưng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Một tuyến phố ẩm thực khác được nhắm đến để phát triển là phố Đào Duy Từ”.

Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, phụ trách Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam cho biết, để tạo được một khu phố ẩm thực cần có sự tổ chức chuyên nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng tốt. Bản thân các đơn vị tham gia vào phố ẩm thực phải có uy tín, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Phải quan tâm những chi tiết nhỏ nhất như: Đũa tre hay đũa nhựa, có nên dùng đũa dùng 1 lần… Đồng tình với quan điểm trên, KTS Đoàn Kỳ Thanh (một trong những thành viên sáng lập Zone 9) cho biết thêm, không gian kiến trúc trong phố ẩm thực là vô cùng quan trọng. Điều này gián tiếp tạo ra không khí ăn uống hồ hởi, thu hút du khách.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.