Huyện bội chi ngân sách hơn 12,6 tỷ đồng:

Phó bí thư Huyện ủy đề nghị làm rõ trách nhiệm của chính mình

Lúa chịu mặn phát triển trên đất nuôi tôm ở Hồng Dân. Ảnh: Thanh hải
Lúa chịu mặn phát triển trên đất nuôi tôm ở Hồng Dân. Ảnh: Thanh hải
TP - Ông Trần Văn Danh làm Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) từ năm 2011 đến tháng 7/2013 và nay đương chức Phó bí thư thường trực Huyện ủy, có văn bản gửi cấp trên đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông và người khác trong việc bội chi ngân sách. 

Số liệu kiểm tra của nhiều cơ quan ở huyện Hồng Dân và tỉnh Bạc Liêu vừa công bố, từ năm 2007 đến 2013, huyện Hồng Dân bội chi hơn 12,6 tỷ đồng. Trong đó, bội chi ở khối quản lý nhà nước hơn 7,2 tỷ đồng, khối Đảng gần 5,4 tỷ đồng.

Khoa học phục vụ nông lâm nghiệp còn chậm

Bội chi ngân sách ở khối quản lý nhà nước, chủ yếu do thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp. Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu cho biết, từ năm 2009 đến 2012, chỉ riêng hợp đồng với Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu 3 đề tài, 1 dự án đã bội chi hơn 3,4 tỷ đồng. Những nghiên cứu này gây bội chi ngân sách ở Phòng NN&PTNT, Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ.

Giải trình của Huyện ủy Hồng Dân, khi chia tách với huyện Phước Long vào năm 2000, huyện Hồng dân có 27.675 ha đất canh tác, trong đó vùng ngọt hóa chỉ khoảng một phần ba, còn lại đất mặn và nhu cầu đa canh để nâng cao đời sống người dân rất bức bách. Huyện hợp tác với Trường ĐH Cần Thơ nghiên cứu các giống lúa chịu mặn để đưa vào canh tác trên đất nuôi tôm đã thành công, giúp hàng nghìn nông hộ có cuộc sống khá giả.

“Tuy nhiên, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ cấp cho huyện mỗi năm chỉ có 120 triệu đồng, không đủ thực hiện các đề tài nên phải tạm ứng và bội chi xảy ra”, Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út giải thích.

Năm 2011, Sở KH&CN đã cấp cho huyện hơn 450 triệu đồng để bù đắp thiếu hụt. Còn Sở Tài chính cho biết, năm 2012, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đã có tờ trình cấp thêm cho huyện 2 tỷ đồng nhưng đến nay chưa giải ngân được do thủ tục phức tạp.

Giám đốc Sở KH&CN Huỳnh Minh Hoàng thừa nhận, thủ tục tài chính nhiêu khê và kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp “nhưng huyện cũng có khuyết điểm là cầm đèn chạy trước ô tô và không tích cực làm các thủ tục quyết toán”.

Quản lý ngân sách Đảng chưa tốt

Thông báo mới đây của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Thường trực Huyện ủy Hồng Dân quản lý ngân sách Đảng còn “hạn chế, thiếu sót, vi phạm nguyên tắc tài chính”. Từ năm 2008 đến cuối 2013, bội chi gần 5,4 tỷ đồng. Báo cáo của Tổ khảo sát (gồm Sở Tài chính, Văn phòng Tỉnh ủy…) của Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết cụ thể: Bội chi từ 2008 đến 2010 gần 419 triệu đồng; năm 2011 là 485 triệu đồng, năm 2012 tăng hơn ba lần lên 1 tỷ 750 triệu đồng và năm 2013 tiếp tục tăng đến 2 tỷ 730 triệu đồng.

Những khoản chi lớn làm bội chi ngân sách chủ yếu do phát sinh ngoài dự toán. Trong đó chi phụ cấp cho các cấp ủy viên và cán bộ được điều động về (làm thừa biên chế) hơn 1 tỷ đồng. 

Số tiền bội chi gần 5,4 tỷ đồng của các cơ quan Đảng, được ứng từ UBND huyện và nay vẫn treo nợ. Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bạc Liêu, ngoài số tạm ứng phải thu hồi, còn lại gần 4 tỷ đồng đủ điều kiện để quyết toán. Lẽ ra, số tiền này đã được làm thủ tục quyết toán hàng năm nhưng để kéo dài nhiều năm là khuyết điểm của Thường trực Huyện ủy Hồng Dân.

Tiếp khách nhiều tỷ đồng

Có một nội dung, trong nhiều văn bản của các cơ quan chức năng khi kiểm tra việc bội chi ngân sách ở huyện Hồng Dân đều đề cập và yêu cầu chấn chỉnh là chi tiếp khách. Ngân sách Nhà nước cũng như ngân sách Đảng đều chi số tiền lớn, kéo dài nhiều năm.

Đáng chú ý, một “nguyên nhân làm bội chi ngân sách của huyện”, theo Tổ khảo sát là “huyện có Khu căn cứ Tỉnh ủy” cho nên hàng năm các đoàn khách về thăm và làm việc rất đông. Khoản chi này tăng rất lớn qua từng năm, nếu từ 2008 đến 2010 chi cho “các đoàn về thăm căn cứ” chưa quyết toán được hơn 50 triệu đồng, thì từ năm 2011 đến 2013 tăng lên gần 300 triệu đồng.

Trong 3 năm gần đây, chi tiếp khách hơn 1,2 tỷ đồng. Huyện vùng sâu thiếu đường bộ, phải chạy ca nô rất tốn xăng dầu, nên tiền nhiên liệu cho ca nô trong 3 năm hơn 2 tỷ đồng (gần 600 triệu đồng phục vụ các đoàn khách).

Vùng căn cứ cách mạng cũ có nhiều cán bộ hưu trí, người có công nên việc tặng quà hàng năm cũng tốn kém. Báo cáo của UBND huyện, từ đầu năm 2007 đến giữa năm 2011 còn để lại đến nay chưa quyết toán được gần 450 triệu đồng “chi hỗ trợ cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện đi tham quan, khám bệnh”.

Ngân sách Đảng chi quà tặng cán bộ hưu trí và quà tết từ năm 2008 đến 2010, gần 800 triệu đồng. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu chỉ ra “chi hỗ trợ người có công với cách mạng” trong hai năm 2012 và 2013 số tiền gần 150 triệu đồng “sai với quy định”.


Báo cáo ngày 29/8 của Huyện ủy Hồng Dân cho biết, đã kỷ luật nhiều cán bộ trực tiếp quản lý tài chính ở Văn phòng Huyện ủy. Khối Văn phòng Huyện ủy do Phó bí thư thường trực Trần Văn Danh phụ trách. Hiện nay, Huyện ủy đang thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để “sớm ổn định tình hình, tập trung thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.