Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính nghĩa bao giờ cũng thắng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn chiều 12/6. Ảnh chụp qua màn hình.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn chiều 12/6. Ảnh chụp qua màn hình.
TPO - “Chúng ta được ủng hộ bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng, đó là kinh nghiệm xương máu truyền thống của dân tộc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về tình hình trên biển Đông và giải pháp của Việt Nam, chiều 12/6.

Không phụ thuộc kinh tế bất cứ nước nào

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, trong thảo luận nhiều đại biểu đã nêu nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc nền kinh tế nước láng giềng “to người nhưng xấu bụng”. “Chính phủ đã có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh, quốc phòng”, ông Thuyền hỏi.

"Có thể khẳng định một điều rằng đến nay chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh và báo cáo Quốc hội về vấn đề này”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời. Tinh thần là xây dựng nền kinh tế chủ động ứng phó với mọi tình huống, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng trong một thế giới phẳng thì không có nền kinh tế nào hoàn toàn độc lập.

ĐB Nguyễn Bá Thuyền: Chính phủ đã có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với an ninh, quốc phòng?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có thể khẳng định một điều rằng đến nay chúng ta không phụ thuộc về kinh tế với bất cứ nước nào, tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh và báo cáo Quốc hội về vấn đề này.

Để tự chủ kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng. Ngoài ra, phải thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, có chọn lọc hơn, đặc biệt là những dự án mang hàm lượng khoa học, công nghệ. Thực hiện đa dạng hóa thị trường, cả nhập khẩu và xuất khẩu, phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước, khai thác thị trường nội địa với trên 90 triệu dân.

“Chính phủ đã đa dạng hóa thị trường, giảm bớt, không phụ thuộc vào thị trường một nước nào. Chúng ta đã có 6 hiệp định thương mại lớn kể cả đa phương và song phương. Sắp tới đây chúng ta sẽ có một số hiệp định thương mại tự do lớn”, Phó Thủ tướng cho biết. Thêm vào đó, chúng ta vẫn chủ trương giữ quan hệ làm ăn thương mại, đầu tư, du lịch với Trung Quốc thông qua các hiệp định đa phương, song phương giữa ASEAN- Trung Quốc và Việt Nam- Trung Quốc trên tinh thần hai bên cùng có lợi.

Trả lời về việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư sau khi một số doanh nghiệp (DN) bị đốt phá, Phó Thủ tướng khẳng định, chúng ta đã tiến hành xử lý nghiêm một số trường hợp cầm đầu, ngoan cố trong những vụ việc vừa qua. Cùng với đó đã triển khai nhiều giải pháp kịp thời, đồng bộ để hỗ trợ DN, giải quyết vấn đề bảo hiểm cho DN.

Ngoài ra, một số chính sách mới kịp thời đã được giải quyết như giảm thuế, chậm nộp tiền thuê đất, cho mượn mặt bằng để xây dựng các nhà xưởng. “Đáng lẽ những giấy phép đầu tư trong 10 ngày nhưng các cơ quan đã giải quyết chỉ trong mấy tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng liên quan làm việc ngày đêm để phục vụ DN”, Phó Thủ tướng nói. Nhờ vậy đến nay gần 100% DN đã trở lại hoạt động bình thường.

"Trong họa có phúc”

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự đồng tình với những bước đi và đối sách của Đảng, Chính phủ yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cũng thời gian này, hai từ Việt Nam thân yêu được tin tức thế giới đưa rất nhiều trên truyền thông quốc tế. Cờ Tổ quốc Việt Nam được người Việt Nam ở nước ngoài và cả người nước ngoài phất cao tung bay ở nhiều thành phố trên thế giới.

“Đúng là trong họa có phúc, trong thách thức có cơ hội. Vậy Chính phủ đã và sẽ làm gì để nắm bắt cơ hội này, để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, để các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn?”, ông Ngân đặt câu hỏi.

ĐB Trần Hoàng Ngân: Chính phủ đã và sẽ làm gì để nắm bắt cơ hội này, để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, để các nhà đầu tư vẫn chọn Việt Nam, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn?.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chúng ta được ủng hộ bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng, đó là kinh nghiệm xương máu truyền thống của dân tộc.

Phó Thủ tướng cho biết ông vừa tiếp chủ tịch danh dự Hội Luật gia Dân chủ thế giới, họ rất ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. “Chúng ta được ủng hộ bởi vì chúng ta có chính nghĩa. Chính nghĩa bao giờ cũng thắng, đó là kinh nghiệm xương máu truyền thống của dân tộc”, Phó Thủ tướng khẳng định. Việt Nam đã đấu tranh bằng biện pháp hòa bình từ chính trị, ngoại giao, hiện trường, cho đến dư luận xã hội và có thể xem xét tiến hành các biện pháp có liên quan.

Phó Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giữ lại niềm tin trong đầu tư và du lịch, phải quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Coi lợi ích của nhà đầu tư như chính lợi ích của mình trên cơ sở một nền tảng pháp luật đã quy định.

Cũng liên quan đến nội dung này, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) hỏi Chính phủ có những biện pháp gì đột phá hơn để thoát dần ảnh hưởng, đặc biệt là  nguyên vật liệu từ thị trường Trung Quốc. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, muốn vậy phải quyết liệt thực hiện tái cơ cầu nền kinh tế.

Đây là nhiệm vụ đã thực hiện chứ không phải khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở biển Đông thì chúng ta mới làm. Việc tái cơ cấu sẽ mang lại động lực mới cho tăng trưởng và phát triển hợp lý hơn. “Tôi đồng tình với nhận định của đồng chí Lịch là phải quyết tâm và có giải pháp mạnh trong tái cơ cấu”, Phó Thủ tướng nói.

Bao nhiêu cán bộ cấp cao phải giải trình tài sản tăng thêm?

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) cho rằng, hai vấn đề tội phạm chưa được chặn đứng và tham nhũng chưa bị đẩy lùi đang gây tâm trạng lo lắng, bất an, bức bối trong nhân dân.

“Là người được giao trách nhiệm chỉ đạo những lĩnh vực nóng, xin Phó Thủ tướng cho biết các giải pháp mạnh, quyết liệt, đột phá để chặn đứng tội phạm và đẩy lùi tham nhũng, nhất là tham nhũng trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật?”, ông Tiến thẳng thắn chất vấn.

ĐB Lê Như Tiến: Xin Phó Thủ tướng cho biết từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có bao nhiêu cán bộ cao cấp công khai, minh bạch và phải giải trình về khối tài sản ngày càng gia tăng của mình?

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Về số liệu cụ thể có bao nhiêu cán bộ có số tài sản lớn thì chỉ có thể qua thanh tra sự việc mới phát hiện một cách đầy đủ. Tôi hy vọng nhân dân cũng như những cơ quan chức năng sẽ làm tốt công việc phát hiện này trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đồng tình nhận định, tình hình tội phạm ở nước ta còn diễn biến phức tap, nhất là băng nhóm “xã hội đen”, tội phạm buôn bán ma túy, buôn bán người, vi phạm trật tự an toàn xã hội. Do vậy, Chính phủ phải đề ra một số biện pháp tốt hơn, đồng bộ hơn nữa. Làm tốt hơn công tác dự báo, nắm tình hình, điều tra cơ bản ở địa bàn, phát động toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cũng như đấu tranh ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các vụ việc.

“Nơi nào, địa bàn nào tội phạm hoành hành, không yên lòng dân thì nơi đó cấp ủy chính quyền và công an phải chịu trách nhiệm, trước hết đồng chí công an ở đó phải chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị, trước Đảng. Làm rõ trách nhiệm thì mới có thể ngăn chặn vấn đề tội phạm hiện nay”, Phó Thủ tướng nêu rõ.  

Về phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, một cơ chế trừng trị răn đe để không dám tham nhũng và một cơ chế bảo đảm để không còn tham nhũng. “Tham nhũng là vấn đề cả thế giới chứ không phải riêng ở nước ta, cho nên phải kiên trì, kiên quyết có bước đi thích hợp, có những giải pháp mạnh mẽ”, Phó Thủ tướng nói.

Bấm nút chất vấn tiếp về nội dung này, ĐB Lê Như Tiến cho rằng, giải pháp hữu hiệu phòng, chống tham nhũng là kiểm soát, giám sát tài sản gia tăng của cán bộ công chức thông qua việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

“Trong thời gian qua chúng ta có kê khai nhưng không công khai, minh bạch tài sản, vì thế một số cán bộ cao cấp đương chức hoặc vừa nghỉ hưu nhưng khối tài sản khổng lồ đã lần lượt phát lộ”, ông Tiến nói và chất vấn: “Xin Phó Thủ tướng cho biết từ đầu nhiệm kỳ tới nay đã có bao nhiêu cán bộ cao cấp công khai, minh bạch và phải giải trình về khối tài sản ngày càng gia tăng của mình?”

“Về số liệu cụ thể có bao nhiêu cán bộ có số tài sản lớn thì chỉ có thể qua thanh tra sự việc mới phát hiện một cách đầy đủ. Tôi hy vọng nhân dân cũng như những cơ quan chức năng sẽ làm tốt công việc phát hiện này trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng trả lời.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, Chính phủ đã có một nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và một nghị định về kê khai tài sản, thu nhập. Đây là 2 văn bản pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). “Việc công khai, minh bạch tài sản làm chưa tốt chứng tỏ văn bản pháp luật, cơ sở pháp lý đã có nhưng việc triển khai ở một số cấp, ngành còn nhiều hạn chế”, Phó Thủ tướng nhận định.  

Hỗ trợ kịp thời cho ngư dân

Trả lời ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về giải pháp để nguồn vốn 16.000 tỷ đồng sớm đến với ngư dân và mang lại hiệu quả cao nhất, Phó Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì xây dựng một nghị định về vấn đề này.

Chắc chắn nghị định sẽ quy định rõ, trong đó giao cho chủ tịch 28 tỉnh có biển cùng ngân hàng thương mại và ngân hàng nhà nước thực hiện tốt chủ trương này để tiền vốn hỗ trợ của nhà nước đến ngư dân thông qua các thủ tục thuận lợi, nhanh chóng nhất. “Chúng tôi cam kết rằng chậm nhất trong đầu tháng 7/2014 có nghị định chi tiết quy định việc hỗ trợ này để nguồn vốn này thực sự đến ngư dân”, Phó Thủ tướng hứa.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.