Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968

Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968
TP - Đã 40 năm trôi qua, ký ức về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 vẫn còn in đậm trong lòng người dân Sài Gòn – TPHCM. Trong các lực lượng đánh chiếm Sài Gòn, biệt động thành và các lực lượng vũ trang nhân dân đóng vai trò rất quan trọng.

Nước Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ không thể nào ngờ Việt cộng  “như từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên” và nhiều tấn vũ khí các loại đã được đưa vào nội thành cất giấu chờ ngày tổng tiến công. Trong số chiến sỹ biệt động thành, có những con người đặc biệt…

Bài 1: Nhà sư “biệt động thành”

Ngay tại nội thành Sài Gòn, Cơ quan tình báo CIA của Mỹ và Đặc ủy Trung ương tình báo chính quyền Sài Gòn từng kinh hồn bạt vía bởi những trận đánh “xuất quỷ, nhập thần” của lực lượng biệt động thành Sài Gòn. Chúng không thể ngờ trong lực lượng ấy có cả một hoà thượng…

Hoà thượng Thích Viên Hảo tên thật là Tô Thế Bình, sinh năm 1932  tại TX Sa Đéc (Đồng Tháp). Từ nhỏ cậu bé Bình ở với ông nội, cho đến  năm 11 tuổi, ông nội  mất, gia đình gửi bài vị lên chùa thờ cúng. Hàng ngày, cậu bé Bình lên chùa thắp nhang cho ông rồi một thời gian sau cậu xuất gia đi tu theo Phật.

Những chiến sỹ biệt động Sài Gòn đặc biệt Xuân 1968 ảnh 1
Hòa thượng Thích Viên Hảo thờ tại chùa Thiện Hạnh

Năm 21 tuổi, Bình lên học kinh Phật ở chùa Ấn Quang, Sài Gòn. Năm 30 tuổi, nhà sư Thích Viên Hảo trụ trì tại một ngôi chùa nhỏ có tên Tam Bảo ở đường Dương Công Trường, quận 10. Cũng từ ngôi chùa này, nhà sư Thích Viên Hảo đã trở thành một chiến sĩ biệt động thành thuộc Phân khu 6 và đào hầm bí mật dưới nền chùa để chứa vũ khí.

Nhiều đêm thức trắng, một mình nhà sư cặm cụi đào và khuân từng thúng đất để có một căn hầm rộng rãi cho anh em biệt động trú ẩn an toàn. Nhà sư Thích Viên Hảo còn có hai người  em trai là Tô Chi Lư và Tô Ngọc Sử cũng tham gia biệt động thành.

Nhà chùa khi ấy mới chỉ có 2 dãy nhà chạy xuôi tạm bợ và gian chính để thờ Phật đang trong giai đoạn xây dựng. Lợi dụng vận chuyển vật liệu, xe cộ ra vào thường xuyên nên hoà thượng đào hầm trong chùa để giấu cán bộ và chứa vũ khí, thuốc nổ. Sau này ông còn mở rộng hầm để hội họp, có thể tạm lánh lâu dài.

Với bề ngoài là người tu hành, nên hoạt động của sư Thích Viên Hảo khá thuận tiện trong việc thu thập tin tức, liên lạc với cơ sở mật. Hoà thượng được tổ chức giao nhiệm vụ đảm bảo cơ sở an toàn, hướng dẫn đường đi, vẽ sơ đồ, trinh sát các địa điểm mà người thường rất khó tiến hành được.  Nhiều lần nhà sư Thích Viên Hảo dùng xe gắn máy đi Củ Chi chở thuốc nổ, súng B.40, K54, cối 81 ly về nơi tập kết an toàn. 

Cuối năm 1967, ta chủ trương vận chuyển nhiều thuốc nổ để gây nhiều tiếng nổ trong nội thành Sài Gòn.  Tình thế rất bức bách, khẩn trương, bằng mọi cách phải vận chuyển thuốc nổ, súng đạn về nơi tập kết.

Thấy vậy, hoà thượng xung phong đi Củ Chi vận chuyển vũ khí, thuốc nổ… về nội thành. Để vận chuyển an toàn súng cối 81 ly, ông phải dùng xe ba gác chở những ống cống xi măng và giấu súng cối vào trong đó. Gặp lính kiểm soát, ông  nói vận chuyển về xây dựng chùa… và bằng cách này ông lọt qua vòng kiểm soát. Ban ngày, hoà thượng đi thực địa, vận chuyển vũ khí, tối lên sơ đồ các trận đánh cho đơn vị.

Chùa Tam Bảo đã trở thành nơi xuất phát của các chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn khiến địch khiếp vía, mất ăn mất ngủ. Chiến sĩ biệt động Tô Thế Bình đã cùng đồng đội đánh hàng chục trận như trận cầu treo bến xe Sài Gòn, trận trạm điện ở Trường đua Phú Thọ, cabin điện Chợ Thiếc, đánh mìn nhà Quốc hội khu vực bến Chương Dương…

Nhưng vào những ngày cuối năm 1967, khi chuẩn bị tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân, hoà thượng bị một kẻ phản bội chỉ điểm. Địch kéo đến bao vây toàn bộ khu vực chùa Tam Bảo. Hoà thượng bị bắt tại chùa và bị kết án tù, sau đó  bị đày ra nhà tù Phú Quốc.

Bọn địch tức tối điên cuồng cho xe ủi tung cả khu chùa Tam Bảo lên để tìm vũ khí, đạn dược. Nhưng chúng chỉ thấy hầm bí mật chứ không tìm thấy được gì. Chưa hả giận, chúng còn chia nhỏ nhà chùa ra để cho binh lính tới ở. Chùa Tam Bảo đã bị xóa tên từ đó.

Trong nhà tù Phú Quốc, hoà thượng nhất quyết không khai tổ chức, đồng chí, đồng đội, không chào cờ địch. Mọi cực hình tra tấn tàn bạo nhất nơi tù ngục Phú Quốc vẫn không làm lung lay tinh thần  cách mạng của nhà sư - chiến sỹ biệt động.

Ở tù, hòa thượng chỉ  ăn cơm rau và muối  trắng nhưng lòng  vẫn dào dạt niềm tin ngày chiến thắng. Năm 1973, hoà thượng Thích Viên Hảo được trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Một sáng đẹp trời bên bờ sông Thạch Hãn, ranh giới chia cắt đất nước ở Vĩ tuyến 17, Hoà thượng được trở về với cách mạng.

Hoà thượng Thích Viên Hảo được đưa về an dưỡng tại khu nghỉ mát biển Sầm Sơn (Thanh Hóa). Ngày 30/4/1975, tin truyền đến khiến hoà thượng mừng khôn tả: Miền Nam hoàn toàn giải phóng,  nước nhà thống nhất. Sau đó, hoà thượng xin về nghỉ  an dưỡng tại TPHCM,  tham gia công tác ở UBMTTQ thành phố.

Trong quá trình công tác, chiến đấu, chiến sỹ biệt động thành Tô Thế Bình - Hoà thượng Thích Viên Hảo được Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất cùng nhiều huy chương, bằng khen… Hoà thượng Thích Viên Hảo viên tịch cuối năm 2005 tại chùa Thiện Hạnh, quận 1, TPHCM.

------------------------

Kỳ sau “Chủ thầu khoán Dinh Độc Lập” và căn hầm chứa vũ khí

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...